Translate

Nhớ về quê hương Bút Đông

Web Giáo Phận Sài Gòn:
  • Căn cứ lời phát biểu của cố Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tích Đức (nguyên Giám mục Buôn Mê Thuột) nhân lễ bổn mạng đồng hương Bút Đông năm 2010, trước Thánh lễ mừng bổn mạng của đồng hương Bút Đông năm 2012, Cha Giuse Nguyễn Ý Định đã mời gọi mọi người cùng cảm tạ Thiên Chúa, vì muôn ơn lành Ngài đã ban cho dân làng, dẫu rằng ngày nay, nhiều vị mục tử của dân làng đã ra đi.
  • Lúc 10g00 ngày 07/10/2012, đông đảo bà con đồng hương Bút Đông miền Nam đã quy tụ về Nguyện đường Bác Ái Thánh Tâm - số 100A/3 khu phố Bình Đường 3, An Bình, Dĩ An, Bình Dương để hiệp dâng Thánh lễ mừng bổn mạng do Cha Giuse Nguyễn Ý Định chủ tế. Đồng tế với ngài có Cha cố Giuse Trần Văn Nghị, Cha cố Tôma Nguyễn Văn Lễ, Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Hạnh - Giám đốc Tu hội Bác Ái Thánh Tâm.
  • Chia sẻ Lời Chúa, Cha Giuse Nguyễn Ý Định nhắc lại sự âu lo của Cha cố Phêrô Cao Văn Đạt khi ngài còn sống, đó là việc phát triển ơn gọi linh mục và tu sĩ của dân làng Bút Đông trong tương lai. Hôm nay, dù ngậm ngùi vì trong hai năm qua, dân làng đã mất đi hai Giám mục và ba linh mục, nhưng các ngài đã để lại cho dân làng một di sản tinh thần quí giá. Vì thế, chúng ta hãy luôn tôn thờ Thiên Chúa, tôn kính Mẹ Maria và siêng năng lần chuỗi Mân Côi để duy trì và giáo dục đời sống Đức tin cho con cái, hầu có nhiều linh mục, tu sĩ dâng mình cho Thiên Chúa, và bà con luôn duy trì truyền thống tốt đẹp của dân làng.
  • Sau lời nguyện hiệp lễ, Ông Vinh-Sơn Vũ Văn Hỷ đã thay mặt dân làng cám ơn quý cha, quý đồng hương, quý ân nhân và Tu hội Bác Ái Thánh Tâm đã dành nhiều sự ưu ái, để dân làng mừng lễ bổn mạng thật trang trọng.
  • Sau Thánh lễ, bà con quy tụ lại với nhau dùng bữa cơm gia đình, hàn huyên tâm sự, và Ban Đại diện thông báo các tin tức, sinh hoạt của đồng hương. Công việc tổ chức luôn được sự hướng dẫn và giúp đỡ của cha Linh hướng. Hiện nay, Cha Giuse Nguyễn Ý Định là linh hướng của đồng hương.
1. Những người con ưu tú quê hương Bút Đông
1.1 Danh sách Hồng y, Giám mục làng Bút Đông
  • Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (nguyên Hồng y TGM Hà Nội). Tấn phong Giám mục ngày 02/6/1963. Hồng y TGM ngày 02/5/1979. Qua đời ngày 15/5/1990.
  • Đức cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương (nguyên Giám mục Hải Phòng). Tấn phong Giám mục ngày 18/2/1979. Qua đời ngày 10/3/1999.
  • Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức (nguyên Giám mục Buôn Mê Thuột). Tấn phong Giám mục ngày 17/6/1979. Qua đời ngày 23/5/2011.
  • Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực (nguyên Giám mục Buôn Mê Thuột). Tấn phong Giám mục ngày 15/8/1981. Qua đời ngày 23/9/2011.
1.2 Ngoài ra, còn có các cha giáo tại Đại chủng viện
  • Cha Giuse Trịnh Hưng Kỷ (nguyên giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse). Qua đời ngày 26/5/2010.
  • Cha Phêrô Cao Văn Đạt (nguyên giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse). Qua đời ngày 25/10/2010.
  • Cha Phaolô Nguyễn Hải Bằng (nguyên giáo sư Đại chủng viện Cần Thơ). Qua đời ngày 05/5/2012.
1.3 Người con tiêu biểu của làng Bút Đông
Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1921 - 1990)
Hồng y của Giáo hội Công giáo Rôma ở Việt Nam.
Ông là vị Hồng y người Việt, được thụ phong thứ 2 sau Hồng y Trịnh Như Khuê.
1.3.1. Thân thế
  • Hồng y Trịnh Văn Căn sinh ngày 19 tháng 3 năm 1921, tại làng Bút Đông, xã Trát Bút (nay là xã Châu Giang), huyện Duy Tiên, Hà Nam. Ông là con trai duy nhất của ông Phêrô Trịnh Văn Điền và bà Anna Nguyễn Thị Thảo, đều là người xứ Bút Đông. Sau khi ông ra đời khoảng 1 năm, thân phụ ông lưu lạc qua Lào, rồi Thái Lan để sinh kế, mãi đến năm 1932 trở về quê nhà. Sau đó ông bà mới sinh hạ người con gái út tên là Trịnh Thị Miều.
 1.3.2. Quá trình tu tập
  • Sinh trưởng trong một gia đình Công giáo nghèo, từ nhỏ ông đã theo giúp việc cho Phó tế Phêrô Nguyễn Đức Tín tại quê nhà. Ngày 29 tháng 6 năm 1929, ông theo thầy Phêrô Tín xuống Nam Định tá túc thụ giáo với Linh mục chánh xứ Nam Định là Pédebidau (tên Việt: Hóa). Năm 1930, thầy Phêrô Tín chịu chức linh mục, về giúp xứ Kẻ Vôi, đưa ông theo và cho học trường dòng Thường Tín. Năm 1931, ông đỗ bằng Sơ học Yếu lược Pháp-Việt. Từ đấy ông bắt đầu cuộc sống học tập tu trì tại trường Tập Hà Nội trong 3 năm.[1]

  • Đầu niên khóa 1934 - 1935, ông được đưa vào học tại Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, bấy giờ do linh mục Binet (thường được gọi là Cố Ninh) làm Giám đốc, trong 5 năm. Sau khi tốt nghiệp và chịu chức Phó tế, ông được đưa về giúp xứ Yên Mỹ, một xứ đạo nhỏ bên sông Hồng, đến năm 1941 thì được gọi về học Đại chủng viện Liễu Giai do các linh mục Xuân Bích điều hành dưới quyền linh mục Giám đốc Palliard (tên Việt: Lý).
  • Việc học của ông bị gián đoạn vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, khi cuộc Kháng chiến chống Pháp toàn quốc bùng nổ và Đại chủng viện đóng cửa. Ông tản cư về quê Bút Đông rồi lên Đại Ơn với linh mục Phêrô Tín một thời gian. Khoảng tháng 3 năm 1947, ông tìm đường lên Hà Nội trở về Đại chủng viện. Bấy giờ Giám mục Hà Nội là Giám mục Francois Chaize (tên Việt: Thịnh) gửi ông và một số thầy giảng khác vào lớp Thần học ở dòng Chúa Cứu thế tại ấp Thái Hà, dưới quyền linh mục Giám đốc Gagnon (tên Việt: Nhân) học nhờ một năm cho đến đầu năm 1948, khi Đại chủng viện giáo phận mở cửa trở lại tại số 40 phố Nhà Chung (Hà Nội, do linh mục Vuillard (thường được gọi là Cố Huy) làm Giám đốc.
1.3.3. Chịu chức linh mục (1949 - 1963)
  • Ngày 3 tháng 12 năm 1949, tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Giám mục Chaize truyền chức linh mục cho các thầy Phó tế Giuse Trịnh Văn Căn, (?) Hoàng Quốc Chương, Giuse Nguyễn Tùng Cương và Gioan Đỗ Tông. Đây là khóa phong chức đặc cách vì hoàn cảnh đặc biệt trong chiến tranh. Sau khi chịu chức, tân linh mục Trịnh Văn Căn được bổ nhiệm về xứ Hàm Long, làm phó cho Linh mục Chánh xứ Giuse Trịnh Như Khuê.
  • Ngày 15 tháng 8 năm 1950, linh mục Trịnh Như Khuê được Tòa Thánh cử làm Giám mục Hà Nội thì linh mục Trịnh Văn Căn cũng rời Hàm Long lên Tòa Giám mục nhận chức Thư ký của tân Giám mục. Qua năm sau, ông kiêm chức Phó xứ nhà thờ Chính tòa (Chánh xứ là linh mục Nguyễn Huy Mai), và là Phó giám đốc trường Trung học Dũng Lạc (Giám đốc là linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai).[1]
  • Tháng 8 năm 1952, linh mục Nguyễn Huy Mai được bổ nhiệm Giám đốc Tiểu chủng viện Piô XII. Ông được thăng làm Chánh xứ kiêm Tổng quản miền Hà Nội.
1.3.4. Trong thời gian làm Chánh xứ
Ông đã cho thực hiện hai công trình lớn tại xứ đạo là:
  • Xây nhà nguyện trong khuôn viên Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt-Đức), khánh thành ngày 1 tháng 5 năm 1958.
  • Trùng tu Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, một thánh đường cổ kính được xây cất từ năm 1884 và hoàn thành năm 1888 dưới thời Giám mục Puginier (Phước, 1835-1892).
  • Năm 1959, ông được cử làm Linh mục Chính xứ Giáo phận, vẫn kiêm Chánh xứ Nhà thờ Chính tòa, đồng thời kiêm Chánh xứ Kẻ Sét.
1.3.5. Thụ phong giám mục (1963 - 1979)
  • Ngày 2 tháng 6 năm 1963, ông bất ngờ được tấn phong Giám mục tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, do Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê chủ lễ. Ngày hôm sau, một thông cáo từ Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đến các giáo phận, thông báo quyết định bổ nhiệm ông làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận với lý do:
  • "Sự truyền chức cho Đức cha Phó, Đức Tổng Giám mục vẫn nghĩ còn lâu mới làm, và không biết là bao giờ, nhưng chúa nhật ngày 26 tháng 5 năm 1963, tự nhiên Đức Tổng Giám mục thấy mình trở nên lòa, hầu như mù vậy, chữ viết trên mặt đồng hồ không còn trông thấy nữa, trông ra ngoài sân không còn trông rõ cây và sân cỏ, khi ăn cơm không còn trông rõ bát, bệnh lại tiến lên nhanh lắm, Người nghĩ rằng sẽ mù hẳn... Trong lúc ấy, Người chẳng nghĩ đến việc chạy chữa thuốc men, chỉ nghĩ đến sự truyền chức cho Đức cha Phó, và kêu xin Chúa cho bệnh giảm đi, ít là trông rõ chữ để truyền chức. Sau khi ăn cơm xong mấy phút, bệnh đã giản ra, Người đã trông rõ như trước, nhưng sợ bệnh trở lại, Người đã vội vàng truyền chức cho Đức cha Phó..."[2].
  • Tính từ khi nhận chức linh mục phó xứ Hàm Long năm 1949 đến khi kế vị Tổng giám mục Hà Nội năm 1978, trong gần 30 năm, ông là người phụ tá đắc lực cho Hồng y Trịnh Như Khuê trong việc điều hành giáo hội tại miền Bắc, đặc biệt là trong trong hoàn cảnh tế nhị bấy giờ khi bang giao giữa Tòa Thánh Vatican và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn bị cắt đứt. Tháng 5 năm 1974, khi Tòa Thánh mời dự Hội đồng Giám mục thế giới tại Roma, vì lý do sức khỏe, Tổng giám mục Trịnh Như Khuê đã cử Tổng Giám mục phó Trịnh Văn Căn đi thay[3]. Tại Hội đồng Giám mục thế giới khai mạc ngày 27 tháng 9 năm 1974, thay mặt Tổng Giám mục Hà Nội, ông đã đọc bài tham luận trình bày vắn tắt 4 điểm về tình hình hoạt động của Giáo hội tại miền Bắc Việt Nam.[4]. Cũng tại Roma này, ngày 19 tháng 10 năm 1974, do sự sắp xếp của Đức ông Hasseler, người Đức, Giám đốc Caritas quốc tế, ông bất ngờ gặp lại thân mẫu của mình sau 20 năm xa cách.[1]
  • Sau khi Hồng y Trịnh Như Khuê qua đời ngày 27 tháng 11 năm 1978, ông lên kế vị trở thành vị Tổng Giám mục Hà Nội thứ 2.
1.3.6. Thụ phong hồng y (1979 - 1990)
  • Chỉ 6 tháng sau khi kế nhiệm, ngày 2 tháng 5 năm 1979, Tòa Thánh thông báo nâng Tổng Giám mục Giuse Trịnh Văn Căn lên chức Hồng y. Trung tuần tháng 9 năm 1979, ông lên đường sang Roma nhận chức. Ngày 30 tháng 6 năm 1979, lễ trao mũ Hồng y được tổ chức tại Đại sảnh đường Phaolô VI do Giáo hoàng Gioan Phaolô II làm chủ lễ. Ngày 2 tháng 7 năm 1979, lễ trao nhẫn Hồng y được tổ chức. Ông chính thức nhận chức Hồng y linh mục Thánh đường St. Maria in Via (Roma), trở thành vị Hồng y người Việt thứ hai. Ngày8 tháng 7 năm 1979, tân Hồng y Trịnh Văn Căn đến nhận ngai tòa của mình tại Thánh đường St. Maria in Via.
  • Sau khi trở về, ông tiếp tục sự nghiệp của người tiền nhiệm, khẩn trương tiếp xúc với chính quyền và Ban Tôn giáo trung ương để thu xếp hình thành một Hội đồng Giám mục Việt Nam thống nhất trên toàn quốc. Sau khi được Thủ tướng chính phủ chấp thuận, ngày 3 tháng 1 năm 1980, ông đưa đơn chính thức xin phép chính quyền Việt Nam cho các Giám mục Việt Nam được tập trung “Cấm phòng” ở Hà Nội, họp trù bị[1]. Từ 24 tháng 4 đến 1 tháng 5 năm 1980, 33 Giám mục trong cả nước về Hà Nội dự đại hội thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ông được suy cử làm Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng giám mục Việt Nam.
  • Là người có phẩm vị cao nhất và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông thực tế nắm quyền lãnh đạo các hoạt động của giáo hội Công giáo tại Việt Nam trong tình hình quan hệ ngoại giao giữa chính quyền Việt Nam và Tòa Thánh Vatican hoàn toàn bị đóng băng. Tháng 6 năm 1988, ông kiêm Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Huế sau khi Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền qua đời. Đầu năm 1990, ông kiêm Giám quản Tông tòa thêm 3 giáo phận Hưng Hóa, Thái Bình và Thanh Hóa.
  • Lúc 20 giờ 30 ngày 15 tháng 5 năm 1990, ông qua đời vì bệnh nhồi máu cơ tim và áp huyết đột ngột, thọ 69 tuổi. Lễ an táng được cử hành ngày 23 tháng 5 năm 1990, do Hồng y Roger Etchegaray, đặc sứ Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, làm chủ lễ, cùng với sự tham dự của 20 Giám mục, 120 linh mục và khoảng 80.000 giáo dân. Phần mộ của ông được an táng tại gian trái nhà thờ chính tòa Hà Nội.
1.3.7. Công lao
  • Ông là người kế tục xứng đáng và hoàn tất những chuẩn bị của người tiền nhiệm trong việc xúc tiến thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam. Kể từ năm 1980, hoạt động của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam được thống nhất, phần nào trung hòa những mâu thuẫn với phía chính quyền Việt Nam, kết hợp được các Giám mục trong một tổ chức để phối hợp công cuộc mục vụ cho có kết quả, đồng thời đặt cơ sở cho những hoạt động hữu hiệu khác trong tương lai.
  • Ông cũng là người hoàn tất việc xúc tiến mở hồ sơ phong thánh cho Các thánh tử đạo Việt Nam. Dù phải chịu nhiều áp lực và phản đối từ phía chính quyền, với cách giải quyết khéo léo của mình, ông đã giải quyết vấn đề phức tạp và tế nhị này đã được giải quyết với ý nghĩa thuần túy tôn giáo, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với cộng đồng Công giáo có tỷ lệ giáo dân trong tổng dân số xếp thứ ba ở châu Á, sau Đông Timor và Philippines [5].
  • Ngay từ khi Công giáo được truyền bá vào Việt Nam, các nhà truyền giáo đã nhiều lần tìm các dịch các bộ kinh thánh ra tiếng Việt. Tuy nhiên, việc dịch thuật thường thiếu tính cách hệ thống và gặp nhiều khó khăn do hoàn cảnh chiến tranh. Từ năm 1972, ông bắt đầu cho tổ chức dịch Kinh Tân ước. Dù bị giới hạn bởi hoàn cảnh chiến tranh, nhưng tính tới năm 1975, cũng đã xuất bản được 5.000 cuốn. Đến năm 1978, ông tiếp tục cho dịch Kinh Cựu ước cho đến cuối năm 1988 thì hoàn thành. Các bản dịch do ông chủ biên được cho là sử dụng ngôn ngữ thông thường, lời văn bình dị dễ hiểu so với các bản dịch cũ.
  • Ông cũng được cho là có công lớn trong việc sưu tầm, chỉnh lý, bổ sung, hệ thống hóa và phổ biến rộng rãi những bài văn cổ dâng hoa. Ông đã bỏ nhiều công sức để ghi nhạc, sửa lời những bài văn quý tản mát, mai một, và đã xuất bản được 7 bộ dâng hoa và một số bài hát dâng hoa đi đôi với các bài văn. Đây được đánh giá là những tư liệu quý cho việc nghiên cứu âm nhạc dân tộc và sự hội nhập văn hóa của Công giáo Việt Nam vào dòng âm nhạc dân tộc.
  • Ngoài ra ông còn dịch một số bài hát tiếng Latin sang tiếng Việt.
Chung quanh lễ Phong Thánh
Các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam
Thứ ba - 18/06/2013 
  • Ngày 25.8.1985, vào quãng 10 giờ đêm, Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn đến kêu tôi ở Nhà Phát Diệm tại Rôma
  • Đức ông Vinh sơn Trần Ngọc Thụ
Được giao công tác:
  • Ngày 25.8.1985, vào quãng 10 giờ đêm, Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn đến kêu tôi ở Nhà Phát Diệm tại Rôma. Hai chúng tôi đi bách bộ ngoài hành lang chừng 20 phút. Ngài hỏi:
  • Cha có biết vì sao mỗi lần tới Rôma, tôi hay đi viếng đền Thánh Rita không? (Đền Thánh Rita tại Cascia, Tỉnh Perugia, miền Bắc Ý. Thánh Rita nổi tiếng hay làm phép lạ trong những trường hợp khó khăn).
  • Thưa Đức Hồng Y (ĐHY), chắc là tại ĐHY có nhiều khúc mắc, nhiêu khê!
  • Cha nói đúng. Vấn đề nhiêu khê chính là vấn đề xin phong thánh cho các Chân Phúc Tử Đạo VN. Trước kia, rồi đến đời Đức cố Hồng Y Trịnh Như Khuê, đã 4 lần xin các vị ngoại quốc đảm nhiệm, nhưng rồi vẫn chưa tới đâu. Tuy nhiên, đây là vấn đề tha thiết và khẩn trương. Ngày nay đã có nhiều linh mục Việt Nam tại Rôma, trong số đó, có cha và cha đã có kinh nghiệm nhiều năm tại Tòa Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn, tôi muốn giao công tác này cho cha, nhưng cha phải cho biết có đồng ý nhận hay không?
  • Ngay lúc đó vì quá bất ngờ, tôi rất phân vân không biết tính toán làm sao! Nhưng tôi tự nhủ: mình là con cái của Giáo Hội Việt Nam, cho dù từ cuối năm 1976, tôi còn đang mang số mệnh ra đi không hẹn ngày về, còn ĐHY hồi đó là Tổng Giám mục Hà Nội, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), tôi nhận các ngài là đại diện của Thiên Chúa, hôm nay, được sai khiến, dù muốn dù không, mình phải vâng lời.
  • Và tôi đã thưa: Vâng, con xin nhận. Ngay lúc đó ĐHY rút từ trong túi áo một văn thư đã đánh máy, đã đóng ấn, đã kí sẵn: Lá thư ủy nhiệm cho tôi làm Cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh các Chân Phúc Tử Đạo VN. Thì ra ngài đã sắp xếp mọi sự trước rồi, vì sáng hôm sau, ngày 26.8.1985, ngài lên đường về Hà Nội, để rồi ba bốn năm sau Đại lễ Phong thánh ngài mới trở lại Rôma.
  • Lãnh trách nhiệm rồi mà thâm tâm tôi vẫn cảm thấy mình như chim chích vào rừng. Chuyện Cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh xưa nay chỉ nghe nói một cách mang máng vậy thôi, chứ nào có ý nghĩ gì rõ ràng đâu! Rồi tiểu sử cả 117 vị thánh, chứ có phải một hai vị? Tìm đâu ra tài liệu đầy đủ? Trong khi đó, lúc trao công tác, Đức cố Hồng Y Trịnh Văn Căn cố tình đặt hai điều kiện rõ rệt: phải làm trong im lặng, đừng có rùm beng, và phải làm mau hết sức, một hai năm tối đa, cho tới khi nào được Đức Giáo Hoàng châu phê và công khai tuyên bố, lúc đó mới chắc ăn, vì Ngài sẽ không thể rút lại lời đã tuyên bố công khai trước mặt thế giới!
Xúc tiến công việc
  • Trong thời gian tiến hành công tác được giao phó, thú thực, đã có lần chúng tôi cảm thấy hết sức băn khoăn. Đức Hồng Y quyết định một cách quá bất ngờ và không giới thiệu tôi với ai, để khi cần, tôi có chỗ nhờ cậy, và tham khảo ý kiến. Nhưng đàng khác, ngài rất đại lượng và thông cảm. ĐHY bảo tôi: "Cha chịu khó tự tháo vát lấy!". Thế là chúng tôi "phải" tự suy diễn và tự giải thích ý muốn của ĐHY:
  • Hàng Giám mục VN hồi đó, kể cả hai ba vị đang nghỉ hưu ở ngoại quốc, trên dưới 41 vị, nhưng đứng tên kí bản Thỉnh nguyện thư đệ lên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I I để xin phong thánh, vì hoàn cảnh năm 1985, chỉ có một mình Đức cố Hồng Y Trịnh Văn Căn trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN. Để cho người ta khỏi nghĩ các Giám mục VN quá lẻ loi, đơn độc, chúng tôi được khuyến khích kêu gọi hàng Giám mục ba nước khác có liên hệ: Pháp (120 Giám mục) có 10 vị tử đạo trong số các Chân phúc, Tây Ban Nha (80 Giám mục) có 11 vị tử đạo, Phi Luật Tân (120 Giám mục). Tuy Phi Luật Tân không có vị nào trong danh sách tử đạo sắp được tuyên thánh, nhưng theo tài liệu lịch sử truyền giáo thì hồi xưa, Thủ đô Manila vẫn là đầu cầu Thiên định. Các thừa sai từ Âu châu sang Á châu đi tầu thủy, ai cũng phải dừng chân tại đó, chờ ngày vào Việt Nam hay là đi nơi khác. Do đó, ba quốc gia nói trên (tất cả 320 Giám mục nữa), qua 3 Hội đồng Giám mục, đã gửi ba Thỉnh nguyện thư riêng biệt, đệ lên Tòa Thánh ủng hộ sáng kiến của Hội đồng Giám mục VN và thành khẩn xin Đức Gioan Phaolô I I phong thánh cho các Chân phúc Tử đạo VN.
  • Để biểu dương tinh thần huynh đệ thiêng liêng giữa ba danh sách các Chân phúc Tử đạo Việt Nam – Pháp – Tây Ban Nha, linh mục Cáo thỉnh viên Việt Nam đã xin Bộ Phong Thánh cho phép hai linh mục Cáo thỉnh viên Venchi, Dòng Đa Minh, đại diện Tây Ban Nha và Itcana, Hội Thừa Sai Ba Lê, cùng đứng tên trong một danh sách Cáo thỉnh viên, như thể là cả ba đã được chính HĐGMVN ủy thác và bổ nhiệm. Do đó, bất cứ đơn từ gì, hay hồ sơ nào đều được cả ba đồng ý kí và đồng chịu trách nhiệm. Sự kiện này đã đem lại nhiều thành công, nhất là khi cần đến sự nâng đỡ của Hội đồng Giám mục của hai nước bạn. Cũng nhờ đó mà Cáo thỉnh viên Việt Nam, trong 6 tháng đầu tiên, đã thu được rất nhiều tài liệu lịch sử quan trọng, vượt quá sự mơ ước của mình. Ngoài ra, khi tổ chức Đại lễ Phong Thánh, số tiền chi tiêu nguyên một ngày lễ 19.6.1988 đã tốn mất 32 triệu tiền Ý (chừng 23 ngàn Mĩ kim), hai Cáo thỉnh viên Pháp và Tây Ban Nha, tự coi mình như hai thành viên, đã xin Dòng Đa Minh Tây Ban Nha và Hội Thừa Sai Ba Lê, đóng góp mỗi dòng 1/3, tức 10 triệu tiền Ý. Việt Nam chịu 12 triệu, vì con số tử đạo đông hơn (Việt Nam 96 vị, Pháp 10 vị, Tây Ban Nha 11 vị).
Đi cấy ban đêm
  • Ôm mớ tài liệu nặng chĩu về phòng riêng, chúng tôi vẫn còn trong tình trạng như chim chích vào rừng, không biết khởi sự từ đâu! Tòa Thánh coi Vụ Án Phong Thánh là công việc hoàn toàn cá nhân, có nghĩa là: một tuần lễ 7 ngày thì 6 ngày chúng tôi cứ phải đi làm công sở Tỏa Thánh (6 buổi sáng và 3 buổi chiều). Để lo việc phục vụ các Thánh Tử Đạo, chúng tôi tự đặt cho mình thời khóa biểu riêng. Ngày nào cũng làm việc từ 21 giờ tối đến nửa đêm (3 tiếng đồng hồ) và liên tục một năm rưỡi (trên dưới 600 ngày). Lúc đầu, mỗi lần mở tập hồ sơ ra là trong lòng ngao ngán. Tập hồ sơ khác nào nắm tơ vò, rối rít chằng chịt. Phải mất mấy tuần lễ mới tìm ra đầu mối! Nhưng về sau, khi đã nhìn ra gốc ngọn, đọc hồ sơ các Thánh là cả một thích thú, một say mê, vì các Thánh đã đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Cũng là con người như chúng ta, các Chân Phúc Tử Đạo sống với mức độ phi thường. Đức tin của các ngài đã trở thành sắt đá, sức kiên trung chịu đựng, như đã là một tập quán tự nhiên, gian lao cực khổ được coi nhẹ như lông hồng. Mặc cho lao tù, thiếu thốn, nhục mạ..., tâm hồn các ngài lúc nào cũng an bình, hiên ngang, thanh thản. Mạng sống các ngài như con cá nằm trên thớt, nhưng phong độ con người các ngài vững vàng, cao cả. Hơn thế nữa, đối với vua quan đã ra lệnh xử tử các ngài cũng như đối với đội lính cầm gươm chém. giết các ngài, các ngài đã tỏ ra lễ độ, cư xử bác ái, không hận thù, nhưng tha thứ và cầu nguyện cho họ. Các ngài đã xác tín mãnh liệt vào Chúa Kitô tử nạn. Chính niềm tin sâu xa, quyết liệt này là bảo chứng các ngài đã thắng thế gian (1 Ga.5,4).
  • Chúng tôi cảm phục công lao các vị Thừa sai Pháp và Tây Ban Nha. Hồi xưa, các vị đã về mãi tận các xóm làng, các họ đạo Việt Nam, để điều tra tại chỗ về xuất xứ, lai lịch, họ hàng, cá tính của từng vị Tử đạo Việt Nam hay ngoại quốc, sau khi các ngài bị hành quyết vì đạo. Từng trăm ngàn trang giấy viết tay, đánh máy, bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ, sau đó dịch ra La ngữ, đóng thành từng bộ hồ sơ. Hay là các đồ dùng, di tích, và cả xác các vị tử đạo cũng được mai táng hẳn hoi. Mỗi khi có cơ hội thì gửi qua Hong Kong, Macao..., chờ tầu thủy chở dần về Pháp hay Tây Ban Nha. Nhờ có những cuộc điều tra, bảo toàn với rất nhiều chi tiết tỉ mỉ ấy, mà ngày nay chúng ta mới có tài liệu chính xác và bằng chứng cụ thể.
  • Đến khi đi vào lịch sử bách hại của từng vị Thánh, dù bầu không khí ban đêm có yên lặng, đôi khi rét lạnh đi nữa, tự nhiên chúng tôi cảm thấy nóng hổi, hấp dẫn, hào hùng! Như lịch sử Thánh Giuse Maria Diaz An (Sanjurjo), Giám mục Bùi Chu, bị trảm quyết tại Bảy Mẫu ngày 20.7.1857. Lời vị Thánh: "Tôi để lại món tiền nho nhỏ 300 đồng này với lời thỉnh nguyện tha thiết là đừng chém tôi một nhát, nhưng xin chém ba nhát. Nhát thứ nhất để cảm tạ Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi và đã cho tôi phúc đến truyền đạo tại Bắc Việt. Nhát thứ hai để tỏ lòng tri ân cha mẹ tôi vì công sinh thành dưỡng dục tôi. Nhát thứ ba tôi để lại như một lời di chúc cho giáo dân (VN) của tôi. Đó là cầu cho họ được can đảm đón nhận cái chết như vị chủ chăn của họ với hi vọng sẽ được cùng nhau hưởng phúc quang vinh với các Thần Thánh trên trời" (Trần Ngọc Thụ. Giáo Hội Việt Nam, I I. Tiểu sử 21 Thánh Tử Đạo người ngoại quốc, Roma 1991, tr. 31-32).
  • Tấm gương của Gm. Giuse Maria An, cũng như từng trăm tấm gương anh dũng khác, là như dòng suối mát, với thời gian, đã chuyển sinh lực thấm sâu xuống lòng đất Việt Nam. Hồi khai nguyên truyền đạo mới có hai giáo phận: Đàng Trong và Đàng Ngoài (1659), nhưng ngày nay, Giáo Hội Việt Nam đã có tới 25 giáo phận, từ Lạng Sơn xuống tới Cần Thơ, Long Xuyên. Tất cả đều do hàng giáo phẩm VN phụ trách. Từ con số khoảng 500 ngàn giáo dân vào năm 1850, nay đã lên tới trên dưới 7 triệu tín hữu, rải rác trên toàn cõi Bắc Trung Nam. Từ một số ít các nữ tu Mến Thánh Giá còn sót lại sau những đợt bách hại, nay đã lên tới gần 7 ngàn chị em nữ tu, thuộc nhiều dòng tu khác nhau, đang hăng say phục vụ Giáo Hội. Cũng trong thời gian khởi sự, Tiểu Chủng viện đầu tiên được thiết lập trên một chiếc thuyền nan, luôn luôn di động nay đây mai đó để tránh né con mắt dò xét của nhà cầm quyền, thì hiện nay đã có năm sáu Đại Chủng viện liên giáo phận, có cả Giáo hoàng Học viện Đà Lạt (trước 1975), gần 2 ngàn linh mục tại quê hương và trên 600 linh mục khác ở hải ngoại đang liên tục thi hành mục vụ giữa các cộng đoàn giáo dân người Việt và bản xứ. Đã có các linh mục Việt Nam vào làm việc trong Giáo phủ Roma, trong ngành ngoại giao Tòa Thánh, trong hai Đài Phát Thanh Vatican và Chân Lí Manila, trong ban giảng huấn các trường Đại học tại Roma và các nước khác...Còn về giáo dân, đạo gốc có, tân tòng có, thường dân có, quan quyền có, binh sĩ có, ngày xưa họ đã từng bị bách hại khốc liệt, đã bị xử lăng trì, trảm quyết, bá đao, xử giảo, quăng vào lửa, buông xuống sông biển, phân sáp vào các làng bên lương...! Tổng cộng, hơn 130 ngàn giáo hữu đã gục ngã đau thương, chỉ vì một tội là theo đạo Gia Tô. Theo chương trình Thiên định, họ là hạt giống gieo xuống lòng đất, sẽ bị thối nát, để rồi nảy mộng vươn lên ánh sáng, thành cây tươi tốt, thành vườn hoa trăm màu nghìn sắc, báo hiệu mùa Xuân Giáo Hội huy hoàng. Trong lịch sử VN cận đại đã có nhiều tín hữu thành công trong đũ mọi lãnh vực, không thua kém đồng hương! Trên thượng tầng xã hội, các vua chúa nhà Nguyễn ngày xưa giết hại người Công Giáo, nhưng về sau, một số vị đã nhận biết Thiên Chúa, chẳng hạn như các vua Thành Thái, Khải Định và Bảo Đại. (Tất cả những thành quả thăng tiến của GHCGVN trên đây sẽ được coi là phép lạ thiêng liêng thay thế cho phép lạ thực sự sau cùng mà lẽ ra, theo Giáo luật, phải có để tuyên thánh cho các Chân Phúc Tử Đạo VN).
  • Những ý nghĩ trên đây cứ thấp thoáng trong đầu óc chúng tôi giữa đêm khuya thanh vắng, trong khi chúng tôi đọc lại những trang sử hào hùng của các Thánh Tử Đạo VN. Những ý tưởng này xuất hiện như vầng sáng bình minh đang lên ở chân trời Việt Nam. Quá khứ và tương lai, từ chỗ mờ tối, cứ dần dần tỏa ra quang minh rực rỡ, đã làm rạo rực tâm hồn người cầm bút, và thêm sự khích lệ linh thiêng để chúng tôi tiếp tục công việc đã bắt đầu.
  • Sau thời gian gần 600 ngày nỗ lực làm việc, chúng tôi đã hoàn thành 2 công trình
  • Giáo Hội Việt Nam, Tập I: Vụ Án Phong Thánh (125 trang, xuất bản tại USA, 1987) để trình bày với công chúng tài liệu căn bản về Lịch sử Vụ Án Phong Thánh các Chân Phúc Tử Đạo.
  • Cuốn Compendium (Tổng quát) Vitae et Martyrii necnon Actorum in Causa Canonizationis Beatorum Andreae Dũng Lạc, Sacerdotis, Thomae Thiện et Emmanuekis Phụng, Laicorum, H. Hermosilla, Valentini Berrio Ochoa, O.P. et aliorum 6 Episcoporum, necnon Theophani Vénard, Sacerdotis M.E.P. et 105 Sociorum Martyrum.
  • Tập Tổng quát (Compendium) trình bày về: Lịch sử truyền đạo tại Việt Nam, lịch sử các cuộc bách hại tôn giáo thời đó, danh sách 117 Chân Phúc Tử Đạo, Thỉnh nguyện thư của HĐGMVN và thế giới, mấy dòng tiểu sử từng vị một. Cuốn này (87 trang khổ lớn, tên sách bằng La ngữ, nhưng nội dung bằng Ý ngữ) chỉ ấn hành 500 tập: 300 tập nộp cho Bộ Giám mục, 200 tập cho Bộ Phong Thánh, để các vị chuyên môn và thẩm quyền cứu xét, chờ ngày được Tòa Thánh công khai chấp thuận.
Cơ Mật Viện ngày 22.6.1987
  • Sáng Thứ hai, ngày 22.6.1987, hồi 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha Phaolô I I đã tới chủ tọa Cơ Mật Viện khoáng đại tại Gian Phòng Hoàng Tòa (Sala del Trono) tại Vatican. Khoáng đại là vì tất cả các vị Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục tại Tòa Thánh và các vùng phụ cận Roma đều được triệu tập (tất cả có 28 Hồng Y, 70 Tổng Giám mục và Giám mục); khoáng đại là vì ít khi mới có phiên họp Cơ Mật Viện, lần họp Cơ Mật Viện sau cùng hồi đó là ngày 24.2.1986; sau hết, khoáng đại là vì đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng tới đời sống Giáo Hội.
Phiên họp Cơ Mật Viện (họp đóng cửa) chia làm hai phần:
  • Phần thứ nhất: Dành riêng cho Hồng Y đoàn. Trước khi khai mạc, theo thủ tục, viên chức phụ trách an ninh xướng "Extra omnes". Tất cả những ai không có phận sự phải ra ngoài phòng họp. Các vị Hồng Y bàn về các đề tài liên hệ tới việc quản trị Giáo Hội, thuyên chuyển các chức vụ trong Hồng Y đoàn, bổ nhiệm các Giám mục (năm đó 32 Tổng Giám mục, 94 Giám mục mới), thành lập các giáo phận mới (6 giáo phận và một Đan viện biệt hạt mới), nhất là khai mạc Năm Đức Mẹ.
  • Phần thứ hai: Cơ Mật Viện Phần I họp xong, cửa phòng mở ra. Tất cả 70 Tổng Giám mục và Giám mục đợi ở phòng ngoài được mời vào trong. Người duy nhất theo sau các vị Giám mục là linh mục Cáo tỉnh viên Vụ Án Phong Thánh cho các Chân Phức Tử Đạo VN. Nhật báo L' Osservatore Romano (Quan sát viên La Mã) ngay chiều 22.6.1987 đã loan tin Cơ Mật Viện Phần I I: Hồng Y Palazzini. Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã trình lên 4 hồ sơ phong thánh:
  • Chân phúc Giuse Moscati (Ý), Bác sĩ và Giáo sư Đại học thành Naples,
  • Nữ tu Eustochio Calafato (Ý) sáng lập Dòng Đức Mẹ tại Messina, miền Nam nước Ý, Chân phúc Lorensô Ruiz (Phi Luật Tân) và 14 bạn (cũng người Phi) tử đạo tại Nhật Bổn,
  • 117 Chân Phúc Tử Đạo tại Việt Nam, đứng tên đại diện tất cả là Linh mục Anrê Dũng Lạc. Hồ sơ 117 Chân Phúc Việt Nam gây chú ý nhất, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử 2000 năm của Giáo Hội mới có một vụ tuyên thánh một lần tới 117 Vị.
  • Trước tiên, Luật sư Giulio Dante của Bộ Phong Thánh, bằng La ngữ, trình bày tính cách anh dũng tổng quát của Các Vị Chân Phúc. Sau đó, một viên chức của Văn phòng Quốc vụ khanh đọc lời yêu cầu của Đức Thánh Cha: Trước khi quyết định tuyên thánh, Ngài xin qúy vị Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục góp ý kiến bằng cách viết hai chữ Placet (Thuận) hay Non Placet (Không thuận) và kí tên trên miếng giấy đã in sẵn, nhưng còn để trống. Hai viên chức nghi lễ cầm hai đĩa bạc lớn đi thu những lá phiếu. Sau khi kiểm phiếu và được sự đồng ý của toàn thể Cơ Mật Viện, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời cám ơn qúy vị đã tới tham dự hôm đó, rồi cho lệnh công bố tin vui mừng: Vụ Án Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam đã được châu phê.
  • Ra khỏi phòng họp, chúng tôi không làm sao nén nổi sự xúc động bên trong. Nó quá dào dạt! Chúng tôi ước gì có từng ngàn, từng vạn anh chị em giáo dân Việt Nam đứng ngay tại đây để hoan hô Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I I! Giáo Hội Việt Nam được cưu mang từ thời vị thừa sai Inekhu nào đó, đổ bộ năm 1533 tại Ninh Cường (Bùi Chu), đời vua Lê Trang Tông xa xưa, tính tới 1988 đã 455 năm trường! Bao nhiêu công lao, nước mắt, gian khổ, bao nhiêu tính mạng chôn vùi trong quá khứ thầm lặng hơn 4 thế kỉ, hôm nay, chính Chúa Kitô phục hồi danh dự và dùng Vị Đại diện của Ngài ở trần gian để tuyên dương công trạng!
Ngày Phong Thánh
  • Theo thông lệ, khi xin nhật kì phong thánh, bao giờ cũng phải dự tính sẵn 3 ngày, để đề phòng trường hợp Tòa Thánh đã có chương trình xếp đặt nào khác thì mình cũng phải thay đổi theo. Lễ Phong Thánh Việt Nam đã xin vào ngày 29.6.1988, lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô, nhưng người ta khuyến cáo không nên, vì sẽ bị hai Thánh Quan Thầy quá lừng danh của Thủ đô Roma lấn át mất. Đã có dự tính chuyển sang Chúa Nhật 26.6, nhưng cũng không ổn, vì hôm đó Đức Thánh Cha đi công du bên Áo quốc. Chỉ còn Chúa Nhật 19.6, nghĩa là xếp trước cuộc công du của Đức Thánh Cha một tuần lễ, vì trước sau ngày đó không còn cách nào khác. Đây là lí do duy nhất và dễ hiểu, chứ không hề có chuyện nghĩ tới, hay là mảy may muốn kỉ niệm Ngày Quân Lực VNCH như người ta đã cố tình gán ghép.
  • Hôm sau cuộc họp của Cơ Mật Viện, 23.6.1987, Đức Hồng Y Casaroli, Quốc Vụ Khanh, đã gửi điện tín sau đây cho hàng Giám mục VN:
Kính gửi: Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
Số 40 Phố Nhà Chung, Hà Nội
  • Tôi trân trọng báo tin Đức Hồng Y: Trong buổi họp Cơ Mật Viện sáng hôm qua, 22.6.1987, Đức Thánh Cha đã nghị quyết phong thánh cho Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam. Ngày lễ long trọng phong thánh sẽ cử hành nội trong tháng 6 năm tới, vào một nhật kì sẽ định sau. Xác tín rằng nghị quyết trên đây có tầm mức quan trọng đối với Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, tôi đến chia sẻ với Đức Hồng Y niềm hân hoan thiêng liêng, cũng như hợp ý trong Đại Lễ Tạ Ơn thế nào cũng được tổ chức ghi ân Thiên Chúa, đấng ban phát mọi ơn lành. Hồng ân đặc biệt hôm nay chắc chắn sẽ là nguồn khích lệ mỗi người cố gắng làm nhân chứng sống đời đức tin và bác ái trong xã hội Việt Nam. Rất hi vọng rồi ra một số đông đảo giám mục, linh mục và giáo dân Việt Nam có thể tới tham dự lễ nghi phong thánh. Tôi xin gửi lại Đức Hồng Y những cảm tình huynh đệ được bảo đảm chân thành trong Chúa Kitô.
  • Kí tên: Agostino Hồng Y Casaroli, Quốc Vụ Khanh 
Rồi từ Việt Nam, ĐHY. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng không chậm trễ đáp từ:
Kính gửi: Đức Hồng Y A. Casaroli, Quốc Vụ Khanh, Điện Vatican.
  • Hà Nội, 18 giờ 20 phút, ngày 26.6.1987
  • Con đã nhận điện văn của Đức Hồng Y. Toàn thể Giáo Hội Việt Nam vui mừng khi nghe tin Đức Thánh Cha nghị quyết phong Hiển thánh cho Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam. Giáo Hội chúng con dâng lời thành kính cảm tạ sâu xa và hi vọng có thể đến đông đảo tham dự lễ nghi. Chúng con tri ân Thiên Chúa và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Xin Đức Hồng Y chuyển đạt lên Ngài lòng chúng con khăng khít trìu mến. Với Đức Hồng Y, chúng con dâng lời trân trọng biết ơn và cầu chúc chân thành.
  • Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn căn
  • Tổng Giám mục Hà Nội
  • Sự kiện pháp lí sau cùng là ngày 30.6.1987, bằng Văn thư số 196.245, Đức Tổng Giám mục Eduardo Martinez Somalo, hồi đó là Tổng Giám đốc Thường vụ Giáo Hội (Sostituto, ngang hàng với Tổng trưởng Nội vụ) chính thức thông báo cho ba Cáo thỉnh viên Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha là nhật kì phong thánh đã được Đức Thánh Cha xác định là ngày 19.6.1988. Ngay trưa hôm đó, sau khi đã báo cáo cho hai Cáo thỉnh viên đồng nghiệp tin vui mừng này để hai vị lại đưa tin về cho hai HĐGM Pháp, Tây Ban Nha, linh mục Cáo thỉnh viên VN đã gửi điện văn sau đây bằng La ngữ trình lên Đức Hồng Y Chủ tịch Trịnh Văn Căn: Con rất vui mừng kính báo Đức Hồng Y tin: Ngày 19 Tháng 6 sang năm, đã được Tòa Thánh hôm nay ấn định là nhật kì chính xác để cữ hành Lễ Phong Thánh các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam.
Trước ngày đại lễ
  • Trong Vụ Án Phong Thánh Việt Nam, tất cả 117 Vị đã là Chân Phúc, đã được tôn vinh trong 4 đợt trước (những năm 1900, 1906, 1909 và 1951), đã có 4 phép lạ (bệnh nhân được chữa lành và được bác sĩ đoàn xác nhận. Trần Ngọc Thụ. Giáo Hội Việt Nam I. Vụ Án Phong Thánh, St. Michael Printing, USA., 1987, tr.48-54), chỉ còn việc làm lại hồ sơ, theo thủ tục hành chánh để nộp lên Bộ Phong Thánh. Bởi vì tất cả 117 Vị đều là Thánh Tử Đạo nên chỉ cần thêm một phép lạ duy nhất, hay là còn có thể xin Tòa Thánh tha cho nữa. Vì là một đặc ân quá lớn lao, chúng tôi xin chính Đức Hồng Y Palazzini, trong tư thế Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, đại diện cho hàng Giám mục Việt Nam, đứng tên xin Tòa Thánh tha điều kiện phép lạ. Lí do mạnh mẽ ủng hộ thỉnh nguyện này chính là sự thăng tiến kì diệu của Giáo Hội Việt Nam qua hơn 400 năm lịch sử hào hùng đã trình bày trước đây. Không thể giải thích sự thăng tiến đó ngoài Thiên định của Thiên Chúa: hơn 400 năm khai nguyên và phát triển hùng mạnh là một phép lạ triền miên.
  • Tin ngày phong thánh vừa được Đức Gioan Phaolô I I tuyên bố khác nào tiếng sấm động, vang ran khắp năm châu bốn bể! Tinh thần giáo dân tự nhiên nổi dậy như sóng cồn, chỗ nào cũng nghe bàn tán chuyện đi Roma dự lễ phong thánh. Ủy Ban Phong Thánh được thành lập cấp tốc. Ba lần các linh mục VN khắp thế giới về họp tại La Mã để hoạch định chương trình và phân phối công tác tỉ mỉ cho từng cộng đoàn, từng lục địa. Các khách sạn lớn chung quanh Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô đã được giữ hết chỗ một năm trước. Người ta dự đoán số người về tham dự tối đa là 5000. Ba tháng trước đại lễ, con số vọt lên 6 ngàn, rồi 7 ngàn, sau cùng là 8250 giáo dân VN từ 27 nước trên 4 lục địa Á châu, Âu châu, Mĩ châu và Úc châu....Từng đoàn người tuốn về các ga xe lửa và sân bay Ý Đại Lợi. Thêm vào đó, 560 linh mục, tu sĩ nam nữ tới Roma với tư cách riêng, hay là tháp tùng các đoàn thể của mình theo tư cách Tuyên úy. Các tiệm bán ảnh tượng chung quanh Tòa Thánh Vatican, các tiệm ăn, thấy toàn là dân áo dài và khăn xếp VN. Trên các nẻo đường nghe rõ tiếng con cháu Rồng Tiên thao thao bất tuyệt và gọi nhau ơi ới. Sao mà vui nhộn đến thế! Tất cả rừng người này, chiều hôm Thứ Bảy (18.6.1988) sẽ kéo nhau về Quảng trường Thánh Phêrô để dự cuộc rước kiệu di hài Các Thánh Tử Đạo VN và dâng hoa kính Đức Mẹ.Cuộc rước kiệu là một cảnh tượng hết sức tân kì và vô cùng ngoạn mục, nhất là trước con mắt người ngoại quốc. Họ trèo lên tường, lên đế cột đèn điện, lên ghế cá nhân để bàn tán, chiêm ngưỡng. Đây là công lao vượt mức trong việc chuẩn bị, may sắm, tập dượt, từ ca nhạc đến đoản kịch, nghi lễ...đủ mọi bộ môn theo truyền thống văn hóa dân tộc. Phải ca ngợi và thán phục tinh thần phục vụ tối đa của các giáo dân VN tại Mĩ châu trong dịp này. Từng đoàn qúy ông mặc áo thụng màu xanh, từng đoàn qúy bà mặc áo dài nhung, gấm màu đỏ; rồi đồng phục màu vàng của các ca đoàn, của 50 em thiếu nhi trong ban vũ đến từ Portland. Đấy là chưa kể đến các thiếu nữ trong đội lính thú thời xưa với binh phục nón cối xà cạp đỏ và Ban Văn Tế, đội chiêng trống, lọng chầu...với y phục nghi lễ Á Đông. Người bản xứ rất thích thú trước hoạt cảnh một vị hương chức trong y phục đại lễ cổ truyền với khăn xếp màu đỏ, cứ tiến một bước lại lui một bước, và trịnh trọng điểm một dùi trống lên mặt chiếc đại cổ (trống lớn) do hai chàng thanh niên vạm vỡ khiêng trên vai. Lúc 21 giờ đêm, từ Điện Vatican, chứng kiến cuộc rước kiệu này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I I đã cho lệnh mở cửa sổ Văn phòng để đích thân ban phép lành cho đoàn con VN đang diễn hành trên Quảng trường Thánh Phêrô.
  • Ngày hôm sau, Chúa Nhật 19.6.1988, biển người nói trên lại tập trung về Quảng trường Thánh Phêrô, chung hàng ngũ với 10 ngàn người Tây Ban Nha, gần 4 ngàn người Pháp và chừng 10 ngàn du khách thập phương cùng với giáo dân người Ý nghe tin đồn thổi cũng muốn đến dự lễ Phong Thánh Tử Đạo VN. Vì ở vào giữa Tháng 6, nghĩa là đã giữa mùa Hè, mặt trời mọc lên sớm, khí hậu khá nóng nực, do đó, để cho dễ thở và bớt mức độ oi ả, ĐứcThánh Cha đã đồng ý bắt đầu nghi lễ sớm hơn một giờ. Vào dự lễ hôm đó, mọi giáo dân VN phải đeo khăn quàng cổ in hình 117 Thánh Tử Đạo, để cho các đoàn thể dễ nhận ra nhau.
  • Trước khi tường thuật giai đoạn chung kết, chúng tôi xin kể lại đây một sự việc rất quan trọng đối với sự thành công của cuộc đại lễ: Đó là vấn đề tài chánh của Ban Tổ chức. Mỗi lần nhớ đến việc này, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi xúc động trước sự quan phòng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Lí do hết sức hiển nhiên là Ban Tổ chức lúc ban đầu hoàn toàn tay không, chưa có ai dâng cúng một đồng nào. Giài quyết vấn đề này là một việc rất khó khăn, nhưng đồng thời lại rất thiết thực và rất cấp bách. Đi vay mượn các hội dòng ngoại quốc đã từng hoạt động bên Việt Nam là điều có thể, nhưng chạm lòng tự ái dân tộc, cho nên chúng tôi đề nghị vay chính Ngân hàng Tòa Thánh. Chúng tôi liều mạng đi thương thuyết và kí giấy giao kèo với nhân viên Ngân hàng vay 50 triệu tiền Ý (tương đương 30 ngàn Mĩ kim). Kí giấy vay tiền mà tay run cậm cập vì đã 3 đêm lo lắng không ngủ!
  • Quả thật, từ ngày cha sinh mẹ đẻ, chúng tôi chưa bao giờ dám táo bạo đến thế. Kí xong, chúng tôi lủi thủi đi ra chưa tới cửa Ngân hàng thì Đức ông De Bonis, người Ý (bây giờ đã làm Giám mục) từ đâu đuổi theo. Đức ông hỏi: "Cha làm gì mà tiêu xài với số tiền lớn như vậy?". Hơi chạm tự ái, chúng tôi ngập ngừng chưa kịp trả lời, thì ngài lại nhấn mạnh: "Cha làm gì? Cha đừng dại lấy tiền ra vội, vì lấy ngày nào cha phải trả tiền lãi ngày đó, mượn 50 triệu ngày 1 đầu tháng thì 30 cuối tháng cha phải trả 53 triệu!".
  • Chúng tôi buộc lòng phải dẹp tự ái thưa: "Dạ, đây không phải tiêu xài cá nhân con, nhưng là để lo chuyện tổ chức Đại lễ Phong Thánh 117 Chân Phúc Tử Đạo mà HĐGMVN đã trao phó cho con, và nay vụ án đã xong, đã được Đức Giáo Hoàng châu phê và tháng 6 sắp tới sẽ cử hành long trọng". Đức Ông de Bonis nói: "Trước, tôi tưởng cha lo việc cá nhân, chứ bây giờ biết là chuyện phong thánh. Vậy cha cứ việc làm, tốn phí bao nhiêu, tôi sẽ chịu cho!". Thật sự, ngài đã cho một số quan trọng.
  • Quả thực là một giấc mơ! Nhưng nếu mơ thì phải mơ ban đêm, chứ đâu có chuyện mơ giữa thanh thiên bạch nhật! Trước đấy ba bốn đêm, chúng tôi không ngủ vì lo sợ, bây giờ cũng ba bốn đêm, chúng tôi không ngủ vì ngỡ ngàng, như còn đang trong ảo mộng. Làm sao có chuyện kì diệu đến thế!
Ngày vinh quang
  • Từ sáng sớm, Quảng trường Thánh Phêrô đã đen nghịt dân chúng. Từ ba quốc gia, từng ngàn giáo dân tập trung về đây. Trước kia, họ không quen biết nhau, nhưng giờ phút này họ chào nhau, bắt tay nhau, vui cười với nhau, vì trong thâm tâm họ cùng một cảm nghĩ: tự hào vì tấm gương anh dũng, trung kiên, thành tín của tổ tiên mình.
  • Đúng chương trình, 8 giờ 30, Đức Thánh Cha và đoàn tháp tùng (28 Hồng Y, Giám mục, Linh mục) mặc đại phục màu đỏ đồng tế, từ trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tiến ra quảng trường vĩ đại, giữa muôn vàn tiếng vỗ tay. Đức Gioan Phaolô I I luôn luôn giơ tay chào đón và chúc lành. Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát Kinh Nhập lễ bằng La ngữ. Trước đó, Ca đoàn Tổng hợp VN từ Mĩ qua đã hát bài Ngày Vinh Thắng của Lm. Ngô Duy Linh, rồi trong thánh lễ bài Ca Khúc Trầm Hương của Dao Kim, cuối lễ bài Tiếng Nhạc Oai Hùng của Hải Linh. Những bản nhạc này vang dội hôm ấy ở giữa Thủ đô Giáo Hội có một ý nghĩa đặc biệt, vì được hát bằng tiếng Việt, tiếng nước ta.
  • Một sự kiện kì lạ là thánh lễ đang cử hành đẹp đẽ trang nghiêm thì tự nhiên bầu trời thay đổi. Một vài cơn mây đen nghịt từ đâu kéo tới và mưa bắt đầu nhỏ giọt. Từ trong thánh đường, người ta đã khiêng lọng ra để che phủ bàn thờ. Cả ngàn con tim, nhất là giáo dân VN, như thể đã bị ngừng đập, tất cả trăm người như một, thầm thĩ kêu van: Lạy Chúa, cả Giáo Hội chúng con, từ ba bốn trăm năm, đã mong chờ ngày hôm nay và mong được trông thấy ngày này huy hoàng trọng thể, xin Chúa cất mọi trở ngại, để danh Chúa được thể hiện nơi các Thánh Tử Đạo chúng con! Quả thật, đám mây đen sau mấy phút đã bị luồng gió thổi đi xa, và trời thanh quang lại xuất hiện như trước.
  • Lễ nghi phong thánh bắt đầu sau Kinh Thương Xót. Đức Hồng Y Palazzini, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với luật sư của Bộ và 3 Cáo thỉnh viên Việt, Pháp, Tây Ban Nha ra trước bàn thờ chính thức xin Đức Thánh Cha cử hành đại lễ. Toàn thể cử tọa, theo lệnh viên chức nghi lễ, đều quỳ hát Kinh Cầu Các Thánh, xin sự trợ giúp của Thần Thánh trên trời trước khi nghe tuyên xưng 117 Vị Thánh mới.
  • Sau đó Đức Hồng Y Palazzini trở lại trước bàn thờ và tuyên đọc:
Kính thưa Đức Thánh Cha, Giáo Hội là Mẹ, xin Đức Thánh Cha ghi tên các vị sau đây:
Chân Phúc Anrê Dũng lạc, Linh mục Tôma Thiện và Emmanuelê Phụng, Giáo dân. Girolamô Hermosilla và Valentinô Berrio – Ochoa, hai Giám mục Đa Minh và 06 Giám mục khác, Teophan Vénard, Linh mục Hội Thừa Sai Ba Lê, và 105 Bạn Tử Đạo Việt Nam, vào sổ bộ Các Thánh và được các giáo hữu kêu cầu bằng danh xưng Hiển Thánh.
Kính thưa Đức Thánh Cha,
  • Trên mảnh đất gieo nhiều hạt giống đẫm máu, mảnh đất đó càng phát sinh nhiều Vị Tử Đạo, và rồi hạt giống đó sẽ kết thành mùa lúa vàng cho Giáo Hội. Các Thánh Tử Đạo chết đi càng là chứng nhân cho Chúa Kitô hơn là lúc còn bình sinh. Ngày nay các ngài vẫn còn đang nói, vẫn còn giảng thuyết. Miệng lưỡi tuy im bặt, nhưng bao nhiêu sự việc còn đang vang dội sâu xa.
  • Lời suy niệm trên đây của Thánh Augustinô áp dụng trong niên lịch phụng vụ Ngày 19 Tháng 6, lễ kính hai Thánh Gervasiô và Protasiô, tử đạo Thành Milan, hôm nay có thể trưng lại vì rất thích hợp với niên hiệu và lễ nghi, để tôn vinh 117 Vị Thánh khác cũng là huynh đệ trong Đức Tin và trong tử nạn: trước đây, suốt thời gian từ 1745 tới 1862, đã hi sinh tính mạng tại Việt Nam trong vùng Đông Nam Á châu, hồi đó gọi là Tonkin, An Nam và Cocincina. Máu của các ngài, cũng như máu của từng ngàn anh chị em khác, hôm nay đã kết thành mùa luá vàng cho Giáo Hội Việt Nam.
  • Là cha mẹ trong Đức Tin, 8 Vị Giám mục Pháp và Tây ban Nha đã sinh các vị khác trong Chúa Kitô, y như lời Thánh kinh (1Cr.4,15), các vị đã là nhân chứng xứng đáng theo lời mình rao giảng bằng khổ hình, bằng Thập giá, và theo gương Chúa Kitô, vị mục tử tối cao nhân hậu, các ngài thật là gương mẫu cho đoàn chiên (1Ph.5).
  • 50 linh mục, 13 Âu châu, 37 VN, cùng đứng trong hàng ngũ chăn chiên thuyết giảng lời Chúa và cùng chịu xiềng xích lao tù, đã lấy xương máu để hoàn tất nghĩa vụ thi hành các bí tích, đúng là những cộng tác viên của hàng Giám mục (LG, số 28), tức là những người phân phát máu Con Chiên vô tội, cũng là máu đã thánh hoá bản thân các ngài. Sau hết, 59 giáo dân thuộc nhiều tầng lớp xã hội, hầu hết là những gia trưởng, một số là thầy giảng giáo lí, hồi xưa trong các gia đình, trong các cộng đoàn đã sống tốt lành, đã là những chứng nhân cho Bí tích Thanh tẩy bằng nước, bằng Thánh Linh và bằng lửa (Mt.3,11).
Kính thưa Đức Thánh Cha,
  • Con số 117 vị này sắp được Đức Thánh Cha nghị quyết đưa lên hàng danh dự và được tôn phong phẩm hàm Các Thánh Tử Đạo, được toàn thể Giáo Hội tôn kính. Với các ngài, cũng như với con cháu các ngài, giờ đây văng vẳng dội lại lới Thánh Phêrô khuyên nhủ: Nếu ai trong anh em phải chịu khổ hình, vì mình là Kitô hữu, thì đừng có xấu hổ thẹn thùng, nhưng phải hiên ngang tôn vinh Thiên Chúa vì danh hiệu đó (1Ph.4,16)
  • Trong quảng trường linh thiêng này, bên cạnh mồ vị Tiên chủ các Thánh Tông đồ đang hiện diện hơn 8 ngàn giáo dân Việt Nam từ khắp năm châu bốn bể tập trung về đây, họ như đang cầm cành thiên tuế ngước mắt nhìn lên các vị đồng hương tiên tổ sắp đón nhận vòng hoa chiến thắng dành cho các vĩ nhân anh tài. Chung quanh họ còn có gần 10 ngàn giáo dân tây Ban Nha và hơn 3 ngàn giáo dân Pháp. Tất cả là anh em kết nghĩa trong Chúa Kitô, cũng như giáo dân hai quốc gia này là anh em của những vị Thừa sai hồi xưa đã mang danh Chúa Giesu có thần lực cứu vớt nhân loại (Cv.4,12) rao giảng trên khắp lãnh thổ xa xăm Việt Nam. Trong số đó, có những người con của Thánh Đa Minh, 34 vị vừa Tây Ban Nha vừa VN hồi xưa đã nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo theo đúng danh xưng của họ. Ngoài ra, còn có 10 thành viên của Hội Thừa Sai Ba Lê.
  • Trên những địa hạt hồi xưa được trao phó cho hai hội dòng thừa sai nói trên, từ năm 1960 đã thành lập 25 giáo phận. Số người Công Giáo hiện nay xấp xỉ 7 triệu giáo dân. Tất cả cộng đoàn này, trong cũng như ngoài nước, đang tiến bước hùng mạnh, sát cánh bên nhau, họ phấn khởi đi về Tổ quốc trường sinh vĩnh cửu. Là vì họ xác tín vào lời giáo huấn của Thánh Phaolô: Từ nay được cả khối chứng nhân đông đảo như thế nâng đỡ, họ kiên trì chấp nhận cuộc thi đua đã bắt đầu. Từ nay nhìn lên Chúa Giêsu, vị tiên phong ban phát Đức Tin hoàn hảo, thay vì hưởng niềm hoan lạc vẫn có, Ngài đã giang tay ôm lấy Thánh Giá và hiện giờ đang ngự bên hữu Tòa Thiên Chúa (Heb,12,1-2).
  • Đức Hồng Y vừa đọc xong lời thỉnh nguyện, và Kinh Cầu Các Thánh vừa chấm dứt, toàn thể dân chúng đứng lên hợp ý với Đức Thánh Cha, ngài kết thúc Kinh Cầu Các Thánh bằng lời nguyện: Lậy Chúa nhân từ, xin nghe lời dân Chúa cầu xin và xin chiếu dọi ánh sáng của Thần Linh Chúa vào tâm trí chúng con, để việc phụng thờ cùa chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
  • Toàn thể cộng đoàn dân Chúa vẫn đứng nghiêm chỉnh. Đức Thánh Cha lại ngồi trên ngai và long trọng đọc công thức phong thánh:
  • Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chin chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố:
Các Chân Phúc: Anrê Dũng Lạc, Linh mục Tôma Thiện và Emmanuelê Phụng, Giáo dân Girolamô Hermosilla và Valentinô Berriô – Ochoa, hai Giám mục Dòng Đa Minh và 06 Giám mục khác
  • Têophan Vénard, linh mục Hội Thừa Sai Ba lê và 105 Bạn Tử Đạo Việt Nam, là những Vị Thánh và các ngài được liệt kê vào sổ các Thánh. Tôi cũng quyết định rằng giáo hữu trong toàn thể Giáo Hội sốt sắng mừng kính các Ngài như các Thánh Tử Đạo. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.Từ trên cao mặt tiền Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô, một bức tranh thật lớn, dài 4 thước, rộng 3 thước 20, đã họa đủ số 117 Thánh Tử Đạo, từ từ được mở ra giữa muôn vàn tiếng vỗ tay hò vang. Đại phong cầm của Ca đoàn Sistina cử bài nhạc rộn rã ca ngợi và tri ân Thiên Chúa. Từ Quảng trường Thánh Phêrô, lễ nghi phong thánh được tiếp vận trực tiếp về Việt Nam. Đài Vô tuyến Truyền thanh Truyền hình của Chính phủ Ý, liên tục trong 3 tiếng đồng hồ, đã tường thuật tất cả nghi lễ đi khắp lãnh thổ nước Ý. Nhiều người trong đoàn giáo dân Việt Nam, nhất là các cụ già, đã xúc động và rút khăn lau nước mắt, vì cảm thấy vinh hạnh, sung sướng được là con cháu các vị anh hùng. Trong suốt thời gian lưu lại Roma, Chúa Quan Phòng cũng đã ban ơn lành, gìn giữ hơn 8 ngàn giáo dân Việt Nam, không một ai đau ốm hay bị tai nạn nào; ai cũng tươi cười, vui vẻ và phấn khởi.
Phần kết
  • Phần chúng tôi, trong tư thế Cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh, sau khi hồi tưởng lại:
  • Việc được ủy nhiệm làm Cáo thỉnh viên từ ĐHY Giuse Trịnh Văn căn, Chủ tịch HĐGMVN.
  • Việc hoàn tất các tài liệu cần thiết và việc chuyển giao mọi tài liệu lên Bộ Phong Thánh với đầy đủ các thủ tục theo Giáo luật.
  • Việc được Cơ Mật Viện bỏ phiếu "Thuận" và việc được Đức Giáo Hoàng, với thẩm quyền tối cao, châu phê.
  • Việc được Chúa Quan Phòng, cuối cùng, đã cho phương tiện tài chánh để trang trải chi phí tổ chức ngày đại lễ.
  • Chúng tôi đi đến kết luận nghiêm chỉnh và thành tín rằng: Thiên Chúa muốn cho các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam được vinh danh trong thời đại này, chứ không phải thời đại nào khác.
  • Thật vậy, từ trời cao thăm thẳm, từ ngàn ngày xa xưa, cũng như mỗi ngày thường xuyên hiện tại, tấm gương can trường hi sinh của các tiền nhân tử đạo VN ví như những ngọn đèn hải đăng vĩnh viễn, vượt không gian và thời gian, tỏa sáng trên khắp các nẻo đường đất nước Việt Nam.
  • Gương sáng về sự can trường và lòng hi sinh của các tiền nhân Tử Đạo VN đã soi chiếu tới:
  • Các Tòa Giám mục, nơi đây, phần đông các vị chủ chăn, trong một quá khứ chưa xa, đã bị quản thúc tại gia, không có thể đi kinh lí, thăm hỏi các giáo đoàn trong giáo phận của mình. Nhưng các vị đã là những tảng đá sắt kiên cố, dù cho sóng biển có đập mạnh, gầm thét, các ngài vẫn trung kiên bền vững.
  • Các xứ đạo, nơi đây, các linh mục, là những đàn em trong dòng giống Dũng Lạc, Lê bảo Tịnh, đêm ngày vẫn kiên cường trong phận sự phục vụ dân Chúa.
  • Các tu viện, thuộc đủ mọi màu áo và đường lối tu hành (vì thời cuộc, đôi khi phải đã đơn giản hóa tu phục), nhưng tất cả vẫn quyết tâm đóng góp tích cực trong công cuộc truyền giáo và phục vụ đồng bào.
  • Các gia đình Công Giáo, trong khí phách con cháu các Thánh Tử Đạo anh dũng, đã duy trì bàn thờ trong nhà, tối sớm tập họp kinh nguyện, xin ơn kiên trì trong đời sống đức Tin, Cậy, Mến và trở thành những công dân lương thiện. Họ là những người đã lấy tên cácThánh Tử Đạo để đặt cho chính mình, cho con cái mình, với hoài bão là tiếp tục bảo tồn cái nền giáo dục linh thiêng đạo đức và truyền thống cao đẹp của những anh hùng Emmanuel Lê Văn Phụng, những Tôma Trần Văn Thiện, những bà hiền mẫu Lê Thị Thành.
Roma 1998
Bài Chia Sẻ:

Lễ Giỗ 20 Năm Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

Quý Ông bà anh chị em thân mến,
  • Khi được Giáo phận Hà-nội mời tham dự và chia sẻ trong thánh lễ kỷ niệm 20 năm ngày giỗ của Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn với tư cách là con thiêng liêng của Ngài; tôi đã nhận lời không chỉ như một bổn phận mà còn là dịp để bày tỏ những tâm tình với Cộng đồng Dân Chúa Hà-Nội về Đức Cố Hồng Y Giuse Maria, Người đã dành trọn cuộc đời dâng hiến Phụng sự Thiên Chúa và Phục vụ Giáo Hội trong Bình An, Tin Tưởng, Yêu Mến và Hy Vọng.
  • Ngày 02 tháng 06 năm 1963, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tại Nhà thờ Chính tòa Hà-Nội; Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã chủ sự Tấn Phong Giám mục cho vị linh mục có 42 tuổi đời là Cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn, với tước vị Tổng Giám Mục Phó Giáo phận Hà-Nội trong sự ngỡ ngàng của Dân Chúa vì không được thông báo trước. Vị tân Tổng Giám Mục Phó đã chọn khẩu hiệu đời Giám mục của mình là: “Yêu Thương - Vui Mừng - Bình An”. Chúng ta cùng lược qua tiểu sử của Ngài để hiểu được sự Chọn lựa của Chúa qua Giáo Hội.
  • Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn sinh ngày 19/03/1921 tại Bút đông, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, trong gia đình chỉ có 2 anh chị em: một trai và một gái. Hành trình ơn gọi theo Chúa của cậu Căn thật đơn giản; hôm đó hai mẹ con vào thăm Cha xứ, tình cờ gặp thầy Phêrô Nguyễn Đức Tín, thầy hỏi cậu Căn có muốn đi theo thày không ? thế là cậu đồng ý theo thày. Ngày hôm sau 29/06/1929, người mẹ tiễn con đến cầu Hòa Mạc, để theo thày Phêrô Tín. Từ đó, hành trình ơn gọi qua những năm tu học từ môi trường giáo xứ, tới trường tập, qua tiểu chủng viện tới Đại Chủng viện Hà-Nội, thầy luôn thể hiện lòng đạo đức và ham học của đời sống tu trì. Ngày 03/12/1949 tại Nhà thờ Chính tòa Hà-Nội, Đức Cha Chaize đã truyền chức linh mục cho thầy Phó tế Giuse Trịnh văn Căn, cùng với 3 thầy Phó tế khác là Hoàng Quốc Chương, Giuse Nguyễn Tùng Cương và Gioan Đỗ Tông. Sau chịu chức Cha Giuse Căn được điều về làm Phó xứ Hàm Long giúp Cha Giuse Trịnh Như Khuê. Ngày 15/08/1950 khi Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê được Tòa Thánh cử làm Giám mục Hà-Nội thì linh mục Trịnh văn Căn được cử làm Thư ký cho Đức Cha Khuê. Năm 1951, Cha Căn kiêm thêm Phó xứ Nhà thờ Chính tòa Hà-Nội và phó Giám đốc trường Trung học Dũng Lạc. Tháng 08 năm 1952, Cha Giuse Trịnh Văn Căn được cử làm Cha chính xứ Nhà thờ Chính tòa Hà-Nội. Với cương vị Cha xứ, Ngài đã xây nhànguyện trong khuôn viên bệnh viện Phủ Doãn (nay là là Bệnh viện Việt Đức) khánh thành ngày 01-05-1958; và trùng tu Nhà thờ lớn Hà Nội khang trang.
  • Năm 1959, Ngài được Đức Cha cử làm Cha Chính của Giáo phận Hà-Nội.
  • Đầu năm 1963, Đức Tổng Giuse Maria Trịnh Như Khuê mắt mình bị lòa, có thể bị mù đã quyết định chọn linh mục Chính xứ Chính tòa Hà-Nội làm người kế vị trong sứ mạng Mục tử Hà-Nội. Ngài tấn phong Giám mục cho Đức Tổng Phó ngày 02/06/1963 tại Nhà thờ Chinh tòa Hà-nội. Ngày 27/11/1978 Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đột ngột tạ thế, Đức Tổng Phó Giuse Maria Trịnh Văn Căn với quyền kế vị, trở thành Tổng Giám Mục Hà-Nội. Gần một năm sau, ngày 31/07/1979, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã vinh thăng tước vị Hồng Y lúc đó Ngài mới 58 tuổi
  • Ngày 18 tháng 05 năm 1990 cũng như những ngày khác, sáng chiều tôi vẫn làm việc giúp Ngài trong tư cách thư ký riêng mà không thấy một dấu hiệu nào bệnh tật nặng; khoảng 4h00 chiều tôi chào Ngài để về giáo xứ Thượng Thụy cách Tòa Giám mục Hà-Nội 12 km; tôi không thể ngờ đó lại là Lần cuối cùng gặp Ngài; vì ngay tối hôm đó gia đình đã lên báo tôi về ngay, và tôi chỉ còn gặp lại thi thể lạnh giá của Đức Hồng Y tại phòng riêng của Ngài tại TGM. Hà Nội, hưởng thọ 69 tuổi.
  • Hôm nay 20 năm đã trôi qua, phải chăng nhiều người trong chúng ta đã quên vị Mục tử khả kính của một thời đã qua của Giáo phận Hà-nội. Chắc không phải thế, vì những giá trị của Đức Tin, Tình yêu thương và Phục vụ từ các Đấng tiền bối, cũng như của Ngài đã góp phần cùng với mọi thành phần Dân Chúa làm nên sắc thái đặc biệt của Tổng Giáo phận Hà-Nội: một đức tin kiên trung vững vàng, là sự yêu mến vâng phục quyền bính nơi Giáo hội của Chúa Giêsu, cùng tinh thần Hiệp nhất của mọi thành phần Dân Chúa với Đấng Bản quyền Giáo phận đã đang và tiếp tục làm nên dấu ấn của Tổng Giáo phận Hà-Nội trong lịch sử phát triển của Giáo hội Công Giáo tại Việt-Nam.
Yêu thương:
  • Khi chọn cho mình mục đích đời Giám mục là Yêu Thương, Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã sống giá trị yêu thương của Chúa Gie6su Kito. Dù trải qua dòng lịch sử của Giáo hội và xã hội với biết bao khó khăn và thử thách, khi giúp Đức cố Hồng Y Trịnh Như Khuê quản trị giáo phận, hay khi tự mình sống Bổn phận Mục tử Giáo phận, Ngài luôn Tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, vâng phục Tòa Thánh, yêu thương mọi thành phần Dân Chúa. Ngài luôn mời gọi sống Hiệp nhất trong mọi thành phần giáo phận. Ngài luôn bảo vệ, nâng đỡ, cảm thông đầy tình nhân ái trong tư cách của người Cha với các linh mục, nam nữ tu sĩ trong giáo phận. Ai trong chúng ta đều cảm nhận tình yêu thương đùm bọc của Ngài: từ quý Đức Cha trong Giáo hội, quý linh mục nam nữ tu sĩ, và toàn thể quý Ông bà anh chị em đều cảm nhận tình yêu thương đặc biệt của Ngài trong khiêm hạ, trong đơn sơ, trong hiền từ, và trong mọi biến cố của Giáo hội, Giáo phận, cũng như mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn và mỗi gia đình trong Tổng Giáo phận Hà-Nội.
Vui Mừng:
  • Niềm vui trong đời sống mục tử, bắt nguồn từ niềm vui trong Chúa, luôn thu hút mọi người đến với ngài, và dù chỉ dăm, mười phút được gặp gỡ, nhưng Ngài không từ chối gặp bất cứ ai: gặp gỡ để hỏi han, gặp gỡ để cảm thông, gặp gỡ để giúp đỡ và sự gặp gỡ luôn mang lại niềm vui mừng cho con cái trong Giáo phận, cũng như sự trân trọng của anh chị em lương dân.
  • Ngài luôn lo lắng cho nền Nhạc Thánh Phụng vụ được cập nhập bằng chính những sáng tác của mình, và những anh chị em có khả năng của Hà-Nội và miền Bắc; để nói lên chỗ đứng và khả năng của Giáo hội miền Bắc trong đời sống Phụng vụ của Giáo hội. Niềm vui khi Ngài lo cho tu sửa Nhà thờ, sắm Chuông cho nhiều giáo xứ (với Ngài, tiếng Chuông là tiếng Chúa gọi mọi người), các loại Đàn dùng trong Phụng vụ, các Quạt và Hoa Nến, vải vóc để Dâng Hoa kính Đức Mẹ (một phương thức đạo đức và truyền giáo đơn sơ và hiệu quả). Công trình Dịch Thánh Kinh theo ngôn từ bình dân để mọi thành phần Dân Chúa đều có thể đọc, hiểu, suy niệm và Sống Lời Chúa trong cuộc đời, đã để lại những Dấu Ấn của Lời Chúa trong những giai đoạn đầy khó khăn và thử thách. Niềm vui mừng thật lớn lao khi Ngài khởi xướng thành lập HĐGMVN năm 1980, mở ra một thời kỳ mới trong tinh thần Hiệp nhất, cộng tác, hiểu biết và phát triển Giáo hội Công giáo tại Việt-Nam.
Bình An:
  • chúng ta thấy được sự can đảm của Vị Mục tử Giuse Maria luôn thể hiện sự Bình an trong Ơn gọi và sứ mạng Tông đồ. Khi Giáo phận Hà-Nội còn quá thiếu linh mục, Ngài luôn cố gắng để có thể mở đại chủng viện Hà-Nội, từ những khởi đầu đầy khó khăn tới ngày nhìn thấy Đại Chủng viện Hà-nội đào tạo Linh mục cho nhiều Giáo phận Miền Bắc. Sự can đảm trong Bình an đã thể hiện nơi Ngài, là chính Ngài xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II tôn phong Hiển Thánh cho 117 Chân Phước Tử Đạo Việt-Nam. Đó chính là Hoa Trái của Đức Tin nơi các vị Tiền Nhân đối với lịch sử truyền giáo và chọn lựa sống Tin Mừng Kitô trong lịch sử Giáo hội tại Việt-Nam. Trong hoàn cảnh đầy khó khăn thử thách của hành trình Phong Thánh Tử đạo Việt-nam đã đòi hỏi sự can đảm nơi vị Mục tử làm chứng cho Niềm Tin và Tin Mừng tình yêu để nâng đỡ Dân Chúa. Mỗi đoàn khách gặp Ngài, sau khi tiếp Ngài mời mọi người cùng quỳ xuống trước tượng Đức Mẹ trong phòng khách Tòa Giám Mục được thắp Nến sáng liên lỉ: để cùng cầu xin cho Giáo hội Việt-nam, cho việc Phong 117 Thánh Tử Đạo được thực hiện như quyết định của Đức Thánh Cha, để đáp lại lòng mong mỏi sâu sa của toàn thể Giáo hội Việt-Nam: tri ân các tiền nhân đã góp phần gieo hạt giống Tin Mừng trên đất nước Việt-Nam. Quý Đức Cha, và mọi người đều ca ngợi lòng can đảm mạnh mẽ với Đức Tin sâu sa của Đức cố Hồng Y trong can đảm, an bình, và phó thác.
Hy Vọng :
  • Khi được vinh thăng Hồng Y, khẩu hiệu Giám mục của Ngài đã thêm “Yêu Thương - Vui Mừng - Bình an và Hy vọng”. Cuộc đời của Ngài luôn Tin trong Hy vọng, Yêu mến trong Hy vọng, Bình An trong Hy vọng; và Hy vọng kể cả những khi Giáo hội và Giáo phận Hà-Nội trải qua những giai đoạn lịch sử đầy khó khăn và thử thách: quá ít linh mục, tu sĩ nam nữ, quá ít nhân sự phục vụ, và thật là khó để trình bày và sống Đức Tin Công Giáo trong những định kiến xã hội với những hoàn cảnh đầy thách đố. Nhưng Ngài luôn HY VỌNG: vì có Dân Chúa là có tất cả: Dân Chúa là mảnh đất của Đức Tin và Rao truyền Niềm Tin, Dân Chúa là đoàn thể của Chúa được mời gọi Yêu thương, Dân Chúa là đối tượng để Phục Vụ. Chính niềm HY VỌNG của Tin Mừng Tử nạn Phục Sinh nơi Chúa Giêsu Kitô qua Giáo Hội là sức mạnh và can đảm trong phó thác nơi Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn trong hành trình Ơn gọi và thực thi sứ mệnh Tông đồ.
  • Giờ đây, chúng ta cùng bước vào thánh lễ với tâm tình cầu nguyện sốt sáng, xin Chúa đoái thương linh hồn Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn yêu quí của chúng ta.
  • Nếu Đức cố Hồng Y Giuse Maria đã ở bên Thiên Chúa, xin Ngài cùng bầu cử xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tràn đầy Hồng Ân, để cùng bước vào hành trình của Niềm Tin, Phó Thác và Hiệp Nhất trong Yêu Thương, Vui Mừng, Bình An và Hy Vọng Amen.
Giuse Đặng Đức Ngân
Giám Mục Giáo Phận Lạng Sơn 

_________________________

Chân dung vị linh mục tiêu biểu Việt Nam

Lm. Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh (1912 – 1971)
Chính xứ Hà Nội - Tấm gương can trường

Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh chào đời ngày 2 tháng 10 năm 1912 tại làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Cậu Vinh, một thiếu niên vui vẻ, thông minh, có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh về âm nhạc, ca hát. Cậu biết kính trên, nhường dưới, trong xứ đạo, ai cũng quý yêu. Cha xứ Ngọc Lũ thời đó là Cố Hương, một cha người Pháp tên là Dépaulis giới thiệu cậu lên học tại trường Puginier Hà Nội. Năm 1928, cậu học Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Tây.
Năm 1930, thầy Vinh được cố Hương dẫn sang Pháp du học. Năm 1935, thầy vào Đại Chủng viện St Sulpice, Paris. Ngày 20-6-1940, thầy được thụ phong linh mục ở Limoges.
Chiến tranh thế giới xảy ra, cha Vinh phải ở lại Pháp và tiếp tục học tập. Ngài học Văn Khoa-Triết tại Đại Học Sorbonne, học sáng tác và hòa âm tại Nhạc viện Quốc Gia. Ngài phải vừa học vừa làm. Vóc dáng nhỏ nhắn dễ thương của ngài đã làm cho nhiều người Pháp tưởng lầm ngài là phụ nữ nên cứ chào: Bonjour Madame! Nhưng ẩn trong cái dáng vóc nhỏ bé đó là một tâm hồn rộng lớn, sau đôi mắt sáng là tính cương trực, dưới nụ cười là ý chí sắt son.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn Triết ở Sorbonne, ngài gia nhập dòng khổ tu Biển Đức tại Đan Viện Ste Marie.
Sau 17 năm du học, năm 1947 cha Vinh về nước, nhằm góp sức xây dựng một Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vững mạnh về mọi mặt. Khi ấy, Đức cha François Chaize - Thịnh, Bề trên Giáo phận đã bổ nhiệm ngài làm cha xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ngài xin Bề trên lập dòng Biển Đức ở Việt Nam, nhưng không thành.
Cha Vinh, dù tu học ở Pháp nhưng luôn có tinh thần yêu nước, độc lập, không nệ Pháp. Năm 1951, Nhà Thờ Lớn Hà Nội tổ chức lễ an táng cho Bernard, con trai tướng De Lattre de Tassigni. Trong thánh lễ, tướng De Lattre kiêu căng đòi đặt ghế của ông trên cung thánh và bắt chuyển ghế của Trần Văn Hữu, Thủ tướng Việt Nam xuống dưới lòng nhà thờ. Vì lòng tự trọng dân tộc, danh dự quốc gia, cha Vinh cương quyết không chịu. Tướng De Lattre rất tức giận, gọi cha Vinh tới, đập bàn quát tháo, đe dọa. Cha Vinh cũng đập bàn, lớn tiếng đáp lại, quyết không nhượng bộ, nhưng Thủ tướng ngại khó nên tự nguyện rút lui. Sau vụ đó, để tránh căng thẳng, Đức Cha Khuê đã chuyển cha Vinh làm giáo sư của Tiểu Chủng Viện Piô XII, phụ trách Anh văn, Pháp văn, âm nhạc, triết học; ngài khiêm tốn vâng lời. Ngài cũng giảng dạy Văn Triết ở trường Chu Văn An.
Năm 1954, Đức cha Trịnh Như Khuê cho phép cha Vinh và cha Nhân đưa chủng sinh đi Nam, nhưng cả hai đều xin ở lại sống chết với giáo phận Hà Nội, dù biết hoàn cảnh đầy khó khăn, nguy hiểm. Đức Cha Khuê bổ nhiệm ngài làm Cha Chính, kiêm Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc.
Ngài tổ chức lớp học giáo lý cho các giới, có những linh mục trẻ thông minh, đạo đức cộng tác, như cha Nguyễn Ngọc Oánh, cha Nguyễn Minh Thông, cha Phạm Hân Quynh. Lúc đầu, lớp học được tổ chức thành nhóm nhỏ tại phòng khách Tòa Giám Mục, về sau, con số người tham dự tăng dần, lớp học được chuyển tới nhà préau, và ngồi ra cảngoài sân. Lớp học hiệu quả rất lớn, những tín hữu khô khan thành đạo đức nhiệt thành, ảnh hưởng lan tới cả giới sinh viên và giáo sư đại học, nhiều người gia nhập đạo. Sau chính quyền ra lệnh ngừng hoạt động vì lý do an ninh.
Khi cha Vinh đang làm Hiệu Trưởng Dũng Lạc, Chính phủ ra chỉ thị phải treo ảnh lãnh tụ thay vào ảnh Thánh Giá ở các lớp học. Ngài không tuyên đọc chỉ thị cũng không tháo bỏ Thánh giá, nên năm 1957, trường bị đóng cửa.
Thời bấy giờ, Đại học Y khoa Hà Nội thiếu giáo sư, nên đã đề nghị Đức Cha Khuê cử cha Vinh đến trường dạy La tinh. Nhiều sinh viên cảm phục ngài. Một hôm, Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông nói với đoàn tháp tùng: “Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại Học quốc gia ư?”. Ít lâu sau trường Đại học Y khoa không mời cha dạy nữa.
Biết tài năng và kiến thức âm nhạc của ngài, nhiều nhạc sĩ ở Hà Nội tìm cha Vinh tham khảo ý kiến và nhờ xem lại những bản nhạc, bài ca họmới viết.
Cha Vinh, một trong những nhạc sĩ tiên phong của Thánh nhạc Việt Nam, và là một nhạc sĩ toàn tài. Ngài chơi vĩ cầm và dương cầm thật tuyệt, ngài kể chính ngài là người Việt Nam đầu tiên chơi vĩ cầm ở Hà Nội. Ngài có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, lại được học tập chu đáo nên đã sáng tác và để lại nhiều nhạc phẩm tôn giáo tuyệt vời. Cha Vinh trình bày bản hợp tấu ‘Ở Dưới Vực Sâu’ nhân cuộc đón tiếp phái đoàn Việt Nam do ông Hồ Chí Minh dẫn đầu sang dự Hội Nghị Fontainebleau năm 1946.
Cộng tác với Hùng Lân sáng tác ‘Tôn Giáo Nhạc Kịch Đa-Vít’.Ngài còn sáng tác nhiều nhạc phẩm lớn: ‘Mở Đường Phúc Thật’, ‘Tôn Vinh Thiên Chúa Ba Ngôi’, ‘Ôi Gia Vi’, ‘Lạy Mừng Thánh Tử Đạo’. Ngài phổ nhạc cho các Ca Vịnh 8 , Ca vịnh 16, Ca vịnh 23, Ca vịnh 41, Ca vịnh 115 và nhiều bài hát khác như Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thánh Tâm Giêsu. Ngài còn viết những bài ca sinh hoạt: Sao Mai, Đời Người, phổ nhạc bài ‘Bước Tới Đèo Ngang’ của Bà Huyện Thanh Quan.
Hằng tuần ngài đến dạy nhạc, xướng âm và tập hát bên chủng viện Gioan. Cha Vinh có giọng nam cao, âm hưởng thanh thoát, lôi cuốn.
Ngài tổ chức và chỉ huy đồng ca trong nhiều cuộc lễ và rước kiệu lớn như cuộc Cung Nghinh Thánh Thể từ Hàm Long về Nhà Thở Lớn Hà Nội.
f        
Năm 1957, Nhà nước muốn tỏ cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là ở Việt Nam Đạo Công giáo tự do hành đạo, và tổ chức được những lễ nghi long trọng, tưng bừng. Dip Lễ Noel, chính quyền tự động cho người đến chăng dây, kết đèn quanh Nhà Thờ Lớn, sau lễ họ vào đòi nhà xứ Hà Nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và tiền công. Năm 1958 cũng thế, gần đến lễ Noel, không hề hỏi han, xin phép, một số người của Nhà nước ngang nhiên đưa xe ô tô chuyển vật liệu, tự động bắc thang, chăng dây treo bóng điện màu trang trí ở mặt tiền và trên hai tháp Nhà Thờ Lớn. Cha xứ thời đó là cha Trịnh Văn Căn bảo vệ chủ quyền Giáo Hội trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, không đồng ý, nhưng họ cứ làm. Để phản đối, cha Căn liền cho kéo chuông nhà thờ cấp báo, giáo dân kéo đến quảng trường nhà thờ rất đông ủng hộ cha xứ, hai bên to tiếng. Cha Căn gọi Cha Vinh ra can thiệp, sau một hồi tranh luận không kết quả, cha Vinh kéo những người của Nhà nước đang leo thang chăng đèn xuống, rồi chính ngài leo lên thang, hai tay đưa cao trước mặt, hai bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt cho nhau, làm dấu hiệu còng tay số 8, và nói lớn: “Tự do thế này!” Vụ giằng co lộn xộn kéo dài suốt buổi sáng, công cuộc trang trí không thành.
Cha Căn, cha Vinh cùng một số giáo dân bị cơ quan an ninh thẩm vấn, đem ra xét xử. Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên án: Cha Trịnh Văn Căn, Chính xứ Nhà Thờ Lớn, người chịu trách nhiệm tổ chức lễ Noel năm 1958 chịu án 12 tháng tù treo. Cha Chính Nguyễn Văn Vinh chịu án 18 tháng tù giam, với tội danh: “Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân” (!).
Sau phiên tòa, cha Vinh bị đưa đi giam ở Hỏa Lò, sau bị chuyển đi nhiều trại giam khác như Chợ Ngọc, Yên Bái, cuối cùng là trại “Cổng Trời”, nơi dành riêng cho các tù nhân tử tội.
Khi cha Vinh mới đến trại Yên Bái, ngài còn được ở chung với các tù nhân khác, nhiều giáo dân, chủng sinh, tu sĩ đến xin cha giải tội, vì thế ngài bị kỷ luật, phải biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối. Mấy tháng sau được ra, ngài lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi: “Tại sao bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh tiếp tục phạm quy?” Ngài đáp: “Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình!”.
Ở tù đói rét là đương nhiên, lúc nào cũng đói, hằng ngày mỗi bữa một bát sắn độn cơm, ăn với lá bắp cải già nấu muối, khi chia cơm phải cân đong từng chút một... Một lần cha Vinh nhận được gói bưu kiện do cha Cương, quản lý Nhà Chung Hà Nội, gửi lên, trong đó có ít thức ăn, lương khô và vài đồdùng cá nhân, ngài đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả Công giáo lẫn lương dân, ăn chung, dùng chung. Anh em tù hình sự thân thương gọi ngài là ‘bố’.
Ngay trong nhà tù, cha Vinh vẫn can đảm bảo vệ người bị áp bức, có lần một tổ trưởng đánh đập tù nhân, ngài lên tiếng bênh vực, liền bị người tổ trưởng này xông đến giang tay đánh, ngài đưa tay gạt, anh ta ngã khụy. Từ đó trong trại có tiếng đồn cha Vinh giỏi võ, mọi người phải nể vì.
Một cán bộ cao cấp ở Hà Nội lên Cổng Trời gặp cha Vinh, nói: “Đảng và Chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh (Chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi”. Ngài khẳng khái đáp: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi”.
Vì không khuất phục được ngài, nên bản án của ngài từ 18 tháng tù giam, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, đã biến thành 12 năm tù kiên giam, xà lim biệt giam và án tử. Năm 1971, khi ngài từ trần không aiđược biết, một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức Cha Khuê và cha Cương quản lý Nhà Chung: “Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh!”.
Suốt đời mình, trong mọi tình huống cha Chính Vinh làm trọn trách vụ của mình. Ngài đã mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho đức tin, khi thuận tiện cũng như khó khăn. Vượt mọi thử thách gian khó, không chịu khuất phục trước cường quyền, luôn trung kiên với Thiên Chúa và Giáo Hội.
Cha Chính Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là một chứng nhân của thời đại, một linh mục Công Giáo Việt Nam can trường, hậu thế kính tôn và ghi ân ngài.
TGP. Hà Nội

5. Tưởng nhớ Linh mục Nhạc sĩ Hoài Đức

Linh Mục Nhạc Sĩ Hoài Đức, tên thật là Giuse Lê Ðức Triệu, qua đời tại Nhà Hưu dưỡng Linh mục Hà Nội – Ngã Sáu, Saigòn, lúc 10 giờ tối ngày Thứ Bảy, 07 tháng 07, 2007, hưởng thọ 85 tuổi, 48 năm Linh mục. Lễ thiêu táng được thực hiện tại Bình Hưng Hòa và hài cốt được đưa về nhà thờ Đa Minh, Sài Gòn.
Ngài sống một đời sống rất khiêm nhượng mặc dù là nhạc sĩ tài hoa, tác giả của những nhạc phẩm rất hay, nhất là Cao Cung Lên đã trở thành một nhạc phẩm không bao giờ thiếu vắng trong mỗi mùa Giáng Sinh. Trước 1975, cha là Giám Đốc Caritas của Giáo Phận Ban Mê Thuộc. Sau 1975, Cha bị tù CS từ 1976 đến đến 1987.

Linh mục Nhạc sĩ Hoài Đức (1923 – 2007)

Tác giả: Cao Cung Lên
I- Vài nét về cuộc đời.
Linh mục Nhạc sĩ Hoài Đức sinh ngày 01 tháng 07 năm 1923 (theo giấy khai sinh) tại xã Vĩ Nhuế, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (ngày nay là xã Yên Đồng, tỉnh Nam Định). Xã Vĩ Nhuế cũng là nơi giáo quyền xây dựng Giáo Xứ Kẻ Nấp. Năm 1938, chú bé Hoài Đức tốt nghiệp Sơ Học Pháp Việt và vào Tiểu Chủng Viện Hoàng Nguyên cũng năm này. Sau 6 năm theo học, thầy Hoài Đức được cử về giúp xứ Bút Đông. Ngày 01 tháng 09 năm 1945, nhập Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội. Mới chưa qua một tháng, nhân biến cố Quân đội Nhật tiến đánh Đông Dương, Quân đội Trung Hoa chiếm Đại Chủng Viện, các thầy được lệnh tản cư. Tháng 09 năm 1946, Đại Chủng Viện mở cửa lại, thầy Hoài Đức cùng các thầy trở về tiếp tục tu học. Lúc bấy giờ, Cha Bề trên và các Cha giáo đều là người Pháp. Công việc học hành chỉ được 03 tháng thì phong trào toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Các linh mục người Pháp bị câu lưu. Các thầy được lệnh sơ tán về các địa phương xa Hà Nội. Thầy Hoài Đức trở về lại Bút Đông, giúp cha Trần Tiến Đức. Thời gian này mới có bút hiệu là Hoài Đức, theo thầy kể thì bút hiệu này là để tỏ lòng mến thương cha Trần Tiến Đức…
Thời gian tản cư kéo dài từ tháng 12 năm 1946 tới tháng 10 năm 1948, sau đó thầy Hoài Đức trở về Đại Chủng Viện Xuân Bích để tiếp tục học 04 năm (Triết học và Thần học). Vì mới tản cư về, thầy Hoài Đức cần phải có căn cước, nên lấy tên là Lê Đức Triệu, cũng nhân đó khai luôn bút hiệu Hoài Đức vào tờ căn cước. Không biết khi mới sinh ra, cha mẹ thầy đặt cho thầy tên gì. Người viết nghe đâu tên thầy là Lê Danh Hích (?).
Sau 04 năm học ở Đại chủng viện, thầy Hoài Đức đã lãnh nhận 04 “chức nhỏ”. Và vì bệnh suy tim nên Đức Cha Trịnh Như Khuê đã chỉ định thầy đi giúp các xứ Kẻ Noi, rồi Sở Kiện… Vì tình hình chiến sự, thầy Hoài Đức bỏ Sở Kiện tìm cách về lại Hà Nội. Niên học năm 1952, thầy được bổ nhiệm là giáo sư Tiểu Chủng Viện Piô XII (ở Quần Ngựa), lúc ấy Cha Nguyễn Huy Mai đang là Hiệu trưởng Trường Dũng Lạc, được bề trên chuyển lên làm Giám Đốc Chủng Viện.
Biến cố “chia đôi đất nước” 20-07-1954 xảy đến. Và ngày 18-07-1954, toàn bộ Tiểu Chủng viện Piô XII lên tàu thủy vào Nam, trong đó có thầy Hoài Đức. Địa chỉ sau cùng của Chủng Viện Piô XII là 223 Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Thầy Hoài Đức là giáo sư ở đây (thầy giáo nhạc là chính) cho tới đầu niên học 1957, thầy về lại Đại Chủng Viên Xuân Bích tọa lạc tại Thị Nghè (trong chuyến tàu di tản vào miền Nam có cả Đại Chủng Viện này).Sau khi hoàn tất chương trình “đào tạo linh mục”, thầy được chuyển trở lại Chủng Viện Piô XII dạy học. Và ngày 06 tháng 06 năm 1960 (?) thầy được tấn phong Linh mục, vẫn tiếp tục làm cha giáo kiêm giám luật tại Chủng Viện Piô XII.
Năm 1966, Chủng Viện Piô XII chấm dứt hoạt động theo lệnh Toà Thánh, cha Hoài Đức được thuyên chuyển lên Giáo phận Kontum làm cha giáo tại Tiểu Chủng Viện Thừa Sai, năm sau được bổ nhiệm Phó bề trên kiêm quản lý Chủng Viện. Hết niên học 1967-1968, Cha được chuyển về Saigon đảm nhận chức vụ Thư Ký Thường Trực Ủy Ban Thánh Nhạc Toàn Quốc do đề nghị của Đức Cha Phạm văn Thiên đặc trách Phụng Vụ và Thánh Nhạc. Tháng 07 năm 1969, cha đã từ nhiệm chức vụ này và được thuyên chuyển lên Ban Mê Thuột làm quản lý tài sản Nhà Chung Ban Mê Thuột, lúc ấy Đức Cha Nguyễn Huy Mai đang cai quản Giáo phận này. Ở đây cha Hoài Đức kiêm nhiệm Giám đốc Cơ quan Từ thiện Caritas, Chủ tịch phong trào Công lý và Hoà bình. Với những trách vụ kể trên, cha Hoài Đức đã cố gắng xây dựng các cơ sở giáo phận như tu viện, tập viện, nhà dưỡng lão, quán cơm xã hội, khai thác đồn điền cà phê, phân phối các phẩm vật cứu trợ …
Tháng 03 năm 1975, Ban Mê Thuột giải phóng, Đức Cha Mai và Cha Hoài Đức đã ở lại, không di tản. Thời gian này cả hai vị đã gặp rất nhiều khó khăn… Và ngày 14 tháng 01 năm 1977 cha Hoài Đức khăn gói lên đường vào trại cải tạo Mê Văn Đắc Lắc. Ở trại này được vài tháng, cha được chuyển ra ngoài Bắc. Sau nhiều lần chuyển từ trại này qua trại khác, năm 1979 Cha Hoài Đức cùng một số cha khác (khoảng 20 vị) “định cư” tại trại Thanh Cẩm Thanh Hoá. Tại trại này, cha Hoài Đức bị bệnh “tai biến mạch máu não”, nhờ một bạn tù người Hoa chữa trị, bệnh thuyên giảm, nhưng sức khoẻ từ đó kém đi rất nhiều.
Tháng 11 năm 1987, cha Hoài Đức được thả về cùng với khoảng 50 bạn tù. Cha đi thăm bà con, một số các đấng bậc trong giáo quyền miền Bắc. Sau cùng Cha ở lại nhà người em họ tại số 491/74A Lê văn Sĩ, Phường 12, Quận 3, TPHCM. Đây là nơi Cha được chỉ định cư trú theo lệnh chính quyền. Nơi đây, trong thời gian này, các anh em nhạc đoàn đã liên lạc với cha, kể cả một số anh em nhạc sĩ trẻ có cảm tình với nhạc đoàn xưa nay. Và Cung Thánh 17 đã được chuẩn bị trong “thầm lặng”… Vào khoảng năm 1997, bệnh cũ lại bộc phát, cha bị á khẩu, toàn thân dần dần tê liệt và cha đã được chuyển về Nhà Hưu Dưỡng Hà Nội (116/3 Hùng Vương, P.9, Q.5, TPHCM).
Ở nước ngoài, hai lần về thăm cha, năm 1998, tôi gặp cha trong tình trạng không nói được, nhưng vẫn viết được. Năm 2000, hai vợ chồng chúng tôi về thăm cha. Cha hoàn toàn không nói cũng chẳng viết được nữa, chỉ gật hoặc lắc đầu. Trong những lần tiếp xúc ấy chỉ là nước mắt và nước mắt. Nước mắt của cha và nước mắt của chúng tôi! Ngài vẫn nhận biết và hiểu chúng tôi muốn nói gì. Điều làm cho những người thân “thương cảm” là cha không phải là “người thực vật” mà vẫn là con người nghe được, hiểu được nhưng chỉ trả lời bằng những dòng lệ. Người lau khô những dòng lệ này chính là cô cháu gái của cha, ngày đêm bên cạnh cha … Tạm biệt cha ra về, cô cháu tiễn chúng tôi tới cửa: “… Cô chú nhớ cầu nguyện cho cha…”. Có những tiếng nấc nghẹn ngào!!! Chân bước, nhưng lòng như trống vắng. Tới trước hang đá phía sau nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn (ngay cổng vào khu nhà hưu dưỡng), nhìn lên tượng Đức Mẹ, tôi chợt nhớ tới câu kết của bài hát Dâng Mẹ. Cha Hoài Đức viết : “Mẹ chính là Nữ Vương, là Trạng Sư, là Mẹ con.” Tôi gục đầu xuống. Nhà tôi quỳ bên cạnh. Hai người im lặng, đầy ắp những suy tư: Những ngày cuối của một người thầy, người anh, người bạn? Thân phận một linh mục tài ba? Và “Mẹ là Trạng Sư…?”
Cha ở đây cho đến ngày nay, vẫn chưa có quyền công dân, chưa có hộ khẩu! Và cha đang”chuẩn bị cho cuộc hành trình cuối cùng của cuộc đời trong bàn tay Đấng Toàn Ái Vô Biên”! Rất hy vọng cha sớm được trả lại “Quyền Công Dân Nước Trời” và “Hộ Khẩu Thường Trú” trên nơi Thiên Quốc!!!
II-Tác Phẩm:
Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập từ năm 1945. Cha Hoài Đức tham gia nhạc đoàn này vào tháng 09 năm 1946. Nhạc sĩ Hùng Lân là Đoàn Trưởng. Sau khi thầy Hoài Đức làm linh mục (1960), Anh Hùng Lân nhường lại chức vụ Đoàn Trưởng nhạc đoàn cho ngài. Về sáng tác, cha Hoài Đức đã bắt đầu viết từ năm 1945. Trong toàn bộ tác phẩm của cha, 87 bài Thánh Ca, có thể tạm chia ra như sau:
a) Những sáng tác theo “ngẫu hứng” và những sáng tác theo “nhu cầu Phụng vụ”:
Đây là những tác phẩm từ năm 1945 tới 1975. Về ngẫu hứng, có khá nhiều bài ca mang tính “phổ thông, đại chúng”, nét nhạc gần gũi với tâm tình người Việt, mặc dầu không mang âm hưởng nét dân ca nào rõ rệt. Thí dụ : Cao Cung Lên, Mùa Đông Năm Ấy, Dâng Mẹ, Cung Chúc Trinh Vương … Về đề tài nhu cầu phụng vụ, là những tác phẩm viết theo các “Ý lễ”, thí dụ : Tôi Tin (Kinh Tin Kính), Thánh Tâm Giê-Su Vua, Này Con Là Đá… Ngoài ra, trong “luồng nhạc” thời kỳ này, cha Hoài Đức đã thành công khi đưa âm hưởng “bình ca” vào lời Việt : Tôi Sẽ Tiến Lên, Bí tích Nhiệm mầu…
Kể từ biến cố “30 tháng 4 năm 1975″, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ngưng hoạt động. Và các trại “Cải Tạo” được mở ra trên toàn quốc. Linh mục Hoài Đức cũng như một số thành viên nhạc đoàn có dính dáng tới “chế độ cũ” đều được “ưu ái” giáo dục tại các trại này… Kẻ “tiến bộ” trước, người tiến bộ sau, lần lượt được thả về. Cha Hoài Đức là người có lẽ về sau cùng (1987), trong số các anh em nhạc đoàn. Khi trở về, chức vụ Đoàn Trưởng Nhạc Đoàn anh em vẫn tín cẩn dành cho cha, mặc dầu cha rất e ngại vì nhiều lý do… và miễn cưỡng chấp nhận. Kể từ đó, nhạc đoàn LBT sinh hoạt trở lại trong “âm thầm”!!!
b) Những tác phẩm mang tích cách “bài bản”:
Cũng xin nói cho rõ, ở đây, tôi “nhìn” theo khía cạnh kỹ thuật dàn dựng một bản nhạc và lời ca mà bản nhạc chuyển tải. Gồm những tác phẩm từ năm 1977 tới năm 1990. Được hân hạnh làm việc với ngài khi chuẩn bị cho Cung Thánh 17, vì thế, tôi biết rất rõ về những tác phẩm trong giai đoạn này. Hầu hết cha Hoài Đức viết trong thời gian ở tù (1977-1987) và tới năm 1990 mới hoàn chỉnh, nhất là phần hoà âm, sau khi được anh Thiên Quang nhuận sắc phần này. Trong tất cả các tác phẩm Cha viết từ năm 1945 tới 1975, hình như không bài nào có quá 2 bè. Phần lời ca, cũng rất ít lấy ý từ các thánh vịnh, thánh thi. Ngược lại, giai đoạn 1977-1990, tác phẩm mang tính “kinh điển” với phần nhạc nhiều bè, hoà âm rất “chặt chẽ”. Lời ca hầu hết lấy từ thánh vịnh, thánh thi. Thí dụ : Bài Ca Hiệp Nhất (Tv 132), Có Chúa Chăn Dắt (Tv 22)… Chính vì những yếu tố vừa kể: nhạc – lời ca, chúng tôi xin gọi những tác phẩm trong thời gian này là “những tác phẩm mang tính cách bài bản”.
III. Thay Lời Kết
Một ước vọng chân thành: những ai đọc tới các dòng trên đây, những bà con thân thuộc, bạn bè xa gần, nhất là những “học trò cũ”, xin hãy chia sẻ với Linh Mục Nhạc sĩ Hoài Đức. Chia sẻ bằng lời cầu nguyện, bằng những nâng đỡ… để những ngày tháng “đền tội”này (có thể là “tội” của chính ngài, nhưng cũng có thể là “tội” của những người khác mà Chúa muốn ngài “đền thay”!) bớt nặng nề và nhất là “thời gian”, xin Chúa và Mẹ “rút bớt lại”!!!
NS. Hải Ánh

Tham khảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét