Translate

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

LÀNG BÚT ĐÔNG QUÊ TÔI


Toàn cảnh nhà thờ hai tháp Giáo xứ Bút Đông

Nhà thờ hai tháp Giáo xứ Bút Đông


Phòng lưu trữ tượng các Thánh
(liên quan đến Giáo xứ Bút Đông)

Bia tưởng niệm các Thánh Tử Vì Đạo liên quan đến GX. Bút Đông và
Tượng Thánh Luca Vũ Bá Loan - Thánh Ven - Đức Mẹ Mân Côi...
Nhà truyền thống Giáo xứ Bút Đông
Nhà truyền thống Giáo xứ Bút Đông
Phòng tiếp khách (năm 2014)

Nhà truyền thống lưu trữ tượng các Thánh - Năm 2015
(liên quan đến Giáo xứ Bút Đông)
Các tượng Thánh Luca Vũ Bá Loan - Thánh Ven - Thánh Anê Lê Thị Thành (Thánh Đê)
Bia tưởng niệm các Thánh Tử Vì Đạo liên quan đến GX. Bút Đông.

Trong khuôn viên có giếng cổ xưa ở trước mặt tiền
Nhà truyền thống giáo xứ Bút Đông - Năm 2015
Nghĩa trang Giáo xứ Bút Đông (năm 2014)

Thánh đường hai tháp Giáo xứ Bút Đông (năm 2014)

Dừng chân nơi chốn cầu Hoà Mạc
Hỏi thăm xứ Bút ở nơi nao
Rằng phúc - rằng duyên - dạo gót vào
Nhà thờ hai tháp xinh đẹp nhỉ
Đường nét hoa văn lạ kỳ sao...
Bao đời cha xứ còn ghi ấn
Dạy dỗ đoàn chiên công lớn lao
Danh thơm còn mãi tranh khôn vẽ
Hương ngát uy nghi tiếng mãi reo
Bên đàng hàng nhãn cây chen chúc
Trước mặt là hồ nước trong veo
Bồng hồ lãng uyển đây chăng tá
Du khách ngỡ ngàng gió cuốn theo.
(sưu tầm)
TIỂU SỬ LÀNG QUAN ĐẠO BÚT ĐÔNG
LỜI NÓI ĐẦU:
Tiểu sử xứ đạo Bút Đông có cách đây chưa được 200 năm. Nếu so sánh với các di sản văn hóa cổ ở nước ta, nhiều nơi đã có cách đây một vài ngàn năm lịch sử, chẳng hạn nền văn hóa cổ đại Ai Cập của loài người cách đây 5000 năm thì chả đáng là bao. Nhưng nếu tính thời gian cuộc sống của môt đời người thì cũng đã lâu lắm rồi. Từ hồi xa xưa, người công giáo xứ ta rất đáng tự hào là người Việt Nam kính Chúa yêu nước, nhân ái đoàn kết, siêng năng, sáng tạo trong lao động sản xuất. Đã tạo dựng lên những công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị như:
Ngôi nhà thờ cổ xây dụng kiểu Á - Đông khánh thành năm 1883. Đến năm 1920 lại khánh thành tiếp một nhà thờ nguy nga rộng lớn, với hai tháp cao vút, thiết kế theo kiểu Gô-Tích. Trong không gian có đường nội bộ chạy bao quanh, mặt trước tiền sảnh có sân thượng và sân hạ. Hai bên tả hữu là hai dãy nhà, một bên dùng làm trường học, còn bên kia dùng làm nhà chứa đồ dùng.- Vào khoảng năm 2001 ở cổng phía Tây lại mới xây một hang đá nhân tạo, kết cấu bằng những phiến đã rửa và thạch nham, có chiều dài 100m cao 09m và dày 06m. Về không gian, các cụ tính toán hoàn hảo về phong thủy, có mặt hồ trước tượng trưng cho nội Minh Đường, có con đường chạy thẳng nối từ trung tâm bờ hồ phía nam đi về thôn Phúc Thành. Sự tính toán đó là tượng trung cho liên kết vây rồng trong thế Phục Long.
* Có một Đền thờ Thánh Giuse với năm tháp tròn, mộ phỏng theo một ngôi đền ở Tòa Thánh La Mã - Một Nhà nguyện Đức Mẹ ở xóm 5 Duyên Giang - Một Nhà nguyện Thánh An-Tôn ở thôn Phúc Thành và có một nhà dòng Mến Thánh Giá được tạo dựng từ những năm đầu sơ khai ra nhà xứ Bút Đông (khoảng năm 1840).
* Xứ Bút Đông trong giai đoạn này có 09 họ đạo trực thuộc, luôn gắn liền mọi hoạt động tôn giáo, chính xứ từ xưa tới nay. Trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt, xứ đạo cũng thăng trầm theo thời cuộc, vì thế các văn bằng, di chỉ của các cụ xưa để lại nay đã bị mai một.Đáp ứng nguyện vọng của các cụ bô lão trong làng, cũng như một số giáo dân đang sống xa quê hương như Hà Nội, Sài Gòn, các vị ở hải ngoại sống xa tổ quốc, mong muốn tìm lại những chứng tích của cội nguồn. Để cho các đời sau không được quên lãng những thành quả sáng tạo của cha ông. Bài viết sơ lược tiểu sử làng quan đạo Bút Đông này, mong kịp thời giải đáp được phần nào cho quý ông, bà và các bạn đọc.
Tuy nhiên:
Bản này ai mở đầu, chấp bút trước
Bấm đốt tay đã được là bao
Rộng xem cao xét thế nào
Đã không bằng cớ mong sao thật truyền
Cảo thơm trải mấy phen nhuận sắc
Thoạt xem vào chán ngắt trí khôn
Bởi vì sai lạc phân phồn
Tam sao thất bản chỉ còn đôi ba.
Thật vậy:
Toàn bộ nội dung trong sơ lược tiểu sử này, là do chúng tôi sưu tầm được, qua các lời kể của các cụ bô lão trong làng cung cấp. Có một số tài liệu viết tay của người xưa để lại, do ông Cường con cụ cố Tín (em Đức Giám mục Nguyễn Tùng Cương) bàn giao cho, nhưng đã quá cũ nát, mối xông gần hết lại không có đầu đuôi, nên không thể nào tránh được những thiếu sót. Theo phong trào chung của đất nước. Nhiều làng, xã, đã lập những di chỉ văn hóa của quê hương mình. Nhất là thể hiện trên các hương ước của các làng xã đạt tiêu chuẩn “Làng Văn hoá”.
Do vậy: Bài viết sơ lược này, chúng tôi thấy là rất cần thiết và bổ ích, để lưu truyền lại cho con cháu, dân làng Bút Đông.
Bài thơ giãi bày tâm sự "không tên" của các cụ để lại như sau:
Nay hội trần gian khai hóa
Quyết ra tay tinh tỏa nguyên lai
Dám đây cậy trí khoe tài
Nối nôi không ý đặt bài rêu rao
Này gương sáng nêu cao chói lọi
Thử mở phanh cho mọi người soi
Ai ơi! muốn ích hãy coi
Đời tuy lâu, cách tiếng đời truyền xa.
Để có cái đẹp thật sự của gốc trường tồn trong cội nguồn của quê hương Bút Đông được trung thực và chính xác. Các cụ bô lão trong làng, các cụ đang sống xa quê hương như: Hà Nội - Sài Gòn (TP. HCM) và ở hải ngoại, đã cố gợi nhớ trong trầm tích mà lâu nay luôn khát vọng được phát lộ. Trong trầm tích tự đốt cháy trong mình bằng những nguyên liệu được kết tinh từ quá khứ để xuyên suốt trong hiện tại. Để được công nhận những trầm tích mà các cụ đã phát lộ qua những địa tầng của quá khứ thành minh chứng. Bài viết này đã ghi nhận lại, mong được coi như đứa con tinh thần được sinh ra, để dâng hiến như người con đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nếu nói quê hương ta là nơi địa linh nhân kiệt thì chưa được. Nhưng cũng rất đáng tự hào được gọi là "Làng quan đạo Bút Đông" thì cũng chẳng ngoa là nơi đã sản sinh ra nhiều vị Giám mục, Linh mục, Tu sĩ... phục vụ cho Giáo hội Công giáo. Trên mảnh đất quê hương bình dị này đã sinh ra được:
* Hai linh mục tử vì đạo (chưa được phong thánh): Linh mục Trịnh Văn Quy (1857) và Linh mục Trần Văn Thư (1861)
* Hai thánh tử vì đạo có liên quan đến xứ ta: Linh mục Luca Vũ Bá Loan và Linh mục Gioan Thêôphanô Vênađô Ven.
* Một hồng y: HY.Giuse-Maria Trịnh Văn Căn
  
Hồng y Giám quản Tông Toà
Giuse-Maria Trịnh Văn Căn (1988-1990)
Cardinal apostolic administrator
Joseph - Maria Trinh Van Can (1988-1990)
* Ba giám mục: Giuse-Maria Nguyễn Tùng Cương - Giuse Trịnh Chính Trực - Giuse Nguyễn Tích Đức.
* Hai linh mục là Giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse - Sài Gòn: Giuse Trịnh Hưng Kỷ và Phêrô Cao Tiến Đạt. 
* 71 vị linh mục bao gồm có: Hồng Y  - Giám mục và linh mục.
* Bảy dòng họ: có người làm linh mục.
* Ba gia đình: có hai anh em làm linh mục.
- Từ ngày thành lập giáo xứ tới nay. Xứ đạo Bút Đông luôn có các nhiệm kỳ đảm trách điều hành giáo xứ. Đứng đầu là ông Chánh Trương ban hành giáo này, thay quyền Hội đồng Giáo xứ điều hành các công việc của nhà thờ.
 - Từ năm 1937, quê ta đã có ba vị giáo sư.
- Về xã hội có một người (ô. Thể) trong làng đã tham gia hoạt động trong tổ chức Việt Minh (1930) và giữ chức vụ cao nhất trong chính quyền địa phương (chủ tịch xã Châu Giang), lãnh đạo một thời để phát triển ngành nông nghiệp, đưa quê hương có những đóng góp vào thành tích chung, đạt tới xã anh hùng lao động trong mặt trận kinh tế.
PHẦN I
ĐỊA LÝ HÀNH CHÍNH XỨ BÚT ĐÔNG
Thánh đường hai tháp xứ Bút Đông xây dựng tại: Thôn Đông Nội, xã Châu Giang (xưa kia là xã Trác Bút), huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Xã Trác Bút xưa kia là mảnh đất trên bờ sông Thiên Mạc, có hình như chiếc bút xung thiên “Thiên Mạc Giang hề Trác Bút Trang” là câu đầu của bốn câu thơ ca ngợi mảnh đất quê hương trù phú có gần 2000 năm lịch sử:
"Thiên Mạc Giang hề Trác Bút Trang
Cung đình thiên cổ thị huy hoàng
Quần thần thị lập giai oanh liệt
Thủy liễu Dương Dương tại điển hàn".
Xã Trác Bút nằm sát con đường trên bản đồ tỉnh lộ 9710 bên tả ngạn con sông Châu Giang.
Tọa độ trên bản đồ quốc gia: 105°20  đến 188°00 kinh đông và 20°20 đến 22° 7´75 vĩ độ bắc.
THÔN ĐÔNG NỘI
Thôn Đông Nội là một bộ phần nằm giữa trung tâm của Trác Bút Trang.
Phía Đông giáp: Vân Kênh
Phía Tây giáp thôn: Trung Thượng
Phía Bắc giáp thôn: Đông Ngoại
Phía Nam giáp thôn: Phúc Thành
Theo tài liệu hương ước của làng khi mới thành lập thì gồm có: Diện tích hành chính: 90 ha và diện tích canh tác: 70 ha.
Vào năm 2014, giáo xứ Bút Đông có tất cả 4051 nhân danh, còn riêng sở tại có 2305 nhân danh và khoảng 10 dòng họ.

PHẦN II
XỨ BÚT ĐÔNG RA ĐỜI
Con đường cái quan dẫn đến nhà xứ Bút Đông (năm 2014)
Trích đoạn thơ mô tả làng Bút như sau:

"Bút Đông xứ lớn hữu tình
Trường làng đường cái lượn hình con Long

Ngọn tre cao vút trên không
Nhà thờ hai tháp, cánh đồng tươi xanh"
Cách đây gần 03 thế kỷ, đạo Thiên Chúa đến vùng phố Hiên Kinh Kỳ thuộc tỉnh Hưng Yên, bên cạnh con sông Hồng Hà. Từ đó xuất hiện địa danh Bút Đông. Khởi đầu tạo dựng họ đạo là nhà nguyện bằng tre nứa lá ở khu vực xóm Hòa Bình, tức Đồng Cồng xưa. Nằm trên lô đất ông hương Thác và ông Toan Đỗ ngày nay. Lúc đó là họ đạo trực thuộc xứ Bái Vàng.
Sau khi họ Bút Đông xây dựng được nhà thờ gỗ làm theo kiểu Á - Đông khánh thành năm 1883. Thời gian đó, cha cố Huy làm Giám quản, ngài xin bề trên để họ Bút Đông được thành lập Xứ Bút Đông cho đến ngày nay.
Tương truyền: Xứ Bút Đông nằm trong thế rồng của khu vực: a) Mắt rồng ở Phúc Thành b) Tim Rồng là nhà thờ xứ Bút Đông c) Dạ Rồng ở Đình Đông d) Đuôi Rồng là sông Thiên Mạc
* Xứ Bút Đông xưa có 09 họ giáo, ngày nay chỉ còn 08 họ giáo trực thuộc bao gồm: họ Bút Chợ - họ Bút Thượng - họ Bút Kênh - họ Bút Quai (trong khuôn viên nhà thờ có đền ông Thánh Tử Vì Đạo - Luca Vũ Bá Loan) - họ Hoà Trần (Bao gồm: họ Trại Trần + họ Lạt Hà). Do họ Lạt Hà không còn nhà thờ và số giáo dân ít, còn khoảng 08 hộ giáo dân, nay đã sáp nhập với họ Trại Trần. Và có tên gọi mới là họ Hoà Trần - họ Duệ Cát - họ Vạn Lương - họ Lệ Thủy
* Ngoài ra còn có các nhà nguyện và một dòng nữ tu: nhà nguyện ông Thánh Giuse hay còn gọi là Đền ông Thánh Giuse - nhà nguyện ông Thánh An-Tôn hay còn gọi là Đền ông Thánh An-Tôn - nhà Nguyện Đức Mẹ Mân Côi ở xóm Duyên Giang - nhà Dòng Mến Thánh Giá - Bút Đông.
Nhà thờ họ Bút Chợ (năm 2014)
Nhà thờ họ Bút Quai (năm 2014)
Nhà thờ họ Bút Kênh (năm 2014)
Nhà thờ họ Duệ Cát (năm 2014)
Nhà thờ họ Vạn Lương (năm 2014)

Nhà thờ Họ Lệ Thủy (năm 2014)
Nhà thờ họ Bút Thượng (năm 2014)
Nhà thờ họ Hòa Trần (năm 2014)
Nhà Nguyện Đức Mẹ Mân Côi
Xóm Duyên Giang - Bút Đông 4

(năm 2014)
Nhà nguyện Thánh Giuse (năm 2014)
Nhà nguyện Thánh Antôn (năm 2014)
Ở thôn Phúc Thành - Bút Đông 3
PHẦN III
TRUYỀN TÍCH XÂY DỰNG NHÀ THỜ HAI THÁP VÀ CÁC NHÀ THỜ HỌ TRỰC THUỘC NHÀ THỜ HAI THÁP BÚT ĐÔNG
Ngày 4/3/2000, cụ bà Nguyễn Thị Vường sinh năm 1904 ở xóm Năm Duyên Giang kể: Nhà thờ khởi công vào năm 1914. Cha Phêrô Trần Hoàng mới chuyển về làm phó xứ được một năm (1913). Ban hành giáo lúc đó, đứng đầu là cụ Chánh Điểm và cụ Trùm Tuyển.
Việc khởi công bắt đầu là việc đổi đất của bốn gia đình để quy hoạch khuôn viên nhà thờ: Cụ Kính, cụ Lý Liên, cụ Xức, cụ Khoa Quân, chuyển bốn thửa đất đổi cho các cụ ra phía sau nhà thờ. Hiện nay là nhà cụ Mậu Quân, cụ Căn Kỳ, cụ Inh Sách. Ao hồ nhà xứ hiện nay trước đây là ao, cừ, đầm lầy, cỏ năn, lác mọc um tùm hoang hóa. Bờ hồ phía Đông là lối đi vào xóm nhỏ, trâu bò đi lại thành đường bậc thang lầy lội bẩn thỉu. Móng nhà thờ đào sâu khoảng 2m50, cọc từ móng, các cụ dùng bằng tre, bương, luồng. Vồ đóng cọc, các cụ thiết kế bằng loại gỗ nặng, dùng ròng rọc kéo lên thả xuống. Riêng phần móng để xây hai tháp cao, có tải trọng lớn, nên ngoài việc đóng cọc bằng tre bương, luồng. Các cụ còn trải bè bằng các phiến gỗ lim ngang, dọc liên hoàn lên toàn bộ khu móng hai tháp. Đá để xây móng và nung vôi, các cụ mua ở Kiện Khê và thuê  thuyền chở về bãi Hống, rồi chia cho nhân danh (nhân khẩu bây giờ) của cả dân làng, tính theo phu phen vận chuyển về.
VẬT LIỆU GẠCH VÔI ĐỂ XÂY DỰNG
LÒ GẠCH SỐ 1:
Nung đốt ở đầu làng dọc Kênh phía đông vườn Thánh (nghĩa địa) của nhà xứ
Mẫu gạch có 03 hình:
- Hình tròn có đường kính 30cm có lỗ giữa
- Hình bán nguyệt (tám cạnh) đường kính 30cm
- Hình chữ nhật có các chiều dài: 30 cm, rộng 15cm, dày 5cm.
LÒ GẠCH SỐ 2:
Lò gạch này mở sau, dùng cho xây dựng bổ sung như xây tường bao quanh, sân vườn, một dãy trường học, một dãy nhà để đồ dùng hai bên tả, hữu, tiền sảnh nhà thờ. Địa điểm nung, đốt tại chỗ ở của ông Chiểu Thiều thôn Phúc Thành bây giờ, vì khu đất này trước kia là ruộng của nhà xứ.
LÒ NUNG VÔI:
Nhà xứ tổ chức đốt hai lò vôi trong khuôn viên khoảng 400m2. Khi ra vôi cũng tổ chức, tôi vôi ngay cạnh khu đất của nhà xứ, phía đông trước mặt nhà thờ, đầu nhà anh Mỹ (con ông Ngôn) đang ở bây giờ.
NGUYÊN LIỆU ĐỐ GẠCH VÔI:
Vào thời gian đó còn khan hiếm than đá, các cụ phải bổ sung nhiệt bằng cách đun chủ yếu bằng bổi (bổi có nghĩa là các loại như: rơm rạ, củi gỗ, cây ngô,…)
Nhà xứ lúc đó có 20 mẫu ruộng chuyên canh trồng lúa gồm hai nơi: phía đông cửa nhà thờ, tức bên phía Đền Thánh Giuse có 08 mẫu, phía Tây cửa nhà thờ có 12 mẫu.
Vào thời vụ cày cấy, cũng như đến mùa thu hoạch gặt lúa. Cha xứ thông báo tại nhà thờ trước vài ngày. Hôm đi làm có một hồi chuông, thì cả làng nối lại và cả một số người bên Lương thuộc thôn Đông Ngoại từ già, trẻ giá trai nô nức ra đồng, mỗi người một việc. Từ việc cày cấy, nhổ mạ hay đến việc mùa gặt lúa, thường chỉ một ngày là xong. Riêng phần gốc rạ thì để lại, làng sẽ gọi phu, chia cho từng gia đình theo phần lượt đi cắt rạ rồi chuyền về các lò gạch, lò vôi.
Tổ chức chính quyền đại phương vào thời điểm xây dựng nhà thờ là điều hành theo hàng giáp. Giáo dân thuộc nhà xứ có năm giáp ở hai thôn Phúc Thành và Đông Nội. Toàn bộ rơm rạ và cây ngô của giáo dân thuộc trong 05 Giáp này. Trong 07 năm làm nhà thờ, đều để nhà xứ quản lý dùng vào việc nung đốt gạch vôi. Trung bình mỗi ngày có một phần ba số gia đình trong 05 Giáp, phải ra đồng làm việc họ nhà xứ. Như cắt rạ, vận chuyển rạ và cây ngô về để đốt gạch vôi cho nhà xứ. Theo tiêu chuẩn nhân danh gia đình mình. Nếu gia đình nào mà thiếu, không có người đi làm là ông Giáp trưởng được quyền phạt theo hình thức cảnh cáo trước dân, nếu thiếu nhiều, có thái độ trây lỳ, còn phải bị đánh đòn.
GIÁP TRƯỞNG:
Giáp trưởng là những thanh niên được làng tín nhiệm cho ra làm việc làng. Các thanh niên này phải có sức khỏe tốt, có đạo hạnh và uy tín. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nghèo túng, chưa mua được các chức vị hương, xã… Thời bấy giờ còn quen gọi là anh giai. Bên trên các giáp trưởng các cụ có chức vị như Kỳ mục, Hương trưởng của từng giáp, các cụ có chức vị trong 05 Giáp phải thường xuyên gặp nhau bàn bạc việc làng và đôn đốc phu phen của Giáp mình để hoàn thành việc nhà xứ.
CHA HOÀNG TRÊN ĐỒNG RUỘNG
Cha cố Phêrô Trần Hoàng
Cha Phêrô Trần Hoàng sinh năm 1875, thụ phong linh mục 28/5/1911, ở Kẻ Sở, qua đời 07/3/1929. Quê ở Công Xá - Lý Nhân - Hà Nam. Ngài coi sóc xứ Sở Hạ được một năm. Đến năm 1913 thì Bề Trên chuyển về làm phó xứ Bút Đông. Cha qua đời năm 1929, phục vụ giáo xứ Bút Đông được 17 năm hưởng dương 54 tuổi. Cha cố Phêrô là người có công lớn trong việc xây cất nhà thờ Hai Tháp xứ Bút Đông (1920).
- Cha có dáng người tầm thước, da ngăm đen, có sức khỏe, chịu thương chịu khó, ban ngày thường xuyên có mặt ngoài đồng ruộng, để an ủi, thúc giục và hướng dẫn con chiên cắt rạ và thu gom cây ngô. Gặp các cháu còn nhỏ tuổi đi làm thay phu người lớn. Cha thường bó rạ, xóc gánh đặt lên vai cho các cháu.
- Cụ Nguyễn Thị Vường bây giờ đã gần 100 tuổi, lúc đó cũng là một trong các cháu nhỏ xưa kia được Cha thương đỡ.
- Khi Cha ra đồng ruộng, Cha thường cưỡi con ngựa màu xích thố, khi làm việc là thả ngựa tung tăng trên cánh đồng đang đông vui sản xuất. Tạo thành không gian ấm cúng tình cha con. Khắc sâu vào trí nhớ của mọi người giáo dân quê ta.
* THỜI GIAN XÂY DỰNG NHÀ THỜ BÚT ĐÔNG (1914 - 1920)
Từ đầu năm 1914 đến năm 1920 thời gian xây dựng nhà thờ là 07 năm.
Nhờ ơn bề trên thương cách riêng. Quê hương vào thời gian này được mùa liên tiếp bảy năm liền. Thóc lúa, ngô khoai bội thu, đồng ruộng khô ráo. Vì vậy việc xây dựng nhà thờ bớt được rất nhiều khó khăn, tạo nhiệu thuận lợi cho việc thi công nhanh chóng.
 * THỜI KỲ TÁI KIẾN THIẾT LẠI THÁNH ĐƯỜNG GIÁO XỨ BÚT ĐÔNG (2012 - 2015)
Từ đầu tháng 11 năm 2012 Thánh đường Giáo xứ bắt đầu khởi công chuẩn bị công cuộc kiến thiết lại nhà Chúa và dự trù cuối năm 2015 có thể khánh thành ngôi Thánh đường Giáo xứ Bút Đông (khoảng 03 năm).
* LỜI KÊU GỌI XIN CẦU NGUYỆN VÀ TRỢ GIÚP TỪ QUÊ HƯƠNG XỨ BÚT ĐÔNG
Ngôi Thánh đường cổ  kính Giáo xứ Bút Đông trước khi kiến thiết lại. 
(từ năm 1920 đến tháng 10 năm 2012 - Với tuổi thọ gần 100 năm tồn tại)
Nội thất Thánh đường Giáo xứ Bút Đông trước khi xây cất (tháng 10 năm 2012)
Thánh đường Giáo xứ Bút Đông trong giai đoạn chuẩn bị xây cất (tháng 11 năm 2012)
 Thánh đường Giáo xứ Bút Đông trong giai đoạn tháo dỡ để xây cất (tháng 11 năm 2012)

THƯ CÁM ƠN CỦA ĐẠI DIỆN HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ BÚT ĐÔNG 
 NĂM 2013
KHI GIỚI THIỆU VỀ GIÁO XỨ BÚT ĐÔNG THÌ KHÔNG THỂ QUÊN NHẮC ĐẾN TU VIỆN MẾN THÁNH GIÁ BÚT ĐÔNG.
Tu viện Mến Thánh Giá đã được tạo dựng từ những năm đầu sơ khai ra nhà xứ Bút Đông. Khi Thánh đường cổ xây dựng kiểu Á Đông được khánh thành năm 1883. Thì Tu viện Mến Thánh Giá Bút Đông đã hiện diện cùng với giáo xứ Bút Đông rồi (vào năm 1840).
Đức Cha Lambert De La Motter
Giám mục Tiên khởi Giáo phận Đàng trong
Đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam (1624 - 1679)

I. LỊCH SỬ KHAI SINH TU VIỆN MẾN THÁNH GIÁ BÚT ĐÔNG
1. Cội nguồn Dòng Mến Thánh Giá
Đức Giáo Hoàng Alexandre VII (1655 - 1667), qua đoản sắc Super Cathedram được ấn ký ngày 09/9/1659, đã quyết định thiết lập hai giáo phận tại miền đất truyền giáo Việt Nam và đặt hai vị thừa sai thuộc Hội Truyền Giáo Paris (MEP) làm Đại diện Tông Toà. Hai giáo phận đầu tiên của giáo hội Việt Nam có tên là Đàng Trong và Đàng Ngoài, lần lượt từ sông Gianh trở xuống miền Nam là Đàng Trong và từ sông Gianh trở lên miền Bắc là Đàng Ngoài. Hai vị Đại diện Tông Toà là Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte coi sóc giáo phận Đàng Trong và Đức Cha Phanxicô Pallu coi sóc giáo phận Đàng Ngoài. Nhưng vì Đức Cha Phanxicô không thể đến được với giáo phận của mình, nên Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte được coi là vị Giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt Nam.
Đức Cha Phêrô Maria Lambert de la Motte được tấn phong ngày 11/6/1660 tại Paris và một tuần sau ngài lên đường sang Viễn Đông. Ngài đến Juthia (thủ đô nước Thái Lan thời bấy giờ) ngày 22/8/1662. Nhưng phải đến 07 năm sau, ngài mới có thể thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của ngài. Trong chuyến kinh lý đầu tiên đó, diễn ra từ 30/8/1669 đến 14/3/1970, ngài đến với giáo phận Đàng Ngoài, thay Đức cha François Pallu. Ngài thấy có một nhóm các trinh nữ sống chung với nhau, cho được tập đi đàng nhân đức. Sau khi Đức Cha tìm hiểu kỹ lưỡng nhóm các trinh nữ này, Đức Cha mạnh dạn quyết định chính thức thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá đầu tiên cho người Việt Nam tại làng Kiên Lao (tỉnh Nam Định, ngày nay thuộc giáo phận Bùi Chu) và Bái Vàng (Hà Tây, ngày nay thuộc giáo phận Hà Nội).
Vào ngày 19/02/1670, Đức Cha đã chủ sự lễ khấn của hai nữ tu đầu tiên là bà Anê và Paula ở tại Phố Hiến (nay là tỉnh Hưng Yên) trên một chiếc thuyền, neo tại sông Hồng, đối diện với làng Bái Vàng (thuộc địa phận Hà Nội, tỉnh Hà Tây) và trao cho hai nữ tu này bản luật do Ngài soạn thảo.
Nữ tu Anê là Bề Trên Tu Viện Bái Vàng; Nữ tu Paula là Bề Trên Tu Viện Kiên Lao. Ngày khấn của họ nhằm ngày Lễ Tro, mở đầu Mùa Chay Thánh.
Đó là ngày chính thức khai sinh Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam, "một ngày trong tiết xuân Canh Tuất, đời Vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị thứ 08, chúa là Minh Đô Vương Trịnh Tạc".
Đây là dòng nữ tu đầu tiên mang bản sắc Á Đông, vừa chiêm niệm vừa hoạt động, có lời khấn, sống thành cộng đoàn theo một bản luật, trực thuộc Đấng Bản quyền sở tại và hướng về việc truyền giáo cho lương dân. Ý định này của Đấng Sáng Lập đã được Công Đồng Đông Dương năm 1934 xác nhận (CĐĐD 105-106).
2. Thời kỳ khai sinh Tu viện Mến Thánh Giá Bút Đông
a. Sự hình thành
Trong thời gian khai lập nhà dòng cũng là thời gian Đạo Công giáo đang ở thời kỳ phong kiến (Triều đại vua Tự Đức) một thời đại bách hại Đạo Công giáo ráo riết. Vào năm 1840 Tu viện Bái Vàng tách ra, thành lập thêm Tu viện Mến Thánh Giá tại xứ Bút Đông. Thời kỳ đó, xứ ta vẫn còn là một họ đạo trực thuộc xứ Bái Vàng (Nhà Dòng Mến Thánh Giá Bái Vàng thuộc Địa phận Hà Nội vẫn được coi là nhà Tổ của Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam).
b. Quan Thầy của Tu viện Mến Thánh Giá Bút Đông 
Tu viện Mến Thánh Giá Bút Đông nhận Thánh Têrêsa - Giêsu (Thành Avila trinh nữ Tiến sĩ Hội thánh) làm đấng Quan Thầy. Cứ vào ngày 15/10 hàng năm là ngày Lễ kính Quan Thày của tu viện.
Thánh Têrêsa Giêsu (Thành Avila trinh nữ Tiến sỹ Hội Thánh)
c. Sự phát triển và khó khăn chung của nhà dòng Mến Thánh Giá.
Đầu thế kỷ 20, năm 1901 khi phân chia địa phận Phát Diệm ra khỏi địa phận Hà Nội. Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội có 16 cộng đoàn:
- Tỉnh Hà Tây: Bái Vàng, Kẻ Sải, Kẻ Nghệ, Kẻ Vồi.
- Tỉnh Hà Nam: Kẻ Sở, Bích Trì, Kiện Khê, Kẻ Tâng, Kẻ Non, Đạo Truyền, Phú Đa, Công Xá, Bút Đông.
- Tỉnh Nam Định: Kẻ Vĩnh, Kẻ Báng, Trình Xuyên.
Nhìn lịch sử hình thành và phát triển của hội dòng, cho ta thấy rằng các nữ tu Mến Thánh Giá đã trải qua một đêm dài khủng khiếp. Từ những năm cuối thế kỷ 17 đến những năm đầu thế kỷ 20. Với biết bao thử thách nội bộ (như không được giáo quyền nhiều nơi công nhận và nâng đỡ) và những thử thách khách quan (đó là các cuộc bách hại đạo đã làm đổ máu của biết bao nhiêu chị em Mến Thánh Giá).
Có thể nói, chỉ từ sau ngày Bộ Giáo Luật được Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XV ban hành vào năm 1917, Dòng Mến Thánh Giá mới bắt đầu có được một vị trí xứng hợp, khi các chị em được chính thức công nhận là nữ tu mặc dầu chỉ có lời khấn đơn và sống giữa lòng xã hội, vì trước đó họ chỉ được coi là những phụ nữ thuộc hội đạo đức mà thôi.
Rồi trải qua những cải tổ, cải cách. Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam nói chung và Tu viện Mến Thánh Giá Bút Đông nói riêng, dần dần đi vào nề nếp qui củ. Nhiều Hội Dòng Mến Thánh Giá được chính thức thành lập trên cả 03 miền đất nước, nghĩa là qua những cuộc cải tổ để có nghi thức khấn tạm và vĩnh viễn, cũng như có qui định về tu phục.
Đức HY. Giuse Maria Trịnh Văn Căn và các Ma-soeur Dòng Mến Thánh Giá 
(Hà Nội 14/9/1983)Đức HY. Giuse Maria Trịnh Văn Căn và lớp khấn trọn đầu tiên 
Trong ngày lễ Suy tôn Thánh Giá (14/9/1983)
d. Công cuộc cải tổ và cải cách
* Cải tổ lần 1: Năm 1936, Đức cha F. Chaize (Thịnh) nhờ dòng Nữ Kinh Sĩ Augustin giúp huấn luyện các chị Mến Thánh Giá để khấn theo Giáo luật, nhưng chỉ chọn một số chị trẻ trong các nhà. Như thế dòng Mến Thánh Giá Hà Nội từ năm 1941, có hai nhánh: một nhánh cải tổ có lời khấn theo Giáo luật (năm 1954, di cư vào Nam, nay là dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm), một nhánh vẫn giữ lời khấn tư như trước.
* Cải tổ lần 2: Năm 1954, Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê, giám mục Hà Nội, đã nhờ dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm giúp cải tổ lần 02 cho toàn dòng. Khi Đức cha xin phê chuẩn luật mới, Toà Thánh xác định: dòng đã cải tổ một lần, nếu cải tổ lần thứ hai thì phải đổi tên. Chị em Mến Thánh Giá không muốn đổi tên, nên việc cải tổ lần này không tiến hành nữa.
Nhà Mẹ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội: Trước kia dòng chỉ hoạt động ở nông thôn. Năm 1954, xảy ra cuộc di cư, các dòng khác ở Hà Nội hầu hết vào Nam. Theo ý bề trên địa phận, số chị em dòng Mến Thánh Giá đã cải tổ cũng di cư vào Nam, còn các chị em Mến Thánh Giá giữ lời khấn tư vẫn ở lại với địa phận để giúp việc truyền giáo. Vì vậy, hầu hết các nhà Mến Thánh Giá ở rải rác khắp địa phận hiện nay vẫn còn, chỉ mất nhà Tiên và nhà Sải. Đức cha gọi một số chị em Mến Thánh Giá từ các nhà nhánh về Hà Nội sinh hoạt, tại hai cơ sở:
- 72 Nguyễn Thái Học – Hà Nội được lập thành Nhà Mẹ của dòng.
- 31 Nhà Chung – Hà Nội là nơi tiếp nhận các ơn gọi mới.
Năm 1960, Nhà nước trưng dụng căn nhà số 72 Nguyễn Thái Học – Hà Nội để làm bệnh viện. Các chị ở đây phải chuyển về sinh hoạt tại: 31 Nhà Chung – Hà Nội năm 1965, nhà nước lại trưng dụng thêm một phần lớn nhà này, chỉ dành cho chị em Mến Thánh Giá một phần nhỏ. Lý do đó Bề trên đã sáp nhập chị em của hai cơ sở tại Hà Nội thành một cộng đoàn chung là Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội. Từ nay nhà dòng trở thành nhà Mẹ của tu hội.
* Cải tổ lần 3: Năm 1978, Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn lên cai quản địa phận, ngài thực hiện ý định đã ấp ủ từ lâu là cải tổ cho chị em Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội khấn theo Giáo luật. Ngài tiến hành xin phép Toà Thánh làm luật mới, để chị em học hỏi và thi hành.
3. Đặc sủng Dòng Mến Thánh Giá
Ơn gọi sống đời thánh hiến trong Dòng Mến Thánh Giá là quà tặng cao quý của Thiên Chúa, làm cho người nữ tu thông dự vào linh đạo và đặc sủng của Đấng Sáng Lập bằng cách:
- Hướng trọn lòng trí và cuộc sống về "Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất".
- Sống sứ vụ tông đồ thừa sai để loan báo Phúc âm cho các dân tộc và góp phần xây dựng Giáo Hội địa phương. Đặc sủng của Dòng thể hiện trong mục đích và sứ mạng, được mỗi chị em đón nhận và thi hành, sẽ giúp chị em sống hạnh phúc trong khi dấn thân phục vụ tha nhân để làm vinh danh Thiên Chúa.
4. Mục đích Dòng Mến Thánh Giá
Mục đích Dòng Mến Thánh Giá là đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô, bằng việc chuyên chú suy niệm, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người. Chị em Mến Thánh Giá được mời gọi thông dự vào tinh thần trung gian của Đức Giêsu Kitô, và tiếp nối sứ mạng cứu độ của Người, bằng việc chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống:
- Chị em tha thiết cầu xin ơn hoán cải cho lương dân và những tín hữu sống xa lìa Thiên Chúa…
- Chị em dấn thân phục vụ ưu tiên giới nữ, giới trẻ trong lãnh vực văn hóa, xã hội, y tế, luân lý và đức tin.
5. Tinh thần Dòng Mến Thánh Giá
Tinh thần Dòng Mến Thánh Giá được hàm chứa trong chính tên gọi do Đấng Sáng Lập chọn. Đó là tinh thần khổ chế, hy sinh vì tình yêu:
- Yêu Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh trên Thánh Giá, Đấng đã thí mạng sống vì tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Cha và nhân loại;
- Yêu Thánh Giá của Người và sẵn sàng đón nhận thập giá của bản thân với xác tín: chúng ta hoàn tất nơi thân xác những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho Thân Mình Người là Hội Thánh.
Lòng yêu mến ấy:
+ Liên kết chị em cách đặc biệt với công trình cứu độ của Đức Kitô;
+ Phát huy tinh thần liên đới với những nỗi khổ đau của đồng loại;
+ Lấp đầy tâm hồn chị em bằng niềm vui và hy vọng, xuất phát từ lòng tin vào mầu nhiệm Phục sinh.
6. Đặc tính Dòng Mến Thánh Giá
Phát sinh từ lòng dân tộc và gắn bó với Giáo Hội địa phương, nhằm bổ túc cho sứ vụ của hàng giáo sĩ trong những công việc phù hợp với đức tính của người nữ tu, chị em Mến Thánh Giá được mời gọi:
- Sống tinh thần Nadarét trong thái độ kiên trì cầu nguyện, yêu thích trầm lặng, lao động chuyên chăm, bác ái cụ thể;
- Đồng thời phát huy những nét riêng của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, trung hậu, quả cảm…, quên mình trong cuộc đời hiến dâng, để sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và phục vụ hạnh phúc của mọi người.
7. Huấn luyện trong Dòng Mến Thánh Giá
- Đối với nữ tu Mến Thánh Giá, huấn luyện là hành trình liên tục bước theo Đức Kitô dưới tác động của Chúa Thánh Thần: từng bước chết đi đối với tinh thần thế gian là xu hướng sống theo giác quan, bản năng và lý trí tự nhiên, để chỉ sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Đấng Cứu Thế.
Đức Cha Lambert đặc biệt quan tâm đến huấn luyện và mong muốn các chị hữu trách cũng như mỗi chị em:
+ Nhận thức đầy đủ về sự cao quý và lợi ích lớn lao của ơn gọi tu trì đối với bản thân và Giáo Hội;
+ Quý trọng từng người chị em được Thiên Chúa kêu gọi như một kho tàng thánh thiêng Người ký thác cho Hội Dòng;
+ Khắc ghi vào tâm trí mỗi người đặc sủng và linh đạo của Đấng Sáng Lập Dòng.
- Việc huấn luyện trong Dòng Mến Thánh Giá bao gồm bốn khía cạnh: nhân bản, Kitô hữu, tu sĩ và nữ tu Mến Thánh Giá.
- Huấn luyện là một hình trình duy nhất, qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng vẫn giữ tính chất liên tục và tiện tiến:
+ Huấn luyện khởi đầu: Đệ tử viện, Tiền tập viện, Tập viện, Học viện mang những đặc tính riêng biệt, nhằm giúp các ứng sinh xác định ơn gọi, học tập đời tu và quyết định dứt khoát hướng đi cho đời mình.
+ Huấn luyện thường xuyên nhằm giúp tất cả chị em tiếp tục đào sâu đời sống tu trì, đặc biệt về mặt thiêng liêng và tông đồ, để chị em có thêm khả năng phục vụ Giáo Hội và xã hội, sống hạnh phúc trong đời thánh hiến, chuẩn bị “bước vào ngày trọng đại của đời sống vĩnh cửu”.
II. NHỮNG BƯỚC THĂNG TIẾN CỦA DÒNG MẾN THÁNH GIÁ BÚT ĐÔNG
(TỪ NĂM 1840 ĐẾN 2014)
a. Lịch sử thăng trầm của Dòng Mến Thánh Giá Bút Đông
Giai đoạn đầu tiên nhà dòng xây được 06 gian nhà nguyện, gồm có: 16 nữ tu, bà Kính và bà Hiền làm chị cả. Giai đoạn này mới hình thành là một cộng đoàn Mến Thánh Giá Bút Đông.
- Cho mãi đến thời kỳ năm 1945 đến năm 1951 nhà dòng phát triển mạnh. Có giai đoạn nhân sự nhà dòng lên đến khoảng 50 người với 40 mẫu ruộng để canh tác trồng lúa và tăng gia thêm nghề kéo tơ dệt lụa. Dùng làm phương tiện sinh hoạt cộng đồng. Trong giai đoạn này đủ điều kiện để hình thành một tu viện của dòng Mến Thánh Giá. Thời gian này được mang tên Dòng Mến Thánh Giá Bút Đông có tính chất qui củ và nề nếp.
- Đến năm 1952 Pháp thả bom vào trúng phía Tây Bắc nhà dòng làm nhà cửa tan nát, hư hỏng nặng.
- Năm 1954 một số đi sang nhà dòng khác, còn một số đi di cư vào Nam.
- Năm 1955 đến 1956, nhà Nước giảm tô cải cách ruộng đất, tịch thu hết ruộng canh tác của nhà dòng. Lúc này nhà dòng còn 04 bà đã có tuổi, sau đó có 02 bà đã qua đời. Mẹ bề trên nhà dòng tiếp tục cho các chị em về giúp, nhưng bi cấm cách xua đuổi. Nên chỉ còn 04 đến 06 nữ tu còn ở lại thường xuyên trong dòng.
- Mãi đến năm 1990 chính quyền địa phương tương đối cởi mở hơn. Nên chị em đến tu trì tương đối dễ dàng hơn trước. Đã giúp nhà dòng làm lại nhà ở và sửa chữa nhà nguyện.
b. Tổ chức nhân sự
Hiện nay tu viện mới được hồi sinh, sự phát triển còn chậm nhiều phụ thuộc, nhất là về mặt tài chính. Tu viện được duy trì với tên gọi là Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Bút Đông. Trực thuộc vào nhà dòng mẹ Mến Thánh Giá Hà Nội, tại số 31 Nhà Chung - Hà Nội.
Ma-soeur Maria Trần Thị Hương (2015)
Hiện nay nhân sự Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Bút Đông có được 11 người, mỗi người giúp xứ đạo một khóa là 05 năm.
1. Maria Trần Thị Hương      : Chị cả của tu viện Mến Thánh Giá Bút Đông
2. Maria Đỗ Thị Thọ              : Phó kiêm thủ quỹ
3. Anna Nguyễn Thị Thủy      : Thư ký
4. Maria Nguyễn Thị Quyết   : Ở từ lúc nhà dòng có nhiều khó khăn bị ngăn trở (khoảng 80 tuổi)
5. Maria Nguyễn Thị Liệu     : Y tá bán thuốc và chữa bệnh
6. Maria Nguyễn Thị Duyên và 05 em khác đang trong thời kỳ tu tập.
c. Cơ sở vật chất và hoạt động chuyên ngành
*  Một nhà nguyện dành cho các sơ tĩnh tâm cầu nguyện;
*  Một phòng nhỏ riêng biệt làm nơi tưởng niệm Thánh Ven;
*  Một ngôi nhà dùng làm nơi coi trẻ bán trú;
*  Một nhà bán thuốc và chăm sóc chữa bệnh.
d. Mục vụ tông đồ:
Hằng ngày các chị em trông coi giữ trẻ làm việc Tông Đồ và dạy kinh bổn. Dù vật chất còn thiếu thốn công việc phục vụ bộn bề vất vả nhưng các chị em luôn vui vẻ làm việc bổn phận mình.
e. Thư ngỏ của Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Bút Đông xin cầu nguyện và trợ giúp.
Bà con trong Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Cảm tạ Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Đã trở về quê hương tham dự Thánh lễ Cung hiến nhà thờ giáo xứ Bút Đông vào ngày 05 tháng 11 năm 2015. Đồng thời đến thăm Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Bút Đông cầu nguyện và gửi số tiền đã quyên góp được trong năm 2015 đến cộng đoàn, do Ma-soeur Maria Trần Thị Hương (chị cả Cộng đoàn Mến Thánh Giá Bút Đông) đại diện tiếp nhận với số tiền là: Ba mươi triệu đồng và cá nhân chị Nguyễn Thị Dzị (ỏ hải ngoại) gửi ủng hộ hai trăm đô la Mỹ. Góp phần nhỏ bé trong cuộc tu tạo lại nhà Chúa ngày càng tốt đẹp hơn. Đi cùng đoàn đồng hương miền Nam có bà cố Caterina di Siena Nguyễn Thị Tập (Mạo) và Linh mục Giuse Nguyễn Mạnh Đạt (SDB) và một sô bà con đại diện cũng đã có mặt trong buổi giao lưu với quý Soeur.
Bà con trong Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn chụp hình lưu niệm (05/11/2015)
Trước bia tưởng niệm Thánh Gioan Thêôphanô Vênađô Ven (St. Jean Théophane Vénard Ven)
f. Những hình ảnh cơ sở vật chất Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Bút Đông
Cổng Tu viện Mến Thánh Giá Bút Đông (năm 2014)
Nhà chăm sóc trẻ mẫu giáo (ở bán trú)
Khuôn viên nhà dòng Mến Thánh Giá (năm 2014)
Nhà khám chữa bệnh và bán thuốc điều trị (năm 2014)
Nhà nguyện của tu viện Mến Thánh Giá (năm 2014)
Nhà tưởng niệm Thánh Ven (năm 2014)
Bia tưởng niệm Thánh Gioan Thêôphan Vénard Ven
III. NHẬN ĐỊNH
1. Nhìn chung
Dòng Mến Thánh Giá - Bút Đông, từ khi được thành lập năm 1840 đến năm 2014 được 174 năm, mặc dù trải qua nhiều khó khăn nhưng nay vẫn tồn tại, mỗi ngày một thăng tiến cả về số lượng, chất lượng và cơ sở vật chất ngày càng phát triển hơn. Được nảy sinh từ cánh đồng thấm nhuần máu các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam. Dòng Mến Thánh Giá Bút Đông có truyện tích vể Thánh Gioan Thêôphan Vénard Ven Tử Vì Đạo. Vào năm 1858 Ngài đã đến Tu viện Mến Thánh Giá - Bút Đông, ẩn tránh cuộc bách hại Đạo thời vua Tự Đức. Trích dẫn một giai thoại như sau:
“Trong một bức thư gửi cho bạn, cha Gioan Vénard Ven đã viết: Một lần tôi và Đức Cha Theurel Phan cùng ẩn núp trong bức tường giả giữa hai ngôi nhà trong Tu Viện Mến Thánh Giá - Bút Đông, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, chứng kiến cảnh quân đội xông vào Tu Viện trong suốt 04 tiếng đồng hồ, bắt trói các nữ tu, đánh đập họ để điều tra chỗ hai vị Thừa Sai ngoại quốc ấn núp. Trong khi đó nhóm khác đi sục sạo hết mọi nơi mọi xó tịch thu của cải. Núp đàng sau vách tường, chúng tôi nín hơi không dám thở, mãi cho đến sáng khi gà gáy một viên chức trong họ Đạo mời được họ về nhà ông ăn sáng. Chúng tôi lén sang trọ nhà một bà cụ già suốt 03 tuần lễ, thu mình trong một căn phòng đen tối. Nhưng rồi một buổi sáng tinh sương nhà chúng tôi ẩn trú đã bị bao vây. Thì ra một giáo gian đã chủ mưu, biết rõ chúng tôi đang ở trong họ Đạo nên đã đi tố cáo và dẫn quân lính về đạp đổ hết mọi đồ đạc trong nhà. Một bức tường xa chúng tôi chừng ba thước đã sụp đổ, nhưng Chúa đã che mắt họ không nhìn thấy chúng tôi…Chúng tôi phải ẩn trong 04 bức tường chật hẹp, đầu thì chạm mái nhà, chung quanh thì dụng phải màng nhện, phân chuột hôi hám. Bên ngoài thì nghe toàn những hung tín, linh mục bị bắt, bị hành quyết, các họ Đạo tan rã, người Công giáo bị phân tán vào trong các làng lương, nhiều giáo dân chối đạo. Những người còn trung thành thì bị đầy lên rừng núi, chết chóc. Không biết rồi tình thế này còn kéo dài tới bao giờ! Thú thật, phải có ơn riêng, một ân sủng đặc biệt mới khỏi lâm vào cảnh khùng điên, thất vọng” (Xem Tiểu Sử 117 Thánh Tử Đạo tr.233, của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ - Ngày 25/11/1985: Ông được Đức HY. Giuse Maria Trịnh Văn Căn giao nhiệm vụ, làm Cáo Thỉnh viên vụ án Phong Thánh và Chân Phước gồm: 118 Vị Tử Đạo tại Việt Nam).
2. Về tổ chức và sinh hoạt
Đã thu xếp cho chị em học thêm các chuyên ngành như: Sư phạm mẫu giáo; Y học; Ngoại ngữ; Tin học…Mở các lớp: Mầm non, Giáo lý trẻ em, Giáo lý hôn nhân, Giáo lý tân tòng, Ca đoàn, nuôi người già cô đơn, khuyết tật, đưa Mình Thánh Chúa cho những người già, người bệnh; thăm viếng an ủi người già cô đơn bị bỏ rơi. Tham gia chăm sóc bệnh nhân, truyền thông HIV - AIDS.
Thánh lễ Khai giảng Lớp Mầm non tại Tu viện Mến Thánh Giá
Năm học 2014 - 2015
THÁNH LỄ TẠ ƠN
KỶ NIỆM 25 NĂM KHẤN DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

Kỷ niệm 25 năm khấn dòng Mến Thánh Giá (Soeur Ngắm)
3. Những điểm còn quan ngại
Những điểm hoạt động nơi các giáo xứ, lượng công việc nhiều, nhân sự ít. Cơ sở vật chất của tu viện còn lạc hậu, tuy đã được cải thiện nhiều so với các thập niên trước bị ngăn trở. Nhưng để phát triển hơn, tu viện còn thiếu thốn các trang thiết bị, cơ sở vật chất. Để phục vụ công ích giáo xứ, cho xã hội nói chung. Đang cố gắng tìm phương án để chị em làm mục vụ, mà không sao nhãng đời sống tâm linh, đời sống Thánh hiến.
4. Địa chỉ nhà mẹ Mến Thánh Giá
31 Nhà Chung – Hà Nội. ĐT: 048287061 – 048248643
Bề trên đương nhiệm: Nt. Têrêxa Nguyễn Thị Ngọc Lâm, sinh ngày 15 tháng 3 năm 1935, khấn tư 08/12/1959 và khấn dòng 14/9/1983.
* BÊN CẠNH CÁC THÁNH ĐƯỜNG VÀ TU VIỆN THUỘC GIÁO XỨ BÚT ĐÔNG CÒN CÓ CÁC NHÀ NGUYỆN
1. NHÀ NGUYỆN THÁNH AN-TÔN - BÚT ĐÔNG
Nhà nguyện ông thánh An-Tôn nằm về phía nam nhà thờ xứ thuộc thôn Phúc Thành trực thuộc xứ Bút Đông nay gọi là Bút Đông 3.
Nhà nguyện ông thánh An Tôn - Bút Đông (năm 2014)
Ngày 17/3/2000 cụ Trịnh Văn Thục sinh năm 1919 và cụ Trịnh Văn Thuận sinh năm 1920, hai cụ đều ở Thôn Phúc Thành kể về tiểu sử ngôi nhà nguyện Thánh An-Tôn như sau:
- Khu đất xây dựng nhà nguyện Thánh An-Tôn trước đây là khu đất hoang bỏ trống do thôn Phúc Thành quản lý. Các cụ ở thôn xóm này thấy các người ăn mày, ăn xin các nơi tối đến tụ tập về đây đông quá, tối đến không có chỗ trọ ngủ qua đêm, với tấm lòng kính Chúa yêu người, các cụ trong thôn cùng nhau góp tre tranh lợp, tạo dựng lên ba gian nhà tranh nữa lá, để giúp họ có chỗ ngủ qua đêm. Đến năm 1947 nạn đói đã bớt dần, các người ăn mày không quay về ngủ trọ tại đây nữa, các cụ Ký Khánh, cụ giáo Xương, cụ trùm Hữu, xin phép cha xứ, lúc đó là cha già Đức đang cai quản xứ, để xây dựng nhà nguyện và cử cụ Minh làm thư ký sổ sách, các cụ nhận Thánh An-Tôn làm quan quan thầy. Các bộ xã thuộc chính quyền Việt nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó là ông Trần Văn Tạ người thôn Đông nội cũng theo đạo Thiên Chúa giáo, nên ông đồng ý cấp giấy phép xây dựng nhà nguyện Thánh An-Tôn.
- Kinh phí xây dựng do cụ Trùm Là và cụ Quản Hùng cung cấp phần lớn, còn thiếu bao nhiêu các cụ tổ chức đi vận động làng xứ. Rất nhiều người ủng hộ, người góp công, kẻ giúp tiền nên việc thi công gặp nhiều thuận lợi. Trong hai năm đã hoàn thành mọi công việc, khánh thành năm 1949.
- Vật liệu như gỗ, gạch ngói, mua của cụ Tín lúc đó cụ ở bên tỉnh Hưng Yên, hiện nay cụ gần 100 tuổi còn sống đang ở số nhà 72 Nguyễn Thiếp, cạnh chợ Đồng Xuân - Hà Nội, cụ theo đạo Phật Giáo. Nhưng cụ có lòng hảo tâm ủng hộ nhà thờ một số tiền, khi thanh toán tiền vật liệu còn thiếu là cụ ủng hộ ngay. Bản thiết kế nhà nguyện do cụ Lãng dâng hiến, cụ Lãng quê ở vùng biển, nhưng làm rể xứ Bút Đông.
- Kế thừa những tấm lòng cao cả và công lao tạo dựng của các cụ để lại. Ngày nay, được sự quan tâm tích cực của giáo dân nơi đây đứng đầu là ban kiến thiết và chính quyền thôn Phúc Thành, đã đứng ra quyên góp nhân dân để kiến thiết xây dựng cảnh quan, ngoại thất, sân vườn khá đẹp. Xây dựng được nhà tiếp khách, kiên cố rộng trên 20m2. San lấp được ao cừ mặt trước nhà thờ. Do ông Thuận và bà Văn Bổng dâng tiến, để kiến thiết thành sân vườn, cây cảnh, tượng thánh…
- Một số các ông, bà đang sống xa quê hương như: Hà Nội cũng tiến dâng đèn chum, đèn cây, ở miền Nam một số anh chị em tưởng nhớ tới quê hương, cũng đã đang vận động quyên góp kinh phí để sửa chữa những chổ trong nội thất nhà nguyện, đang có nguy cơ hư hỏng nặng, giúp cho nhà nguyện Thánh An-tôn được bền vững và khang trang hơn.
2. NHÀ NGUYỆN  THÁNH GIUSE - BÚT ĐÔNG
Vào khoảng năm 1830 khi ôn dịch phát sinh trên toàn thế giới người dân làng Bút Đông đã xây đựng đền để cầu xin Thánh Giuse che chở cho dân làng.

Nhà nguyện Thánh Giuse - Bút Đông (năm 2014)
* Đền Thánh Giuse được xây dựng ở phía Đông Nam nhà thờ xứ Bút Đông, cạnh sát con đường liên Thôn, ở khoảng giữa con đường nối liền từ vườn Thánh (Nhĩa trang) Giáo xứ, từ thôn Phúc Thành đến thôn Đông Nội. Có diện tích mặt nền khoảng 1000m2, vào năm 1989 dân làng đòi lại được cái ao trước là của đền (7 sào), để canh tác góp thêm kinh phí tu sửa đền hằng năm. Ban đầu đền được làm bằng mái tranh, vách gỗ.
* Đến năm 1937 mới xây dựng lại theo kiểu kiến trúc Gô-Tích, với năm tháp tròn, mô phỏng một ngôi đền Thánh La Mã.
* Theo dòng thời gian nền đã bị sụt lún cho đến năm 1990, dân làng mới có điều kiện để tháo gỡ ra, san bằng đổ nền bê tông xây lại toàn bộ cho kiên cố hơn. Cũng thời gian này, bà Khoắc ở bên Đức tài trợ được 2.000 Euro, để xây dựng xung quanh và làm lại cánh cổng bằng sắt đẹp hơn.
* Các cụ tương truyền lại rằng: Đây là vùng đất "Thiên Mạc" có hình thể mấp mô. Theo phong thủy trong đó có 09 mô đất, thì đền được xây dựng trên thế mô Nhạn, có tên gọi là Cửu Bạch đầu đàn, có nghĩa là điểm ở vị trí số một của chín con Nhạn trắng. Quả thật vậy đền Thánh Giuse cao nhất, đẹp nhất như con mắt của "Nhạn bạch đầu đàn" dâng kính Thánh Giuse là vị Thiên Hoàng làng Bút Đông.
* Bên cạnh đền có giếng nước trong, dân làng quen gọi là giếng Đền, xưa kia là nơi cung cấp nước ăn cho cả dân làng. Nhiều thầy địa lý đã chiêm niệm đây là mạch giếng linh thiêng.
* Đền còn có cây gạo còng, cây cổ thụ to và cao nhất trong khu vực. Cây gạo có trước từ khi xây đền Thánh. Khi cây còn nhỏ do mưa bão làm bị đổ, dân làng chưa kịp dựng lên, thì nó đã tự vươn ngọn theo thế đứng và cứ thế to cao (như hình bên dưới). Về kỹ thuật bon-sai thì cây cổ thụ có thế Bạt Phong hồi đầu.
Cây gạo còng ở đền Thánh Giuse - Bút Đông (năm 2003)
* Ngoài ra, trước cửa đền Thánh Giuse có cây Thánh Giá hiện hữu như ngày nay, với niên hiệu năm 1893. So với việc xây dựng đền Thánh Giuse năm 1990 thì đã có trước 07 năm. Sự thật về nguồn gốc cây Thánh Giá có niên hiệu năm 1893, trước đây được dựng tại vườn Thánh Bút Đông (Nghĩa trang của Giáo xứ Bút Đông). Nhưng khi cha Khảm dâng cho dân làng cây Thánh Giá lớn, có niên hiệu năm 1907 để đặt trong khuôn viên đền Thánh Giuse thì không hợp lý, do không cân đối với không gian khuôn viên của đền. Chính vậy dân làng mới đổi cây Thánh Giá ở vườn Thánh có niên hiệu năm 1893 về đặt tại khuôn viên của Đền, còn cây Thánh Giá lớn có niên hiệu năm 1907, thì đặt tại vườn Thánh cho đến tận bây giờ.
* Bất cứ ai khi đến xứ Bút Đông, nếu hỏi về nơi chốn linh thiêng để xin ban ơn Thánh, thì chắc chắn sẽ được chỉ đến vùng đất có vị trí cao nhất của làng. Nơi đền Thánh Giuse tọa lạc có cây gạo còng to với độ tuổi thọ trên 150 năm. Nhưng nay đã bị sét đánh cháy không còn tồn tại nữa (vào khoảng năm 2003 vẫn còn).
 Đền Thánh Giuse rất linh thiêng. Do vậy, dân làng Bút Đông nói riêng, kể cả bà con lương giáo của các làng xung quanh và du khách thập phương nói chung, khi đến kêu xin Ngài đều được Ngài bầu cử chuyển lời cầu. Chưa bao giờ mọi người đến, có niềm tin cầu xin mà Ngài không trợ giúp. Bởi vậy không riêng người theo Đạo Công Giáo, mà cả những người theo lương giáo đều chạy đến cầu xin Ngài, có người còn dâng cả những đứa con của mình để Thánh Giuse phù trợ nâng đỡ. Hàng tháng người đến xin ơn và tạ ơn rất đông, nhất là vào ngày mừng kính Thánh Cả Giuse hằng năm.
3. NHÀ NGUYỆN ĐỨC MẸ MÂN CÔI - XÓM 5 DUYÊN GIANG
Nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi xóm 5 Duyên Giang nằm sát bên bờ tả ngạn con sông Châu Giang, cách nhà thờ xứ Bút Đông khoảng 2.5 km về phía Tây Nam, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy, trực thuộc xứ ngày nay gọi là Bút Đông 4.
Nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi - Duyên Giang (năm 2014) 
Ngày 18 và 19 tháng 3 năm 2000. Cụ Nguyễn Thị Vường sinh năm 1904 ở xóm 5 Duyên Giang và cụ Trịnh Văn Thuận, kể sự tích nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi như sau:
Khu đất để xây dụng nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi hiện nay là cha già Tư mua cho họ phường chài để xây cất nhà nguyện đọc kinh sớm tối. Những người phường chài đã cư ngụ nơi đây một thời gian khá lâu, tạo dựng lên được bốn gian nhà để tập trung đọc kinh. Tại đây đã có cụ già, trẻ nhỏ đương thời từ bỏ cõi trần về nơi an nghỉ. Họ lập được một vườn thánh nhỏ gần khu vực nhà thờ.
Đến năm 1922, thời gian này mưa to gió lớn, làm lụt lội đói kém khắp nơi, một số người phường chài không sinh sống trên dòng sông Châu Giang được nữa, họ di chuyển về Vạn Lương lập nghiệp, xây dựng thành họ Vạn Lương ngày nay.
Đến năm 1945 nạn đói lại kéo dài. Số người phường chài còn lại không ở đây nữa họ chuyển về làng Văn Phát sinh sống và xây dụng nhà thờ họ Văn Phái ngày nay, và trao trả lại mảnh đất nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi cho cha xứ là cha già Đức quản lý.
Vào thời điểm này, một số người ở thôn Đông Nội và Phúc Thành đến quanh khu vực nhà nguyện để mở mang trang trại lập nghiệp sinh sống. Các cụ xin cha xứ cho xây dựng lại nhà nguyện đã bị đổ nát, làm nơi đọc kinh cầu nguyện sớm tối. Đến năm 1948 nhà nguyện bị bom của Thực dân Pháp tàn phá, nhà nguyện Đức Mẹ bị phá hủy hoàn toàn. Một lần nữa nơi đây lại thành bãi đất trống. Đến năm 1950, một số các cụ trong xóm, đứng đầu là cụ cố Hoạt (bố của Đức Giám Mục Trịnh Chính Trực), cụ Bổn, cụ Hỏa, cụ Côn, xin cha xứ xây lại nhà nguyện, cha xứ đã đồng ý cho phép xây dựng, cha còn xin bề trên giúp đỡ được một số gỗ, xin ngói ở nhà Tràng Hoàng Nguyên. Các cụ lấy kiểu mẫu nhà thờ xứ Yên Mỹ để thi công xứ này cũng giúp đỡ rất nhiều cho các cụ xóm 5 này. Khi gần hoàn thành, còn dở dang một số công việc thì hết kinh phí, khả năng của dân xóm cạn kiệt, các cụ đã nghĩ ra được một số kế sách, để có tiền hoàn thành nhà nguyện bằng cách bán “Bộ hậu” (Bộ hậu là công việc về hậu sự). Mỗi người phụ nữ ở xóm 5 mua một suất hậu sự.
Loại 1 bằng 15 đồng, loại 2 bằng 12 đồng, ghi vào sổ bạ, khi nào các cụ qua đời thì thôn xóm phải xin lễ và đọc kinh cầu nguyện, thường là một lễ theo chân hoặc là một lễ mồ.Theo bước cha ông xưa, ngày nay với sự nỗ lực của các cụ trong ban kiến thiết, được sự đồng tình ủng hộ của giáo xứ, chính quyền đại phương. Giáo dân nơi đây đã tập trung đóng góp tiền của, công việc xây dựng hoàn thành được nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi mới, tuy còn nhỏ nhưng khá khang trang, ngoại thất sạch đẹp, có nhà tiếp khách để làm việc, nhất là vào dịp Lễ bổn mạng Giáo xứ Bút Đông. Đây cũng là niềm rất tự hào và ghi nhận. Ở cửa ngõ phía Tây Nam của giáo xứ, góp phần vào thành tích chung của quê hương Bút Đông vốn sống tốt đời, đẹp đạo.
NHÀ THỜ HỌ DUỆ CÁT
Nhà thờ họ Duệ Cát - Thôn Phúc Thành (năm 2014)
* Giới thiệu khái quát tiểu sử Thánh đường - Giáo họ Duệ Cát:
Nhà thờ họ Duệ Cát nằm ở đỉnh điểm phía nam nhà thờ xứ Bút Đông thuộc thôn Phúc Thành. Được xây dựng vào khoảng năm 1906 trực thuộc Giáo xứ Bút Đông và nhận ông Thánh Giuse là quan thầy, khu đất của xã Hòa Mạc quản lý (xã Hòa Mạc trước cũng có nhà thờ, gần nhà thờ Trại Trần bây giờ, nhưng đã bị mai một). Nhà thờ trước đây nằm trong địa danh của xã Hòa Mạc, nên thường gọi là nhà thờ xóm 1.
(Theo lời kể chuyện của cụ bà Nguyễn Thị Điểu sinh năm 1915, trú quán tại họ Duệ Cát, thôn Phúc Thành, kể về tiểu sử nhà thờ họ Duệ Cát - Ngày 22 tháng 3 năm 2000).
* Các vị có chức sắc trong giáo họ:
Tính từ năm 1906 cụ trùm họ đầu tiên là cụ Chánh Chàng, kế vị có cụ Hội Cẩm là quản giáo, ông xã Thức làm ông từ giáo họ. Thời gian kế tiếp về sau gồm các thế hệ trùm họ như: ô. Giuse Nguyễn Văn Viết - ô. Giuse Nguyễn Văn Lăng - ô. Antôn Nguyễn Văn Lục - ô. Giuse Lê Văn Khái - ô. Antôn Nguyễn Bá Ngôn.
Ngày 19/3/2003, Cha An-phong-sô Đích Nguyễn Ngọc Châu đã bổ nhiệm Ban Mục vụ mới gồm các ông bà: ô. Giuse Nguyễn Quốc Trí (Trưởng ban), ô. Phêrô Nguyễn Văn Bình (Phó ban), ô. Giuse Nguyễn Chí Dũng (Thư ký), ô. Giuse Nguyễn Văn Dũng (Thủ quỹ công trình), bà Anna Trần Thị Vẻ (Thủ quỹ nhà thờ). Hiện nay Ban Mục vụ được bà con giáo dân tín nhiệm vẫn được duy trì cho đến nay (2014).
* Cơ sở vật chất của các giai đoạn, xây dựng kiến thiết nhà thờ:
- Lúc đầu vào khoảng năm 1906 nhà thờ được xây dựng bao gồm: năm gian nhà mái lợp cỏ tranh, ván gỗ được ghép lại xung quanh. Được một thời gian ván bị mục nát, giáo dân trong họ phải sửa chữa lại bằng vách trát vôi rơm.
- Đến năm 1949 các cụ có kiến nghị tu sửa nhà thờ với cha Chính xứ Bút Đông Lm. Phêrô Trần Tiến Đức (cha già Đức), ngài đồng thuận trong việc tu sửa nhà Chúa. Do tài chính giáo dân lúc bấy giờ rất eo hẹp, ngài có xin bề trên hỗ trợ được một số mái ngói và gỗ, đem về sửa chữa sử dụng tạm, vì thế không được chắc chắn lắm.
- Vào khoảng năm 1963 khung gỗ nhà thờ đa phần bị mục và bị mối mọt, nên bị xiêu vẹo có nguy cơ bị sụp đổ nhà thờ. Do vậy toàn bộ giáo dân nơi đây đã cùng nhau đóng góp tiền của, công sức để xây lại nhà thờ được khang trang hơn. Vật liệu lợp mái như ngói, mua của ông Đô ở Kim Bảng. Chuông nhà thờ là do cha (già) Phêrô Tư đã xin được Bề trên ở Toà Thánh Vatican (La Mã) cung cấp (chuông nhà thờ họ Duệ Cát cùng thời với chuông nhà thờ họ Bút Kênh).
- Rồi qua dòng thời gian khoảng 37 năm trôi qua, cơ sở vật chất nhà thờ họ Duệ Cát cũng dần xuống cấp trầm trọng, không đủ an toàn cho bà con giáo đân đến đọc kinh cầu nguyện và tham dự các Thánh Lễ.
- Chính vì lẽ đó, vào ngày 11/5/2011 toàn thể bà con giáo dân đồng hành cùng Linh mục Chính xứ Bút Đông - Giuse Vũ Ngọc Ruẫn. Đã làm lễ động thổ xây dựng lại nhà thờ giáo họ Duệ Cát với quy mô như sau: Chiều dài nhà thờ: 24m, Chiều rộng : 7,2m và Chiều cao tháp chuông: 24m
* Tổng số nhân danh trong giáo họ hiện có tất cả: 90 nhân danh (2014)
* Qua 03 năm thi công, nhờ hồng ân Thiên Chúa, Thánh Cả Giuse vị quan thầy của Giáo họ phù hộ, cuối cùng bà con giáo dân cũng đã có được một ngôi nhà thờ mới, một nhà giáo lý, một tượng đài Đức Mẹ, một tượng đài Thánh Cả Giuse và khuôn viên nhà thờ rộng rãi khang trang đẹp đẽ như nhà thờ hiện nay (2014).
* Vào ngày 29/11/2014, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Tổng Giáo Phận Hà Nội, đã về ban phép và cắt băng khánh thành ngôi Thánh đường mới.
NHÀ THỜ HỌ BÚT CHỢ
Nhà thờ họ Bút Chợ nằm ở phía Tây Bắc Chính xứ Bút Đông trong khuôn viên mảnh đất rộng 6000m2. Khu đất này là do dân xóm đóng góp, nổi bật là hai chị: họ Phạm và họ Trần về đây lập nghiệp, đã dùng tiền của riêng để xây dụng nhà thờ họ và lấy tên là họ Bút Chợ. 
Nhà thờ họ Bút Chợ (năm 2014) 
Ngày 30/3/2000 cụ Trần Văn Khánh sinh năm 1929, trú quán tại xóm Bút Chợ, cụ kể theo di chỉ của các cụ tổ kể lại, về việc xây dựng nhà thờ họ Bút Chợ như sau:
Nhà thờ họ Bút Chợ có từ năm 1910, lúc đó là năm gian nhà gỗ, mái lợp tranh lá, nằm theo hướng nhà thờ xây hiện nay nhưng lui về phía sau. Nhà thờ lúc đó đã có cây Thánh Giá bằng đá cao 2m60, bề rộng thân Thánh Giá là 0.20m x 0.22m được đặt trên bệ xây phía trước nhà thờ, giáo dân lúc đó có 150 người tối sớm đọc kinh nguyện ngắm sốt sáng. Nhà thờ bằng gỗ này chỉ trụ vững được một thời gian ít lâu rồi bị sập đổ do bị mối mọt. Khu đất này bị bỏ không một thời gian, giáo dân bơ vơ phải đi đến các giáo họ khác để đọc kinh và rước lễ.
Đến năm 1926 các cụ đứng ra xin phép cha xứ để xây dựng lại nhà thờ, đứng đầu là cụ Giáo Bách, cụ Bình Lụa, cụ trùm Thảo, cụ trùm Thọ. Các cụ huy động mọi giáo dân trong họ phải đóng góp tre, luồng để đóng móng nhà thờ, rơm rạ để đốt nung gạch, lò gạch được bố trí nung, tại địa điểm xóm Cây Đa, vôi mua ở Kiện Khê chở thuyền về đến tận xóm rất  tiện lợi. Kinh phí do giáo dân đóng góp, số còn thiêu các cụ xin phép cha xứ cử người đi quyên góp trong toàn giáo xứ Bút Đông. Cụ Bách, thời gian này đang dạy học ở nhà Tràng Hoàng Nguyên, cụ thân quen với cụ Đốc Khanh rất giỏi về thiết kế. Vì vậy kiểu mẫu nhà thờ do cụ đốc Khanh giúp đỡ. Công trình xây dựng nhà thờ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu hụt về kinh phí, vì vậy công trình xây dựng kéo dài đến 07 năm. Đến năm 1933 mới được hoàn thành. Chuông nhà thờ cao 0.70m đường kính 0.60m có niên hiệu đúc năm 1921 do cha xứ ban tặng, nhưng cụ thể vào thời gian nào không ai còn nhớ.
Nhà thờ họ Bút Chợ ngày nay về ngoại thất đang bị sút kém, giáo dân không còn đông đúc như xưa. Ban kiến thiết và các cụ bô lão đang có kế hoạch vận động kinh phí để sửa sang lại sạch đẹp. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban ơn cách riêng để các vị sớm đạt được tâm nguyện tốt lành trên.
PHẦN IV
CÁC LINH MỤC TRỤ TRÌ VÀ CÁC DIỄN BIẾN LỊCH SỬ XỨ ĐẠO BÚT ĐÔNG
* TỪNG GIAI ĐOẠN CÁC LINH MỤC TRỤ TRÌ  - KỂ TỪ NĂM 1902 - 2014
1. Cha cố Huy: Linh mục chánh xứ Bái Vàng, làm Giám quan xứ Bút Đông từ năm 1902 đến năm 1911.
2. Cha Phêrô (già): Linh mục chính xứ Bút Đông từ năm 1906 đến năm 1938 cha qua đời tại Bút Đông.
3. Cha Nguyễn Tất Tiên: Linh mục chính xứ  xứ Bút Đông từ năm 1909 đến năm 1913 ngày chuyển đi làm Phó xứ được 04 năm.
4. Cha (già) Trang: người về hưu ở xứ Bút Đông từ năm 1912 đến năm 1915 cha qua đời tại Bút Đông.
5. Cha Phêrô Trần Hoàng:
Linh mục phó xứ Giáo xứ Bút Đông vào khoảng thời gian xây dựng nhà thờ Hai Tháp từ năm 1913 đến 1920. Đến ngày 07 tháng 3 năm 1929, ngài đã qua đời, phục vụ giáo xứ được 17 năm.
Cha cố  Phêrô Trần Hoàng
6. Cha già Chu: Linh mục chính xứ Bút Đông 1920 đến năm 1922 cha qua đời.
7. Cha (già) Phác:  Linh mục  phó xứ Bút Đông từ năm 1922 đến năm 1925 cha qua đời tại Bút Đông phục vụ giáo xứ được 03 năm.
8. Cha Đại:
Linh mục
phó xứ Bút Đông từ năm 1930 đến năm 1936, người chuyển về xứ Mạc Thượng  phục vụ giáo xứ được 06 năm.
9. Cha (già) Phêrô Trần Tiến Đức: chịu chức linh mục 27/5/1922, làm phó xứ Bút Đông từ năm 1929 đến năm 1938, khi cha (già) Tư qua đời. Ngài tiếp nhận  chính xứ Bút Đông từ năm 1938 đến ngày 15/3/1965, thì ngài qua đời phục vụ giáo xứ được 27 năm.
Cha cố Phêrô Trần Tiến Đức
10. Cha Giuse  Vũ Ngọc Rự: Linh mục phó xứ Bút Đông từ năm 1939 đến năm 1944 cha qua đời tại Bút Đông phục vụ giáo xứ được 05 năm.
11. Cha Hán: Linh mục phó xứ Bút Đông từ năm 1944 đến năm 1952 cha chuyển đi, phục vụ giáo xứ được 08 năm.
12. Cha Mỹ:
Linh mục
phó xứ Bút Đông từ năm 1952 đến năm 1953 cha chuyển đi.
13. Mãi đến ngày 01 tháng 5 năm 1999 được bề trên cho Lm. Nguyễn Ngọc Châu về coi sóc chính xứ Bút Đông. Cha Anphongsô Đích - Nguyễn Ngọc Châu. Sinh ngày 24/07/1942; Thụ phong linh mục 21/09/1995; Lễ quan thầy 01/08; linh mục chính xứ Bút Đông từ năm 1999 cho đến năm 2007.
Cha Anphongsô Đích - Nguyễn Ngọc Châu
14. Cha cố Giuse Trần Bình Trọng: Linh mục chính xứ Giáo xứ Bút Đông 04/3/2007 đến 29/8/2010, hai cha phó của giáo xứ là cha An-tôn Trịnh Duy Công và cha Giuse Mai Xuân Thuỳ. Kiêm nhiệm các giáo xứ: Dưỡng Thọ, Lảnh Trì, Mang Sơn, Đồng Bào, Động Linh, Yên Mỹ và Ngọc Thị.
Cha cố Giuse Trần Bình Trọng
15. Cha chính xứ Giuse Vũ Ngọc Ruẫn: Linh mục chính xứ Bút Đông từ ngày 16/12/2010 đến nay và cùng cha  Phó xứ : Linh mục Giuse Nguyễn Minh Chiểu.
Cha chính xứ Bút Đông - Giuse Vũ Ngọc Ruẫn (năm 2014)
* BIẾN CỐ NĂM 1954 VÀ CUỘC DI CƯ TỪ BẮC VÀO NAM

* KHOẢNG KHẮC DÀI XỨ BÚT ĐÔNG KHÔNG CÓ LINH MỤC.
Từ ngày 15/3/1965 cha già Phêrô Đức qua đời cho đến ngày 01 tháng 5 năm 1999 cha Anphongsô Nguyễn Ngọc Châu chính thức về coi sóc giáo xứ. Đây là nột thời gian dài 34 năm xứ Bút Đông không có linh mục. Giáo dân quê ta vẫn giữ đạo siêng năng sốt sáng, tối sớm đọc kinh cầu nguyện, xin Thiên Chúa ban ơn lành xuống cho dân làng, và nhờ cậy các cha ở các xứ đạo khác đến chỉ dạy và rước lễ, cũng như xin ơn các phép Bí tích khác. Các cha ở những xứ khác là:
a). Cha (già) Khoát: ở xứ Động Linh -  Đồng Văn từ năm 1966 đến năm 1985 cha qua đời.
b). Cha (già) Chỉnh: thuộc xứ Hoàng Nguyên Phú Xuyên Hà Tây từ năm 1985 đến năm 1986.
c). Cha Tám: thuộc xứ Hoàng Nguyên Phú Xuyên Hà Tây từ năm 1987 đến năm 1999.
PHẦN V
THỜI KỲ CÁC GIÁM MỤC VỀ KINH LƯỢC XỨ BÚT ĐÔNG CÁC CỤ CÓ CHỨC SẮC ĐANG LÀM VIỆC NHÀ XỨ
1. Ngày 3 tháng 4 năm 1906: Đức Giám Mục Phêrô-Maria Đông về nhà dòng lần đầu. 
Các vị có chức sắc trong ban mục vụ giáo xứ (ông bà Trùm): Ông Quyển - Bà Hậu Am (bà Cố Khảm)  - Bà Hương Vệ - Ông Lang Hai
2. Ngày 31 tháng 11 năm 1909: Đức Giám Mục Phêrô-Maria Đông về lần thứ 2
Các vị có chức sắc chia theo hàng giáp:

Giáp I:  Ông Bô Quyền - Bà Hương Vệ
Giáp II:  Ông Thỉnh
Giáp III:  Ông Quý - Bà Kính (bà trùm dạy giáo lý)
Giáp IV:   Ông Đội Quyền - Ông Bồng
3. Ngày 3 tháng 8 năm 1991: Đức Giám Mục Kính về kinh lược giáo xứ
Các vị có chức sắc:
Giáp I:  Ông Hương Tuyển (dạy giáo lý) - Ông Lý Ý - Bà chánh Trì
Giáp II:  Ông Hương Thú (bác cha Kính)
4. Ngày 10 tháng 6 năm 1918: Đức Giám Mục Cố Hoàng về thăm Bút Đông.
Các vị có chức sắc:  Ông Phi Phông - Bà Nghiêm - Ông Lý Nhu - Bà An Cẩm
5. Ngày 26 tháng 4 năm 1924: Đức Giám Mục Phêrô Maria Đông về lần 3.
Các vị có chức sắc:  Bà Anna Bình - Ông Giuse Chiểu
6. Ngày 6 tháng 1 năm 1927: Đức Giám Mục Phêrô Maria Đông về lần 4.
7. Ngày 8 tháng 9 năm 1929: Đức Đức Giám Mục Phêrô Maria Đông về lần 5.
Các vị có chức sắc: Ông Sang Nhác - Ông quản Tuyển - Bà lang Trung - Bà cố Đê - Bà cố Am - Bà Lý Binh
8. Ngày 29 tháng 9 năm 1933: Đức Giám Mục Giuse Changvee kinh lược xứ.
Các vị có chức sắc: Bà cố Am - Bà Thử Xuân - Ông Thứ
9. Ngày 14 tháng 10 năm 1939: Đức Giám Mục Phanxicô Thịnh về lần thứ 1
Các vị có chức sắc: Ông Phung - Ông quản Châu - Bà Anna Oanh - Bà Matta Xương
10. Ngày 4 tháng 5 năm 1945: Đức Giám Mục Phanxicô Thịnh về lần thứ 2
11. Ngày 2 tháng 6 năm 1951: Đức Giám Mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê về kinh lược lần thứ 1.
Các vị có chức sắc:  Ông Thác - Bà Hiền
12. Ngày 5 tháng 12 năm 1956: Đức Giám Mục Giuse - Maria Trịnh Như Khuê về kinh lược lần thứ 2.
Các vị có chức sắc:  Ông Thác - Bà Hiền
13. Ngày 6 tháng 12 năm 1959: Linh mục Chỉnh về thăm xứ
Các vị có chức sắc:  Ông Hoạt (cố Đức cha Trực) - Ông Thiên
14. Ngày 18 tháng 5 năm 2000: Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng về kinh lược lần thứ 1
15. Ngày 10 tháng 8 năm 2000: Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng về kinh lược lần thứ 2
16. Ngày 6 tháng 8 năm 2002: Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng về kinh lược lần thứ 3
Các vị có chức sắc: Ông Thép (làm chánh Trương) - Ông Phùng - Ông Phỗng - Ông Phêrô Bùi Ngọc Đua - Ông Đỗ Văn Minh
Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng Tổng Giáo Phận Hà Nội. Người sinh ngày 20 tháng 5 năm 1919, tại thôn Cầu Mễ, xã Yên Thắng, huyện yên Mổ, tỉnh Ninh Bình. Năm 10 tuổi tức năm 1929, được linh mục Phạm Bá Trực hướng dẫn đi tu, chịu chức linh mục ngày 6/6/1949, chiu chức Giám Mục ngày 15 tháng 8 năm 1963 cai quản địa phận Bắc Ninh.
1. Ngày 4 tháng 7 năm 1990 kiêm nhiệm Giám Quản Tông Tòa Hà Nội
2. Ngày 23 tháng 4 năm 1994 là Tổng Giám Mục địa phận Hà Nội
3. Ngày 14 tháng 8 năm 1994 nhận được tước hiệu Hồng Y
4. Ngày 8 tháng 6 năm 1999 làm lễ kỷ niệm mừng Kim khánh linh mục 50 năm thượng  thọ bát tuần.
Năm 2003, Người vừa tròn 84 tuổi, đã qua tuổi tham gia Mật tuyển viện, vì vậy. Ngày 26/4/2003 Đức Thánh Cha Gioan Phalô II đã bổ nhiệm Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt 51 tuổi, Giám Mục giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng làm Giám Quản Tông Toàn tổng giáo phận Hà Nội.
Thông báo ngày 28 tháng 4 năm 2003 của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam viết Đức cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa nhận được điện văn của Đức Hồng Y CRESCENZIO SEPE, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm cho hay, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt làm Giám Quản Tông Tòa toàn quyền Tổng giáo phận Hà Nội.
Tin này được công bố vào ngày 26 tháng 4 năm 2003.
PHẦN VI
CÁC TU SĨ CÔNG GIÁO QUÊ HƯƠNG XỨ ĐẠO BÚT ĐÔNG
(Sinh ra được các vị Linh mục và Giám mục)
1. Linh mục Trịnh Văn Quy tử vì đạo năm 1857 (chưa được phong thánh)
2. Linh mục: Trần Văn Thư tử vì đạo năm 1861 (chưa được phong thánh)
3. Linh mục: Trịnh Văn Quế
4. Linh mục: Trịnh Văn Tốn
5. Linh mục: Phêrô Phạm Văn Tuyên
6. Linh mục: Phaolô Trịnh Văn Tuất
7. Linh mục: Phêrô Trịnh Văn Diện
8. Linh mục: Phêrô Trịnh Văn Ngũ (Linh mục Trịnh Văn Diện và Linh Mục Trịnh Văn Ngũ là hai anh em)
9. Linh mục: Trịnh Văn Khảm
10. Linh mục: Nguyễn Văn Kỷ
11. Linh mục: Phêrô Nguyễn Văn Toàn
12. Linh mục: Nguyễn Văn Chiến
13. Linh mục: Phạm Văn Thiệp
14. Linh mục: Lê Văn Khâm
15. Linh mục: Phạm Văn Thân
16. Linh mục: Đỗ Văn Kiên
17. Linh mục: Giuse Trịnh Văn Am
18. Linh mục: Nguyễn Hữu Đề
19. Linh mục: Nguyễn Văn Dậu
20. Linh mục: Nguyễn Văn Cường
21. Linh mục: Nguyễn Văn Tú
22. Linh mục: Nguyễn Văn Đoài (Lm. Nguyễn Văn Tú và Lm. Nguyễn Văn Đoài là hai anh em con cụ cố Bằng và Maria Liễu)
23. Linh mục: Phaolô Đỗ Văn Hanh
24. Linh mục: Giuse Đỗ Văn Tích (Linh mục Đỗ Văn Hanh và Đỗ Văn Tích là hai anh em con cụ cố Hải)
25. Linh mục: Nguyễn Duy Thông
26. Linh mục: Giuse-Maria Nguyễn Đức Tín
27. Linh mục: Trịnh Văn Hán
28. Linh mục: Trịnh Văn Lý
29. Linh mục: Phêrô Trịnh Văn Hinh, sinh tại xứ Bút Đông. Qua đời 15/5/1942 tại Hà Nội.
Cha cố Phêrô Trịnh Văn Hinh
30. Linh mục: Antôn Lê Hoàng Yến (con cụ cố Sủng)
31. Đức Hồng y: Giuse-Maria Trịnh Văn Căn (con ông bà cố Phêrô Trịnh Văn Điền và Anna Nguyễn Thị Thảo. Cả hai người cùng quê Thôn Đông Nội, giáo xứ Bút Đông, hạt Hà Nam, tổng giáo phận Hà Nội. Thuộc xã Trác Bút (nay thuộc xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
32. Đức Giám mục Giuse-Maria Nguyễn Tùng Cương
Đức cố Gm. Giuse-Maria Nguyễn Tùng Cương (1919 - 1999)
Tiểu sử Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương (1919-1999)
Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương sinh ngày 04 tháng 10 năm 1919 tại Hà Nội. Quê quán tại làng Bút Đông – Trác Bút - Duy Tiên - Hà Nam (con cụ cố Tín)
Ông được thụ phong linh mục vào ngày 03 tháng 12 năm 1949.
Ngày 10 tháng 01 năm 1979, ông được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa Giáo phận Hải Phòng, Việt Nam.
Lễ tấn phong Giám mục cho ông được cử hành vào ngày 18 tháng 02 năm 1979
Ông qua đời vào ngày 10 tháng 03 năm 1999 tại Tòa Giám mục Giáo phận Hải Phòng. Hưởng thọ được 81 tuổi.
33. Đức Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực (con cụ cố Hoạt), coi sóc địa phận Ban Mê Thuột.

Đức cố Gm. Giuse Trịnh Chính Trực
34. Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tích Đức (con cụ cố Uyển), coi sóc địa phận Ban Mê Thuột.

Đức cố Gm. Giuse Nguyễn Tích Đức (1938 - 2011)
Tiểu sử GM. Giuse Nguyễn Tích Đức
Ông sinh ngày 22 tháng 2 năm 1938 tại Giáo Xứ Bút Đông, Giáo Hạt Hà Nam, Tổng Giáo Phận Hà Nội. Thuộc xã Trác Bút, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
- Từ năm 1948 đến năm 1950, ông theo học Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Nội.
- Từ năm 1951 đến năm 1958, ông học Tiểu chủng viện Piô XII (tại Hà Nội và Sài Gòn)
- Từ năm 1958 đến năm 1968, ông học Giáo Hoàng Học Viện Piô X (Đà Lạt). Ngày 21 tháng 12 năm 1967, ông thụ phong chức linh mục tại Sài Gòn, do Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai làm chủ lễ.
- Sau khi thụ phong linh mục, ông làm Giáo sư Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh - Ban Mê Thuột. Từ 1986 – 1997, ông làm linh mục chánh xứ Hưng Đạo (Ban Mê Thuột).
- Ngày 21 tháng 4 năm 1997, ông được Giáo hoàng phong chức Giám mục và bổ nhiệm làm Giám mục phó Giáo phận Ban Mê Thuột. Ngày 17 tháng 6 năm 1997, lễ tấn phong Giám mục được tổ chức tại Ban Mê Thuột, do Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực làm chủ phong. Khẩu hiệu của ông là "Ðạt Tới Người Mới".
- Năm 2001, ông kế vị làm Giám mục Chính toà Giáo phận Ban Mê Thuột và giữ vị ngôi tòa cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2006.
- Ông qua đời ngày 23 tháng 5 năm 2011 (nhằm ngày 21 tháng Tư năm Tân Mão)
- Hưởng thọ 74 tuổi.
35. Linh mục cha giáo Đại chủng viện Thánh Giuse - Giuse Trịnh Hưng Kỷ (con cụ cố Trịnh Văn Kỳ)

Cha cố Giuse Trịnh Hưng Kỷ
Tiểu sử Linh mục Giuse Trịnh Hưng Kỷ
- Sinh ngày 03 tháng 02 năm 1929 tại Trác Bút, Duy Tiên, Hà Nam
- Rửa Tội ngày 05 tháng 02 năm 1929 tại Họ đạo Bút Đông, Giáo phận Hà Nội
- Thêm Sức năm 1937 tại Họ đạo Bút Đông, Giáo phận Hà Nội
- Nhập Tiểu Chủng Viện Collegio Propaganda Fide, Rôma năm 1951
- Có văn bằng Cử Nhân Triết học, Thần học, Kinh Thánh
- Thụ Phong Linh Mục ngày 21 tháng 12 năm 1957 tại Rôma do Đức Cha Sigismondi
- Linh mục gốc địa phận Hà Hội
- Gia nhập địa phận TP. Hồ Chí Minh từ năm 1962
- Làm Giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Giuse từ 1962 – 2007
- Nghỉ hưu tại Dòng Đồng Công từ năm 2007 đến nay
- An nghỉ trong Chúa vào lúc 9 giờ 15, Thứ Tư ngày 26 tháng 05 năm 2010 tại Dòng Đức Mẹ Đồng Công – Thủ Đức
- Hưởng thọ 81 tuổi
36. Linh mục Antôn Phạm Văn Trọng (Tảo)
37. Linh mục Phaolô Nguyễn Hải Bằng (Tô)

Cha cố Phaolô Nguyễn Hải Bằng (1926 - 2012)
Tiểu sử cha cố Phaolô Nguyễn Hải Bằng
- Sinh ngày 06/6/1926 tại Bút Đông - Hà Nam (Giáo phận Hà Nội)
- Rửa tội ngày 07/6/1926 tại Bút Đông - Hà Nam
- Thêm sức năm 1935 tại Bút Đông
- Học Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên thuộc GP Hà Nội từ 1942 - 1948
- Học Đại Chủng viện Xuân Bích từ 1950 - 1957
- Chịu chức Phó tế năm 1958 tại Nhà thờ Chánh tòa Cần Thơ
- Chịu chức Linh mục ngày 01/5/1958 tại nhà thờ Ngã Sáu (Chợ Lớn) do Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ phong.
Mục vụ:
1958: Phục vụ tại Giáo phận Cần Thơ
1959 - 1960: Phục vụ tại Giáo phận Long Xuyên
1960 - 1962: Chánh xứ Bạc Liêu
1962 - 1968: Tiểu Chủng viện Á Thánh Quý
1968 - 1994: Chánh xứ Vị Tính
1994 - 2009: Chánh xứ Cái Tắc
Từ năm 2009 đến 2012: Nghỉ hưu tại giáo xứ Hà Nội, hạt Xóm Mới.
Hưởng thọ 87 tuổi.
38. Linh mục Giuse Nguyễn Trí Minh (con cụ cố Giáo Lục), nguyên quán Bút Đông, Bác Sỹ Tâm lý và thần kinh học của tổng giáo phận New Jersey. Hiện đang coi một Cộng Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Tổng Giáo Phận Newark, Saint Michael Church, 9th st. Jersey City, New Jersey, US
Linh mục Giuse Nguyễn Trí Minh
39. Linh mục Anphongsô Nguyễn Văn Luận (con cụ cố Luân)
40. Linh mục Giuse Trần Văn Nghị (con cụ cố Chì), qua đời ngày 31/8/2013
Cha cố Giuse Trần Văn Nghị
41. Linh mục cha giáo Đại chủng viện Thánh Giuse Phêrô Cao Tiến Đạt (con cụ cố Phát)
Cha cố Phêrô Cao Tiến Đạt
42. Linh mục Giuse Lê Đức Sinh (vừa qua đời năm 2003 tại Tòa Tổng Hà Nội)
43. Linh mục Lê Văn Uyên
44. Linh mục Lê Văn Mai
45. Linh mục Giuse Nguyễn Ý Định (phong chức ngày 22/9/1994 con cụ cố Đoàn)
Lm. Giuse Nguyễn Ý Định.
46. Linh mục Luca Vũ Công Liêm (phong chức ngày 21/10/1995 con cụ cố Tần)
47. Linh mục Vũ Văn Thiềng
48. Linh mục Nguyễn Duy Hùng (con ông cố Hán đang ở nước ngoài)
49. Linh mục An-tôn Phạm Văn Dũng. Sinh ngày: 01/4/1972; Quê quán tại thôn Bút Kênh thuộc Giáo xứ Bút Đông, hạt Hà Nam, TGP. Hà Nội. Lễ quan thầy: 13/6 - Thụ phong linh mục:20/12/2007. Thư ký riêng của Đức TGM Hà Nội - Quản lý Tòa TGM Hà Nội - Đc: 40 phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Linh mục An-tôn Phạm Văn Dũng
50. Linh mục Hưng (phong chức ngày 22/12/2003 con ông Long ở thôn Đông Nội)
51. Linh mục Gioakim  Nguyễn Thanh Tùng (SDB), con bà cố Maria Lê Thị Thanh Thủy (Bến Cát - Gò Vấp - TP.HCM), quê quán tại Giáo họ Bút Thượng thuộc Giáo xứ Bút Đông, hạt Hà Nam, TGP. Hà Nội.

Lm. Gioakim  Nguyễn Thanh Tùng (SDB) 
53. Linh mục Giuse Nguyễn Mạnh Đạt (SDB).
Lm. Giuse Nguyễn Mạnh Đạt (SDB).
Sinh ngày 28/6/1981 - Nguyên quán: Nam Hà. Quê bố ở Vĩnh Trị là ông cố: Giuse Nguyễn Văn Lịch (mất năm 2003). Quê mẹ ở thôn Phúc Thành - Bút Đông là bà cố: Caterina di Siena Nguyễn Thị Tập (Mạo).
 Bước đường Thánh hiến:
- Ngày 11/10/2003: Gia nhập Thỉnh Sinh Cộng thể Đa-Minh Savio
- Ngày 14/8/2005: Khấn lần đầu
- Ngày 16/8/2012: Vĩnh khấn
- Ngày 15/6/2013: Lãnh tác vụ phó tế tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Torino, Italia.
- Ngày 31/5/2014: Lãnh tác vụ linh mục tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Torino, Italia.
- Ngày 01/6/2014: Dâng lễ Tạ ơn tại giáo xứ San Giovanni Bosco.
- Ngày 21/6/2014: Dâng lễ Tạ ơn tại Cộng thể Đa-minh Savio, thuộc giáo xứ Tân Thịnh, giáo hạt Hóc Môn, TGP. TP.HCM.
- Tháng 8 năm 2014: Thi hành sứ vụ truyền giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ. 
Số linh mục chính thức trên đã được xác minh, còn vào khoảng trên dưới 20 linh mục tản mạn khắp nơi trong nước và hải ngoại. Hội đồng hương Bút Đông còn thiếu thông tin chưa thể liệt kê được, sẽ được cập nhật trong thời gian gần nhất.
PHẦN VII

ĐẠO CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM THỜI TIÊN KHỞI 


Năm 1846 Giáo Hội Việt Nam phân chia địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài. Toàn quốc lúc đó có 65 xứ đạo, giáo dân là 214.970 người. Địa phận Đàng ngoài có 39 xứ với 97.100 giáo dân, địa phận Đàng trong có 26 xứ với 117.870 giáo dân.
Ngày 11/6/1933 Đức Thánh Cha Piô II tại Tòa Thánh La Mã đã phong chức Giám mục tiên khởi cho Việt Nam đó là: Đức Giám mục Gioan Nguyễn Bá Tòng. Người sinh năm 1868 tại Gò Công, học đại chủng việc ở Sài Gòn, thụ phong Linh  mục ngày 19/9/1986.
Ngày 10/10/1945 Chính Phủ Việt Nam do ông Hồ Chủ Tịch và hoàng đế Bảo Đại phái bốn vị Bộ Trưởng tới chúc mừng Đức Giám mục gồm: ông Phạm Văn Đồng, ông Võ Nguyên Giáp, ông Vĩnh Thụy, ông Văn Tuấn Bôi.
Hồ Chủ tịch có viết bài: Có một nhà lãnh đạo mới người công giáo, đi theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh, hầu giúp giáo dân biết hy sinh và chiến đấu bảo vệ tự do và độc lập đất nước.
Năm 1935, Đức Thánh Cha trao phó giáo quyền cho các Giám mục đầu tiên coi sóc địa phận mình.

TỔNG GIÁO PHẬN VÀ GIÁO PHẬN CÔNG GIÁO VIỆT NAM

NĂM 2015

VIDEO SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM


CÁC GIÁM MỤC QUÊ Ở BÚT ĐÔNG QUẢN NHIỆM CÁC ĐỊA PHẬN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

I. ĐỊA PHẬN HÀ NỘI

* Đức Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê được phong Hồng Y vào ngày 27/5/1976 và từ trần vào ngày 27/11/1978. Ngài quản nhiệm từ năm 1950 đến năm 1963.
* Đức Tổng Giám mục Giuse-Maria Trịnh Văn Căn ở quê hương Bút Đông chịu chức Giám mục ngày 25/5/1967 và quản nhiệm Tổng địa phận Hà Nội. Được phong Hồng y vào ngày 30/6/1979 và từ trần vào ngày 18/5/1990.
1 Sơ lược tiểu sử Đức Hồng y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn 
(Trích từ nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (19 tháng 3 năm 1921 – 18 tháng 5 năm 1990 là hồng y thứ hai của Giáo hội Công giáo Việt Nam, nguyên Tổng giám mục của Tổng giáo phận Hà Nội và nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam trong 3 khóa liên tiếp (từ năm 1980 đến 1989).
Linh mục Giuse Trịnh Văn Căn quê ở Hà Nam, từ nhỏ ông đã theo con đường tu tập tại quê nhà. Do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, việc học của ông gặp nhiều khó khăn và nhiều lần phải đi tạm lánh. Ngày 3 tháng 12 năm 1949, ông được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm làm linh mục phó cho linh mục Trịnh Như Khuê tại Giáo xứ Hàm Long. Tháng 8 năm 1950, linh mục Trịnh Như Khuê được chọn làm Giám mục Tông tòa Giáo phận Hà Nội người Việt Nam tiên khởi, linh mục Căn làm thư kí cho tân Giám mục, đồng thời trong thời gian sau đó, ông làm linh mục Chính xứ Nhà thờ Chánh toà và kiêm giáo xứ Kẻ Sét - Thịnh Liệt. Là linh mục Chánh xứ nhà thờ Chánh toà, trong một vụ việc năm 1958, ông bị quy tội quấy rối trị an và bị phạt 12 tháng tù treo.
Năm 1963, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Căn làm Tổng giám mục Phó Hà Nội, ông được Tổng giám mục Trịnh Như Khuê tấn phong Giám mục khi mới 42 tuổi. Từ năm 1963 đến năm 1978, ông cùng cai quản, chăm sóc giáo phận với Tổng giám mục Khuê và bắt đầu thăng tiến trong công việc mục vụ. Ông đã nhiều lần thay mặt Tổng giám mục Trịnh Như Khuê tham dự các cuộc họp Thượng hội đồng Giám mục. Đến khi Hồng y Tổng giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê đột ngột qua đời vào ngày 27 tháng 11 năm 1978, ông trở thành Tổng giám mục của Tổng giáo phận Hà Nội theo quy định của Giáo luật Công giáo Rôma, với tư cách là Tổng giám mục phó mang quyền kế vị.
Năm 1979, Giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn Tổng giám mục Căn làm Hồng y và ông đã đảm nhiệm cương vị này cho đến khi mất 11 năm sau đó. Từ đây, với tư cách là người lãnh đạo chính của giáo hội Công giáo tại miền Bắc Việt Nam, Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã giúp giáo dân miền Bắc vượt qua những chuyển động và đổi thay mạnh mẽ trong hoàn cảnh xã hội, chính trị đương thời, khi quan hệ giữa chính quyền Việt Nam và Tòa Thánh Vatican có những biến động lớn. Sau khi Việt Nam tái thống nhất vào năm 1975, ông điều hợp thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam thống nhất với sự đồng ý của chính quyền Việt Nam. Trong thập niên 80 của thế kỷ 20, ông cũng là người đã đóng góp nhiều công sức trong nỗ lực xin tuyên thánh cho 117 chân phước người Việt, được Giáo hoàng Gioan Phaolô II cử hành nghi lễ ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Ngoài các công việc mục vụ, Trịnh Văn Căn còn là một dịch giả Kinh Thánh ra tiếng Việt. Từ năm 1972, ông bắt đầu tổ chức dịch Tân Ước. Năm 1978, ông tổ chức dịch sách Cựu Ước và đến cuối năm 1988 thì công việc hoàn thành. Ông cũng sưu tầm, chỉnh lý, bổ sung, hệ thống hóa và phổ biến những bài văn cổ dâng hoa của Công giáo; sưu tầm và ghi nhạc, sửa lời những bài văn quý của Công giáo từng bị tản mác, mai một, đồng thời dịch một số bài hát tiếng La-tinh.
Ngày 18 tháng 5 năm 1990, ông qua đời vì huyết áp và nhồi máu cơ tim và huyết áp. Tang lễ của ông được cử hành ngày 23 tháng 5 năm 1990, với chủ tế là Hồng y người Pháp Roger Etchegaray – đặc sứ của Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cùng sự tham dự của 20 giám mục, 120 linh mục và khoảng 80.000 giáo dân.
1.1 Thân thế và những năm đầu tu nghiệp

Trịnh Văn Căn sinh ngày 19 tháng 3 năm 1921 tại Giáo xứ Bút Đông, Giáo hạt Hà Nam, Tổng Giáo phận Hà Nội, thuộc Thôn Đông Nội, xã Trác Bút (nay là Xã Châu Giang), huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông là con trai duy nhất của ông Phêrô Trịnh Văn Điền và bà Anna Nguyễn Thị Thảo, cả hai người đều là người làng Bút Đông. Ông có một người em gái ruột tên là Têrêsa Avila Trịnh Thị Miều (hiện nay đang thường trú tại Giáo xứ Phú Bình, Tổng giáo phận Sài Gòn). Từ nhỏ ông đã đi theo giúp việc cho Phó tế Phêrô Nguyễn Đức Tín tại quê nhà. Cha mẹ lấy tên Thánh Giuse làm bổn mạng cho ông, do ông đã sinh vào đúng ngày lễ kính Thánh Giuse.
Bà cố Anna Nguyễn Thị Thảo thân sinh HY. Giuse-Maria Trịnh Văn Căn
Xuất thân từ một gia đình Công giáo, từ nhỏ cậu bé Căn đã đi theo giúp việc cho Phó tế Phêrô Nguyễn Đức Tín tại quê nhà. Ngày 29 tháng 6 năm 1929, thân mẫu ông tiễn con đến cầu Hòa Mạc khi cậu theo thầy Phêrô Nguyễn Đức Tín xuống Nam Định tá túc thụ giáo với linh mục chánh xứ Nam Định là Pédebidau (tên Việt là Hóa). Năm 1930, thầy Tín được phong chức linh mục về giúp xứ Kẻ Vôi. Sau đó, thầy đã đưa cậu bé Trịnh Văn Căn theo và cho học tại trường dòng Thường Tín. Năm 1931, ông đỗ bằng Sơ học Yếu lược Pháp-Việt và bắt đầu cuộc sống tu tập tại trường Tập sự làm linh mục Hà Nội trong 3 năm.
Đầu niên khóa 1934-1935, cậu được đưa vào học tại trường Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên trong 5 năm, bấy giờ do linh mục Binet (thường được gọi là Cố Ninh) làm hiệu trưởng. Sau khi tốt nghiệp và nhận chức phó tế, cậu được đưa về giúp xứ Yên Mỹ và đến năm 1941 thì được gọi về học Đại chủng viện Liễu Giai do các linh mục Hội Xuân Bích điều hành dưới quyền linh mục Giám đốc Palliard (tên Việt là Lý).
Sau khi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chiến tranh Đông Dương mở màn bằng trận Hà Nội. Với hoàn cảnh này, Đại chủng viện nơi ông học bị đóng cửa, và ông đã tản cư về quê Bút Đông rồi lên Đại Ơn với linh mục Phêrô Nguyễn Đức Tín. Khoảng tháng 3 năm 1947, ông quay trở về Đại chủng viện Hà Nội theo học lớp thần học ở dòng Chúa Cứu Thế tại ấp Thái Hà dưới sự chỉ bảo của linh mục Giám đốc Gagnon (tên Việt là Nhân) trong vòng một năm. Đầu năm 1948, ông trở lại học Đại chủng viện Hà Nội, và cũng trong năm này ông đã thành lập các hiệp hội giáo dân Việt Nam.

1.2 Tu tập tại Nam Định và Hà Nội 
Ngày 29 tháng 6 năm 1929, ông theo thầy Phêrô Tín xuống Nam Định tá túc thụ giáo với Linh mục chánh xứ Nam Định là Pédebidau (tên Việt: Hóa). Năm 1930, thầy Tín chịu chức linh mục, về giúp xứ Kẻ Vôi, đưa ông theo và cho học tại trường dòng Thường Tín. Năm 1931, ông đỗ bằng Sơ học Yếu lược Pháp-Việt và bắt đầu cuộc sống tu tập tại trường Tập Hà Nội trong 3 năm.
Đầu niên khóa 1934-1935, ông được đưa vào học tại Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, bấy giờ do linh mục Binet (thường được gọi là Cố Ninh) làm Giám đốc, trong 5 năm. Sau khi tốt nghiệp và chịu chức Phó tế, ông được đưa về giúp xứ Yên Mỹ, đến năm 1941 thì được gọi về học Đại chủng viện Liễu Giai do các linh mục Xuân Bích điều hành dưới quyền linh mục Giám đốc Palliard (tên Việt: Lý).
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, khi cuộc Kháng chiến chống Pháp toàn quốc bùng nổ, Đại chủng viện bị đóng cửa. Ông tản cư về quê Bút Đông rồi lên Đại Ơn với linh mục Phêrô Tín. Khoảng tháng 3 năm 1947, ông trở về Đại chủng viện tại Hà Nội, học lớp Thần học ở dòng Chúa Cứu thế tại ấp Thái Hà, dưới quyền linh mục Giám đốc Gagnon (tên Việt: Nhân) một năm. Đầu năm 1948, ông trở lại học tại Đại chủng viện Hà Nội, khi đó mở lại tại số 40 phố Nhà Chung.
Năm 1948, ông thành lập các hiệp hội giáo dân Việt Nam.

 1.3 Thời kỳ làm linh mục (1949 - 1963)Ngày 3 tháng 12 năm 1949, tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Giám mục Chaize truyền chức linh mục cho ông cùng 3 người khác, trong đó có linh mục Giuse Nguyễn Tùng Cương sau làm Giám mục Giáo phận Hải Phòng. Sau khi chịu chức, tân linh mục Trịnh Văn Căn được bổ nhiệm về xứ Hàm Long, làm phó cho Linh mục Chánh xứ Giuse Trịnh Như Khuê. Ngày 15 tháng 8 năm 1950, linh mục Trịnh Như Khuê được Tòa Thánh cử làm Giám mục Hà Nội. Linh mục phó Trịnh Văn Căn cũng rời Hàm Long lên Tòa Giám mục nhận chức Thư ký của tân Giám mục. Qua năm sau, ông kiêm chức Phó xứ nhà thờ Chính tòa và Phó giám đốc trường Trung học Dũng Lạc (Chánh xứ và Giám đốc là linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai). Tháng 8 năm 1952, linh mục phó xứ Chánh toà Phêrô Nguyễn Huy Mai được bổ nhiệm Giám đốc Tiểu chủng viện Piô XII kiêm Tổng đại diện. Ông được thăng làm Chánh xứ nhà thờ Chánh toà Hà Nội ( Nhà thờ Lớn) kiêm Tổng quản miền Hà Nội Năm 1954, hiệp định Genève được thực thi. 100 người trong số 180 linh mục của giáo phận ra đi cùng với giáo dân. Ông ở lại cùng với một số giáo dân, phục vụ giáo phận và tiếp tục công trình trùng tu sửa chữa nhà thờ. Năm 1959, ông được cử làm Linh mục Chính xứ Giáo phận, vẫn kiêm Chánh xứ Nhà thờ Chính tòa, đồng thời kiêm Chánh xứ Kẻ Sét. Năm 1960, Giáo xứ Kẻ Sét đổi tên thành Giáo xứ Thịnh Liệt theo tên đơn vị hành chính.
Nhà thờ lớn Hà Nội, được xây dựng từ năm 1884 - 1887
Tòa Khâm Sứ Hà Nội năm 1957
Giáo xứ Hàm Long, ngày 19 tháng 02 năm 1960
Nhà thờ Hàm Long  - Giáo hạt Hà Nội. 
Nhà thờ Kẻ Sét
Năm 1960, Giáo xứ Kẻ Sét đổi tên thành Giáo xứ Thịnh Liệt  - Giáo hạt Hà Nội.
1.4 Thời kỳ làm giám mục (1963 - 1979)
Ngày 2 tháng 6 năm 1963, khi mới 42 tuổi, linh mục Giuse-Maria Trịnh Văn Căn được tấn phong làm giám mục chính thức với tước hiệu tổng giám mục hiệu tòa Aela do Tổng giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê làm chủ phong tại Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Đức TGM.Phaolô Nguyễn Văn Bình (Sài Gòn) và TGM.Phó Trịnh Văn Căn (Hà Nội)
Tham dự Công đồng Vatican II năm 1963.
Ngày 2 tháng 5 năm 1963, Toà Thánh công bố bổ nhiệm ông làm Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận Hà Nội (tuy vậy Toà Giám mục Hà Nội không loan báo tin này). Ngày 2 tháng 6 năm 1963, khi mới 42 tuổi, ông được tấn phong giám mục chính thức với tước hiệu Tổng giám mục hiệu tòa Aela, do Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê thực hiện tại Nhà thờ Lớn Hà Nội dưới sự ngạc nhiên của giáo dân Tổng giáo phận. Ngày hôm sau, một thông cáo từ Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đến các giáo phận, thông báo quyết định bổ nhiệm ông làm Tổng Giám mục phó Tổng giáo phận với lý do: "Sự truyền chức cho Giám mục Phó, Đức Tổng Giám mục vẫn nghĩ còn lâu mới làm, và không biết là bao giờ, nhưng chúa nhật ngày 26 tháng 5 năm 1963, tự nhiên Đức Tổng Giám mục thấy mình trở nên lòa, hầu như mù vậy, chữ viết trên mặt đồng hồ không còn trông thấy nữa, trông ra ngoài sân không còn trông rõ cây và sân cỏ, khi ăn cơm không còn trông rõ bát, bệnh lại tiến lên nhanh lắm, Người nghĩ rằng sẽ mù hẳn... Trong lúc ấy, Người chẳng nghĩ đến việc chạy chữa thuốc men, chỉ nghĩ đến sự truyền chức cho Giám mục Phó, và kêu xin Chúa cho bệnh giảm đi, ít là trông rõ chữ để truyền chức. Sau khi ăn cơm xong mấy phút, bệnh đã giản ra, Người đã trông rõ như trước, nhưng sợ bệnh trở lại, Người đã vội vàng truyền chức cho Giám mục Phó...". Một số người xem đây cũng là hình thức "phong chức trước báo sau" như nhiều trường hợp khác, là chủ ý của Tổng giám mục Trịnh Như Khuê. Từ năm 1973, ông dịch những bài hát tiếng La tinh sang tiếng Việt. Cùng trong năm này, Đại Chủng viện Tràng Tập được mở cửa trở lại với danh hiệu mới: Đại Chủng Viện Thánh Giuse được giao cho Giám mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn làm Giám đốc, phó giám đốc là Linh mục Giuse Trần Văn Mai.
Tháng 5 năm 1974, khi Tòa Thánh mời dự Hội đồng Giám mục thế giới với chủ đề "Evangelization in the Modern World" (Loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện đại) tại Roma, vì lý do sức khỏe, Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê đã cử Tổng Giám mục phó Trịnh Văn Căn đi thay, với cha thư ký Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang tháp tùng. Ngày 21 tháng 09 năm 1974, ông rời Hà Nội sang Roma, tham dự Hội đồng Giám mục thế giới, khai mạc ngày 27 tháng 09 năm 1974. Đây là sự kiện đặc biệt vì lần đầu tiên sau 20 năm chiến tranh Giáo hội miền Bắc không có điều kiện liên lạc thường xuyên chính thức với Tòa Thánh Roma. Trong bài diễn văn khai mạc, Giáo hoàng Phaolô VI chào mừng Tổng giám mục phó của Tổng giáo phận Hà Nội. Tại Hội đồng Giám mục thế giới, ngày 03 tháng 10 năm 1974, ông đã đọc bài tham luận trình bày vắn tắt 4 điểm về tình hình hoạt động của Giáo hội tại miền Bắc Việt Nam và đón nhận những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Trong đó có một số điểm chính như sauː
Kính thưa Đức Thánh Cha, thưa các anh em khả kính,
Trong tình hình hiện tại của Miền Bắc Việt Nam, đây là điều những người Công giáo có thể thực hiện. Vậy với danh nghĩa cá nhân, tôi xin phép trình bày vắn tắt trong bốn điều về hoạt động tôn giáo của các tín hữu:
* Chúng tôi không có đủ linh mục: 300 linh mục cho một triệu giáo dân.
Chủ nhật và các ngày đại lễ, tín hữu lũ lượt đến các nơi có cử hành thánh lễ. Từng đoàn tín hữu gồm có người già, thanh niên, trẻ em, đôi khi dậy từ nửa đêm, tay cầm đèn đến nhà thờ có linh mục. Họ đi qua các làng ngoại giáo, những người này hỏi nhau xem họ là ai và đi đâu. Lập tức có người trả lời ngay rằng: "Họ đi lễ và thờ ông Giêsu!"Và những người ngoại giáo nhận xét: "Họ đi lễ vất vả và mất thì giờ, thế mà vẫn thấy họ vui vẻ và sung sướng".
* Chúng tôi có những ngày chầu Mình Thánh, ấn định cho mỗi xứ một năm một lần. Ngày ấy, các tín hữu từng nhóm một thay phiên nhau đọc kinh nguyện ngắm, tôn thờ Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể. Đó là một dịp để các tín hữu và ngay cả các người ngoại giáo gặp gỡ nhau, mời nhau ăn uống và nói về đạo...
* Tháng năm, đích thực là tháng hoa. Từng đoàn em gái nhỏ tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ, các em đồng ca, làm những cử động một cách rất cung kính, dâng lên Đức Mẹ. Việc sùng kính này thu hút nhiều người có đạo lẫn ngoại giáo. Người ta nhận thấy có nhiều trường hợp trở lại trong số những người dự lễ nghi dâng hoa này.
*  Sau hết, đêm Giáng Sinh, đám đông người có đạo và ngoại giáo tràn ngập các nhà thờ và các quảng trường lân cận, nơi cử hành thánh lễ nửa đêm. Quảng trường Nhà Thờ Lớn Hà Nội đen nghịt những người. Người ta đến đó vì tò mò, nhưng cũng là một dịp để mọi người đón nghe Lời Thiên Chúa và thưởng thức các bài hát đạo.
Kết lại:
Giáo tỉnh chúng tôi có những tội lỗi và yếu đuối. Nhưng nhờ đức tin, nhờ chăm chỉ cầu nguyện, tôn thờ phép Thánh Thể, sùng kính Đức Trinh Nữ là Mẹ và là Nữ Vương, nhờ các vị chủ chăn và các tín hữu hăng hái xây dựng lại các nhà thờ bị hư hỏng, bị phá hoại vì chiến tranh, cũng nhờ vào một vài cuộc truyền chức linh mục mới đây, chúng tôi tin rằng Phúc Âm sẽ được đón tiếp hơn nữa và danh Chúa Kitô sẽ được vinh quang hơn".
Hai mẹ con Đức cố  Hồng y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn gặp Đức Giáo Hoàng tại Vatican (Ngày 25/10/1974) 

Ngày 19 tháng 10 năm 1974, do sự sắp xếp của Đức ông Hasseler, người Đức, Giám đốc Caritas quốc tế chịu mọi phí tổn, ông được gặp lại mẹ của mình sau 20 năm xa cách: Từ tháng 03 năm 1947, ông rời Bút Đông lên Hà Nội về Đại chủng viện, khi được thụ phong linh mục năm 1949, mẹ ông ở miền quê Bút Đông xa xôi không thể lên Hà Nội dự lễ. Khoảng năm 1952, làng Bút Đông bị Pháp ném bom, bà phải lên Hà Nội với con gái. Năm 1954 bà theo con gái di chuyển vào Nam, tưởng như không bao giờ gặp lại con trai mình. Ngày 25 tháng 10 năm 1974 Giáo hoàng Phaolô VI tiếp bà tại phòng khách và chụp hình kỷ niệm. Sau khi bế mạc Đại hội đồng Giám mục Thế giới, ngày 26 tháng 10 năm 1974, ông đến trụ sở Trung ương Dòng Phanxicô ở Roma thăm linh mục Tổng Phục vụ Constantin Koser và ngỏ ý xin vào dòng Ba Phanxicô. Linh mục Tổng Phục vụ đón tiếp và miễn chuẩn cho ông khỏi qua năm "Tập" theo luật Dòng và nhận lời khấn của ông, đồng thời ủy quyền cho ông lập dòng Ba Phanxicô trong giáo phận. Năm 1976, ông xuất bản 3 tập Thánh Ca I, II, III. Cùng trong năm , ông tháp tùng tân Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đi nhận mũ đỏ, ngày 7 tháng 7, ông và Hồng y Trịnh như Khuê được đón tiếp tại Paris như sự hiệp thông của linh mục tu sĩ hải ngoại với Giáo hội quê hương.Ngày 6 tháng 8 năm 1978, Giáo hoàng Phaolô VI qua đời,Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đi bầu tân Giáo hoàng, Giáo hoàng Gioan Phaolô I ngày được chọn 26 tháng 8, Hồng y Khuê chưa kịp về nước thì ngày 26 tháng 9 tân Giáo hoàng Gioan Phaolô I đột ngột qua đời, Hồng y Khuê phải ở lại tiếp tục bầu Giáo hoàng - lần này là Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 16 tháng 10. Ngày 25 tháng 11, Hồng y Khuê về nước và ngày hôm sau vẫn dâng lễ bình thường. Tối ngày 27 tháng 11 năm 1978, Hồng y - Tổng giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh Như Khuê bị nhồi máu cơ tim và mất đột ngột, với chức vụ Tổng giám mục Phó, ông đương nhiên lên kế vị trở thành vị Tổng giám mục Hà Nội thứ hai. Ngày 30 tháng 11 năm 1978, Tổng giám mục kế vị Trịnh Văn Căn chủ tế lễ tang Cố hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê, đồng tế với ông còn có 11 giám mục và 50 linh mục.
1.5 Thời kỳ vinh thăng Hồng y (1970 - 1990)
 
Đức cố Hồng y Giám quản Tông Toà
Giuse-Maria Trịnh Văn Căn (1988-1990)
Cardinal apostolic administrator
Joseph - Maria Trinh Van Can (1988-1990)
Huy hiệu Hồng y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn là:
THƯƠNG YÊU, VUI MỪNG, BÌNH AN
(Caritas gaudiam pax)
Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trao mũ hồng y cho ĐGM. Giuse-Maria Trịnh Văn Căn
Ngày 30 tháng 6 năm 1979

Chỉ sáu tháng sau khi kế nhiệm, ngày 02 tháng 5 năm 1979, Tòa Thánh thông báo vinh thăng hồng y cho Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn.

Trung tuần tháng 9 năm 1979, ông lên đường sang Roma nhận mũ đỏ. Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang cùng tháp tùng, sau chuyến đi này, ông bổ nhiệm Linh mục Sang nhận chức vụ Linh mục Chánh xứ nhà thờ Chánh toà, Tổng quản khu vực Hà Nội - chức vụ trước khi là của ông.

Ngày 30 tháng 6 năm 1979, lễ trao mũ Hồng y được tổ chức tại Đại sảnh đường Phaolô VI do Giáo hoàng Gioan Phaolô II làm chủ lễ. Ngày 02 tháng 7 năm 1979, lễ trao nhẫn Hồng y được tổ chức. Ông chính thức nhận chức Hồng y linh mục nhà thờ Santa Maria in Via, trở thành vị Hồng y người Việt thứ hai. Ngày 8 tháng 7 năm 1979, tân Hồng y Trịnh Văn Căn đến nhận ngai tòa của mình tại Thánh đường Santa Maria in Via. Ngày 31 tháng 07 năm 1979 ông trở về Hà Nội bình an.

Sau khi nhận tước vị hồng y, ông tiếp tục tiếp xúc với chính quyền và Ban Tôn giáo trung ương để thu xếp hình thành một Hội đồng Giám mục Việt Nam thống nhất trên toàn quốc. Sau khi được Thủ tướng chính phủ chấp thuận, ngày 03 tháng 1 năm 1980, ông đưa đơn chính thức xin phép chính quyền Việt Nam cho các Giám mục Việt Nam được tập trung "Cấm phòng" ở Hà Nội để họp trù bị. Từ 24 tháng 4 đến 01 tháng 5 năm 1980, 33 Giám mục trong cả nước về Hà Nội dự đại hội thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam và chọn ông làm chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tại đại hội này, các giám mục ra thư chung đầu tiên, trong đó xác định đường hướng mục vụ của Giáo hội Việt Nam:
Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công Đồng dạy rằng "Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới" (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.
ĐHY.Trịnh Văn Căn chụp hình cùng Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Ngày 17 tháng 4 năm 1989
Đức Hồng y Giuse- Maria Trịnh Văn Căn đại diện đoàn Giám mục Việt Nam
do ông dẫn đầu gặp gỡ Đức Giáo hoàng Phaolo II. Trong chuyến đi Ad Lima
Ngày 22 tháng 6 năm 1980
Đức Hồng y Giuse- Maria Trịnh Văn Căn đại diện đoàn Giám mục Việt Nam do ông dẫn đầu, thay mặt đoàn phát biểu trước Đức Giáo hoàng Phaolo II. Trong chuyến đi Ad Lima (1980)

Trong chuyến đi của ông cùng tất cả Giám mục Việt Nam đi Ad Lima (bổn phận viếng mộ các Thánh tông đồ theo luật lệ của Giáo hội Công Giáo buộc các giám mục của mình cứ mỗi 5 năm), ở đây đoàn giám mục Việt Nam do ông dẫn đầu được ở Foyer Phát Diệm tại Roma đã được Giáo hoàng Gioan Phaolô II ưu ái đến thăm trong vòng 2 giờ.
Ngày 22 tháng 6 năm 1980
Bút tích Đức Giáo hoàng Phaolo II chúc phúc Đức Hồng y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn.
(Ngày 22 tháng 6 năm 1980)

Năm 1985, ông nhận được thư của Giáo hoàng Gioan Phaolô II, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Cũng trong năm này, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông đã ký bản Thỉnh nguyện thư lên Giáo hoàng Gioan Phaolô II để xin phong thánh cho 117 vị tử đạo. Sau khi ông làm đơn thỉnh nguyện phong thánh cho các vị tử đạo tại Việt Nam, bị chính quyền hạch sách đêm ngày.Giám mục phụ tá Hà Nội Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang kể lại: “Số là trong cuộc xáo động cách đây mấy chục năm về viễn tượng Giáo Hội Công Giáo Rôma sẽ phong 117 Á Thánh Tử Đạo Việt Nam lên hàng Hiển Thánh, các cuộc hội họp diễn ra khắp nơi, lời qua tiếng lại khen chê đủ kiểu. Chúng tôi Hội đồng Giám mục Việt Nam (lúc đó tôi đang làm tổng thư ký) được triệu tập ra cơ quan để nghe một vị có trách nhiệm thuyết trình. Vị đó nói rất hùng hồn và lôi cuốn, nhưng đa số những lời đó là để chỉ trích bôi nhọ các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người bán nước, đầu trộm, gian thương, xấu nết…Đột nhiên tôi thấy Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn quỳ xuống ôm mặt khóc ầm lên và lớn tiếng kêu: “Xin thôi, xin thôi! Ông không có quyền thóa mạ, bôi nhọ cha ông chúng tôi là những người chúng tôi yêu mến và kính trọng”. Nói đọan, ngài lại lớn tiếng khóc. Các giám mục thấy sự việc như vậy, yên lặng rút lui ra khỏi căn phòng, và cuộc họp tự động được kết thúc không kèn không trống”.
Cử chỉ đó cho thấy ông là một con người chân chất, nơi ông không giả dối. Có người nghĩ rằng đó là phản ứng tự nhiên của lòng hiếu kính đối với cha ông tổ tiên. Có người cho rằng một nhà lãnh đạo mà khóc lóc như vậy là ủy mỵ, yếu đuối. Có người nhận định đó là hành động can đảm dám lên tiếng phản ứng khi thấy cha ông mình bị xúc phạm. Cũng trong năm này, ông dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới khóa ngoại lệ năm 1985 (từ ngày 25 tháng 11 đến ngày 8 tháng 12 năm 1985) với chủ đề "The Twentieth Anniversary of the Conclusion of the Second Vatican Council" (Kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Ðồng Vatican II). Năm 1986, ông gặp ông Julian, Filochowski, Giám đốc Quĩ Công giáo Phát triển Hải ngoại (CAFOD) và chủ tịch của Tổ chức Hợp tác Quốc tế về Phát triển và Đoàn kết (CIDSE). CIDSE là cơ quan phối hợp của các cơ quan phát triển Công giáo ở châu Âu và Bắc Mỹ và có trụ sở tại Bỉ.Ngày Chúa Nhật Phục Sinh 1986, ông Julian mở một nhà máy cung cấp máu, phân bổ 325.000 đô là cho các dự án y tế tại Việt Nam, tài trợ cho công trình thủy lợi trong cả nước. "Chúng tôi làm việc ở đó trong tinh thần giúp đỡ người dân", ông Filochowski nói. Ông Filochowski tham dự một Thánh Lễ Phục Sinh được tổ chức tại Nhà thờ Hà Nội trong một cộng đoàn hơn 3.000 người. Ông đã gặp Hồng y Trịnh Văn Căn, người nói rằng CIDSE nên tiếp tục hồi đáp "với hoàn cảnh của nhân dân Việt Nam". Năm 1987, ông dự đồng Đại hội Giám mục thế giới khoá VII chủ đề "The Vocation and Mission of the Lay Faithful in the Church and in the World" (Các ơn gọi và sứ mệnh của các tín hữu giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới) với nhiệm vụ chủ tịch đại biểu. Cũng trong năm này ông xuất bản Thánh Ca tập IV 1987.Ngày 15 tháng 6 năm 1988, ông chủ tế Lễ tang Tổng giám mục Huế Philípphê Nguyễn Kim Điền. Đồng tế với ông có hầu hết các Giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam và rất đông các linh mục. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, mặc dù được biết chính quyền Việt Nam phản đối, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong Hiển thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam - việc mà ông đã liên tục xúc tiến, tuy nhiên từ Việt Nam, không ai được phép của chính phủ cho qua Vatican tham dự. Cũng trong năm này, ông được Toà Thánh bổ nhiệm làm Tổng giám mục Giám quản Tông Toà Tổng giáo phận Huế sau khi Tổng giám mục Huế Philípphê Nguyễn Kim Điền qua đời. Từ năm 1975, Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ngay từ những ngày đầu sau giải phóng, (5 tháng 5 năm 1975 hoặc ngày 12 tháng 5 năm 1975) đã ra Thư Chung kêu gọi linh mục, tu sĩ, giáo dân hợp tác với chế độ mới, trong thư có đoạn: 
"Một trang sử mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam. Từ ngày 30 tháng 4 vừa qua, chiến tranh đã chấm dứt, hoà bình đã trở lại trên đất nước thân yêu của chúng ta. Từ nay không còn bom đạn, tang tóc, hận thù, phân ly... Tất cả những tại hoạ đó đã thuộc về dĩ vãng. Đây là một niềm vui chung của dân tộc và, với cái nhìn theo đức tin cuả người tín hữu, đây cũng chính là một hồng ân của Thiên Chúa. Cùng với toàn thể đồng bào, chúng ta hãy hân hoàn chào mừng nền hoà bình độc lập mà hết mọi người yêu nước vẫn hằng mong đợi. Chúng ta hãy vui sướng trong cảnh gia đình đoàn tụ và đồng thời ghi ơn tất cả những ai đã tận tình hy sinh để kiến tạo hạnh phúc cho toàn dân. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì muôn ngàn ân phúc Ngài đã ban cho toàn thể dân tộc chúng ta". Tháng 1 năm 1989, ông chủ tế lễ tang Giám mục Hưng Hoá Giuse Phan Thế Hinh. Tháng 4 cùng năm, ông uỷ nhiệm Giám mục phụ tá Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang thay mặt mình tham dự Ðại hội Thánh Thể quốc tế tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc). Ngày 01 tháng 7 năm 1989, Hồng y Roger Etchagaray, đại diện của Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Việt Nam trong 2 tuần lễ. Đây là quan chức cao cấp nhất của Vatican đến Việt Nam sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau khi Hồng y Roger trở về, ông viết thư cám ơn Hồng y Roger Etchegaray về chuyến thăm Việt Nam. Ông xem đây là một "lễ Hiện Xuống mới", cùng năm này, ông xuất bản sách "Học đàn, học nhạc, học hát". Năm 1990, Toà Thánh lại bổ nhiệm ông làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Thái Bình - thay cho Giám mục Giuse Maria Đinh Bỉnh qua đời tháng 3 năm 1989, Giáo phận Thanh Hoá - thay cho Giám mục Phêrô Phạm Tần qua đời tháng 2 năm 1990 và Giáo phận Hưng Hoá - thay cho giám mục Giuse Phan Thế Hinh.
Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn đang ban phép lành cho các cha DCCT
và các cộng tác viên DCCT sau buổi gặp mặt. (tháng 5 năm 1990)
 1.6 Ngày cuối cuộc đời
Phần mộ của Hồng y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn

Vào lúc 20 giờ 30 ngày 18 tháng 5 năm 1990, ông qua đời  đột ngột trong phòng làm việc vì bệnh nhồi máu cơ tim và áp huyết đột ngột, thọ 69 tuổi. Giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi thư chia buồn đến Giám mục phụ tá Hà Nội Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang.Đài phát thanh Vatican gọi Hồng y Căn là một người khẳng định không nhượng bộ của các chân lý của đức tin... là người với không ít sức mạnh bảo vệ các cơ sở của giáo hội trong các vấn đề chính trị và xã hội đau đớn của đất nước.

Các đường phố xung quanh nhà thờ bị đóng cửa sớm từ ngày 22 tháng 5. Lễ an táng được cử hành ngày 23 tháng 5 năm 1990, do Hồng y người Pháp Roger Etchegaray, đặc sứ Giáo hoàng Gioan Phaolô II, làm chủ lễ, cùng với sự tham dự của 20 Giám mục, 120 linh mục và khoảng 80.000 giáo dân. Ước tính khoảng 1 triệu người đã đến bao quanh quảng trường lớn của nhà thờ vào một ngày sau khi ông mất.

Khi tin Hồng y Căn đã mất,  hàng ngàn người đã đổ tới đây, tuy nhiên chỉ có khoảng 3.000 người được đi qua căn phòng nhỏ tại nhà riêng của ông mỗi ngày và là nơi đặt thi thể của ông. Phần mộ của ông được an táng tại gian trái nhà thờ chính tòa Hà Nội.
 2. Đóng góp
Trong thời gian làm Chánh xứ, ông đã cho thực hiện hai công trình lớn tại xứ đạo Hà Nội:
  • Xây nhà nguyện trong khuôn viên Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt-Đức), khánh thành ngày 1 tháng 5 năm 1958.
  • Trùng tu Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, một thánh đường cổ kính được xây cất từ năm 1884 và hoàn thành năm 1888 dưới thời Giám mục Puginier (Phước, 1835-1892). 
Để khắc phục sự khó khăn về kinh phí tu sửa nhà thờ Chính tòa Hà Nội, ông tổ chức xổ số trong giáo xứ với 100.000 vé phát hình, mỗi vé 5 đồng. Các hội đoàn, giáo dân, thiếu nhi... trong giáo xứ đều hưởng ứng ủng hộ nên vé bán hết và sau đó ngày mở số diễn tiến tốt đẹp. Nhiều người trúng giải tặng lại cho quỹ trùng tu nhà thờ.
Năm 1963, khi Giuse Maria Trịnh Văn Căn được tấn phong Tổng giám mục Phó của Tổng giáo phận Hà Nội thì Tổng giáo phận Hà Nội có 157.000 giáo dân, 51 linh mục, và 112 nhà thờ Năm 1978, khi Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đột ngột qua đời, Giuse Maria Trịnh Văn Căn trở thành Tổng giám mục Hà Nội thì lúc đó con số giáo dân đã tăng lên rất nhiều. Tính từ khi nhận chức linh mục phó xứ Hàm Long năm 1949 cho đến khi kế vị Tổng Giám mục Hà Nội năm 1978, trong gần 30 năm, Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã luôn là người phụ tá đắc lực cho Hồng y Trịnh Như Khuê trong việc như điều hành giáo hội tại miền Bắc, đặc biệt là trong hoàn cảnh tế nhị bấy giờ khi bang giao giữa Tòa Thánh Vatican và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn bị cắt đứt.
Giuse Maria Trịnh Văn Căn cũng là người hoàn tất việc xúc tiến mở hồ sơ phong thánh cho các thánh tử đạo Việt Nam. Dù phải chịu nhiều áp lực thậm chí phản đối từ phía chính quyền, vấn đề phức tạp và tế nhị này đã được giải quyết với ý nghĩa thuần túy tôn giáo, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với cộng đồng Công giáo Việt Nam.
Một trang trên dịch phẩm Kinh thánh do Giuse Maria Trịnh Văn Căn thực hiện, Tòa Tổng giám mục Hà Nội xuất bản năm 1985. Công trình dày 2362 trang khổ 19x20cm bao gồm 46 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước.

Từ năm 1972, Giuse Maria Trịnh Văn Căn bắt đầu tổ chức dịch Kinh Tân ước. Dù bị giới hạn bởi hoàn cảnh chiến tranh, nhưng tính tới năm 1975, sách cũng đã xuất bản được 5.000 cuốn. Đến năm 1978, ông tiếp tục dịch Kinh Cựu ước và cho đến cuối năm 1988 thì hoàn thành. Năm 1985, trong hoàn cảnh khó khăn của những năm tháng trước thời kỳ Đổi mới, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã nỗ lực xuất bản được toàn bộ bản dịch Kinh thánh của Giuse Maria Trịnh Văn Căn ra tiếng Việt, một công trình lớn tới 2362 trang khổ 19x20cm, dày dặn, bao gồm 46 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước. Các bản dịch do Giuse Maria Trịnh Văn Căn chủ biên được cho là sử dụng ngôn ngữ thông thường với lời văn bình dị, dễ hiểu, nghe xuôi so với các bản dịch cũ. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi nhiều chỗ dịch khá thoáng, chưa lột được hết ý của nguyên văn.
Giuse Maria Trịnh Văn Căn cũng được cho là có công lớn trong việc sưu tầm, chỉnh lý, bổ sung, hệ thống hóa, và phổ biến rộng rãi những bài văn cổ dâng hoa. Ông đã bỏ nhiều công sức để ghi nhạc, sửa lời những bài văn quý tản mát, mai một, và đã xuất bản được 7 bộ dâng hoa; một số bài hát dâng hoa đi đôi với các bài văn. Đây được đánh giá là những tư liệu quý cho nghiên cứu âm nhạc dân tộc và sự hội nhập văn hóa của Công giáo Việt Nam vào dòng âm nhạc dân tộc. Ngoài ra Giuse Maria Trịnh Văn Căn còn dịch một số bài hát tiếng Latin sang tiếng Việt. Ông nhờ người đến các trại cải tạo thăm nuôi những linh mục bị giam cầm trong khi ông tiếp xúc với chính quyền đề nghị cho các linh mục đang bị quản chế được về thi hành mục vụ. Trong suốt 27 năm làm Giám mục, Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã truyền chức cho rất nhiều Giám mục miền Bắc.
3. Nhận xét
Ngày 18 tháng 5 năm 1991 vào lễ giỗ đầu tiên của ông, Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận giảng cho chủng viện Tổng giáo phận Hà Nội và nói về ông như sau:
Ngài là môt mục tử nhân lành. Vì yêu thương kẻ nghèo khó, ai đến xin giúp đỡ, Ngài cũng không từ chối. Ngài cũng rất yêu mến Lời Chúa và tìm mọi cách để có đủ sách hát, sách dâng hoa, sách kinh cho giáo dân. Chính Ngài cũng đặt thêm nhiều kinh và dịch Kinh Thánh.
Ngài sùng kính Đức Mẹ và kêu gọi giáo dân yêu mến và phó thác vào tay Mẹ. Thay mặt Tổng giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt, linh mục Lôrensô Chu Văn Minh (sau thành Giám mục) đồng tế cùng các linh mục trong hạt Hà Nội tổ chức lễ giỗ lần thứ 18 cho ông. Có nhiều sơ dòng, rất đông giáo dân đến dự. Linh mục Lôrensô Minh xem người thầy của mình như là lãnh tụ của Giáo hội Việt Nam, luôn giữ vững niềm tin và giúp giáo dân giữ vững niềm tin trong những lúc khó khăn. Chính ngài đã ký thỉnh nguyện thư xin phong thánh tử đạo Việt Nam. Vụ này ngài chịu nhiều áp lực, nhiều đau khổ mà ngài âm thầm chịu đựng, không một lời ta thán.
Vào lần gần đây nhất năm 2015, Hồng y-tổng giám mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng khoảng nhiều linh mục trong và ngoài Tổng giáo phận tham dự thánh lễ giỗ. Trong bài giảng tưởng nhớ về Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Giám mục Lôrensô Chu Văn Minh có nhận xét về cuộc đời ông như sau:
Ngài là con người cương trực, đơn sơ và khôn ngoan. Ngài là vị chủ chăn đã biết nhìn nhận thời cuộc để lèo lái con thuyền Giáo Hội Việt Nam nói chung và Tổng giáo phận Hà Nội nói riêng vượt qua những gian nan thử thách và mở ra với thế giới đang mỗi ngày một đổi thay, đặc biệt sự mở ra này thật là thích hợp trong bối cảnh chính trị và xã hội trong nước vào những thập niên 80, thời kỳ của một đất nước đang chuyển mình để tiến vào giai đoạn mở ra với thế giới.

Giám mục phụ tá Hà Nội Laurensô Chu Văn Minh

4. Câu nói đáng ghi nhớ của ĐHY. Giuse-Maria Trịnh Văn Căn

“Xin thôi, xin thôi! Ông không có quyền thóa mạ, bôi nhọ cha ông chúng tôi là những người chúng tôi yêu mến và kính trọng.” (Giũ bụi trần ai - Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang)

II. ĐỊA PHẬN HẢI PHÒNG
Từ năm 1953 đến năm 1959 Đức Giám mục Trương Cao Đại. Từ năm 1955 đến năm 1960 Đức Giám mục Khuất Văn Tạo làm Giám quản. Từ năm 1960 đến năm 1978 làm Tổng giáo phận. Từ ngày 18/12/1978 Đức Giám mục quê hương Bút Đông Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương làm Tổng giáo phận.
Nhà thờ Chính tòa Hải Phòng (năm 1950)
Nhà thờ Chính tòa Hải Phòng (năm 2007)
III. ĐỊA PHẬN BAN MÊ THUỘT
Từ năm 1967 Đức Giám mục Nguyễn Duy Mai làm Tổng giáo phận. Sau đó hai Đức Giám mục quê hương Bút Đông làm Tổng giáo phận đó là: Đức Giám mục Trịnh Chính Trực người về hưu, sau đến Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tích Đức quản nhiệm.
Đức Gm. Giuse Trịnh Chính Trực

Đức Gm. Giuse-Maria Nguyễn Tích Đức

Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột (năm 2011)
PHẦN VIII: TẢN MẠN VIỆC CÔNG ĐỨC THEO GIÁO DÂN KỂ CHUYỆN
Việc đúc chuông nhất và tưởng ảnh 14 nơi thương khó trong nhà thờ xứ Bút Đông.
* Năm 1923 xứ ta mới đúc chuông nhất, chuông được đúc tại Pari thủ đô nước Pháp. Cầm đầu đúc chuông là cụ ông Phêrô Quyền và bà Anna Ngoan.

Kinh phí do các linh mục sinh trưởng tại quê hương cung tiến: Linh mục Phêrô Toàn - Linh mục Phêrô Tuyển - Linh mục Phêrô Diện - Linh mục Phêrô Ngũ - Linh mục Giuse Am - Linh mục Phêrô Thân - Linh mục Phaolô Hanh.
* Đến năm 1930 các cha bản xứ cung hiến kinh phí để mua sắm được một bộ ảnh tượng gồm: 14 nơi thương khó Đức Chúa Giêsu.
HẠNH CÁC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO VIỆT NAM

* Các Thánh Tử Vì Đạo liên quan đến xứ đạo Bút Đông


Nhà nguyện Thánh Luca Vũ Bá Loan (2014)


Thánh Tử  Vì Đạo - Luca Vũ Bá Loan
Đức Gioan Phaolô II suy tôn Ngài lên bậc Hiển Thánh (Ngày 19/6/1988)

1. Thánh Luca Vũ Bá Loan (1756 - 1840)
Truyện tử đạo Thánh Luca Loan, vị liên trưởng trong số 117 thánh tiên khởi Việt Nam (84 tuổi), là một trong những bằng chứng cụ thể nhất về sự phi lý của các bản án tử đạo. Ngài đã bị giết chỉ do án lệnh của triều đình, trong khi tại địa phương, mọi người đều kính yêu vị linh mục 84 tuổi, râu dài, tóc bạc, hiền lành, đôn hậu. Từ quan huyện, quan tòa đến lính ngục, tất cả đều thấy ngài đáng tuổi cha ông mình, nên xưng hô bằng "Cụ', và còn đối xử nhân đạo với ngài: Gần năm tháng tù không một đòn roi, không phải cùm gông. Ngày xử tử, hai người lính tình nguyện cáng cha ra pháp trường. Cả mười lý hình được lệnh chém đầu cha đều bỏ trốn dù biết sẽ bị phạt, và viên đao phủ thứ mười một chỉ dám thi hành phận sự sau khi đã xin lỗi, và nói rằng mình bị bó buộc miễn cưỡng thôi. Đời linh mục ướp nồng bằng lời nguyện
Luca Vũ Bá Loan sinh năm 1756 ở họ Bút Quai, thuộc xứ Bút Đông, giáo phận Tây Đàng Ngoài. Từ thiếu niên, cậu đã dâng mình cho Chúa, rồi tu học ở Phú Đa và Kẻ Bèo. Sau khi thụ phong linh mục, cha Loan đến giúp xứ Nam Sang sáu tháng, rồi về giúp cha già Liêm xứ Kẻ Vồi. Năm 1828, khi Đức cha Longer Gia chia xứ Kẻ Vồi làm hai thì cha Loan nhận xứ mới là Kẻ Sở cho đến ngày bị bắt. Trong nhiệm vụ linh mục, những người biết cha đều học được nơi cha một mẫu gương sáng ngời về các nhân đức. Đặc biệt là lòng yêu mến Chúa, nhiệt tâm phục vụ các linh hồn và nếp sống thanh bạch.
Cha Loan chuyên chú nhiều trong việc giảng dạy. Vào mùa Chay, mỗi ngày cha giảng ba lần. Bài giảng của cha ngắn gọn, đơn sơ dễ hiểu, nhưng rất thực tế với những chỉ dẫn áp dụng cụ thể trong cuộc sống. Cha ít dùng lý luận, cha nói bằng kinh nghiệm bản thân mình về Đấng cha đã gặp gỡ thực sự trong kinh nguyện và thánh lễ.
Khi cầu nguyện cha như xuất thần, quên hết mọi truyện chung quanh, dù ai gây tiếng động sát bên cũng không làm cha gián đoạn cuộc tiếp xúc với Đấng linh thiêng được. Hầu như cha không bỏ dâng lễ bao giờ. Thánh lễ cha cử hành có màu sắc trang nghiêm khoan thai, cung kính đặc biệt. Một thày giảng góp ý xin cha dâng lễ nhanh lên như các linh mục khác.
Cha giải thích: "Không được con ạ. Lễ Misa là việc cao trọng nhất trên trần gian. Không có gì đáng để chúng ta phải cử hành thánh lễ cách vội vã cả. Việc thờ phượng Chúa cần phải làm cho trang nghiêm sốt sắng" và thánh lễ của cha chưa kết thúc ở lời chúc bình an, cha thường quỳ lại lâu giờ trước Thánh Thể để tạ ơn Chúa.
Cha Loan đã thưa gì với Chúa trong giờ kinh nguyện? Có Chúa mới biết được. Phải chăng cha xin Chúa dạy những gì phải giảng, hay là cầu nguyện cho tín hữu trong xứ, cầu nguyện cho Giáo Hội, cho đồng bào? Có điều chắc chắn: song song với kinh nguyện đó, cha thường xuyên đến thăm những người nghèo khó bệnh tật, cha tận tâm nuôi dạy một vài em hiền lành nhanh nhẹn để chuẩn bị linh mục cho tương lai, và cha nhiệt thành hướng dẫn giúp đỡ nhiều tín hữu sống nhân ái với mọi người, dú có đạo hay không.
Một đặc điểm khác nơi cha Loan là lòng khiêm tốn trong phục vụ. Khi Đức cha gởi linh mục phó xứ Kẻ Sở, cha tín nhiệm, khích lệ và nâng đỡ tận tình. Cha nói: "Xin trao phó mọi sự cho cha, tôi đã già lại chậm chạp. Xin cha coi sóc cửa nhà, giúp người và coi sóc cả tôi nữa". Tuy được giáo dân sẵng sàng trợ cấp mọi nhu cầu cần thiết, nhưng cha Loan tự giới hạn cho mình. cha muốn sống nghèo khó theo gương Đức Giêsu. Áo quần, cha mặc cho đến sờn rách, vá trên vá dưới mới chịu dùng cái khác. Ăn uống cha chọn những thứ bình dân như người trong xứ. Khi đi giảng ở đâu, nếu ai dọn "mâm sang cỗ đầy" một chút là được cha tỏ thái độ liền. Đức cha Jeantet Khiêm ca tụng cha rằng: "Thày xét các việc cha Loan làm từ khi chịu chức linh mục đến ngày tử đạo, thày thấy có lẽ trong số linh mục Việt Nam từ trước đến nay không ai sánh bằng".
Bị sa tay kẻ gian. Bấy giờ có hai người là Bá hộ Kiếng là thủ kho ở làng Bún và Đô Cang ở phố Vồi. Cả hai đều ngoại giáo, cả hai phạm pháp bị "án giảm giam hậu" hiện đang chờ xét xử. Họ bàn tính với nhau đến bắt cha Loan để lập công chuộc tội. Thế là tối ngày 10/1/1840 (vào ngày 06 tháng 12 AL, năm thứ 20 đời vua Minh Mạng), chúng đưa năm sáu đầy tớ xuống thuyền đến Chuôn Thượng, khi cha vừa dùng cơm xong, họ giả làm khách đến thăm cha, rồi mời xuống thuyền chở thẳng về làng Bún. Các bổn đạo khi biết tin đến xin chuộc, họ đòi 2.000 quan. Cha Loan thương giáo hữu nghèo nên trình bày: "Các anh đòi 200 quan may ra còn liệu được, chứ bạc ngàn thì vô phương". Bá hộ Kiếng định hạ giá xuống, nhưng Đô Cang vì muốn giảm án của mình, nên nhất định không cho chuộc.
Hai người đem nộp cha cho quan huyện Phú Xuyên, nhưng quan không chịu nhận, họ lại phải đưa cha về thẳng Thăng Long. Vừa đến công đường, quan đầu tỉnh chỉ thẳng mặt hai ông mắng rằng: "Quân dại dột, sao bay đang tâm bắt người hiền lành đạo đức, lại đáng tuổi cha ông chúng bay thế này?". Tuy nhiên vì vua Minh Mạng đã ra lệnh bắt đạo, và việc cha Loan bị bắt đã công khai, quan đành ra lệnh giam cha lại. Tuổi cao nhưng vững vàng sốt sáng. Tuy phải ra tòa hai lần, nhưng Cha luôn được các quan đối xử lịch sự và kính trọng mái đầu bạc. Các quan chỉ điều tra lý lịch và khuyên Cha đạp lên Thánh Giá.
 * Lần thứ nhất: Quan hỏi quê quán ở đâu? Học đạo với ai? Đã ở những nơi nào? Cha tìm cách nói khéo đi rằng: "Thưa quan lớn, quê tôi ở Trác Bút, xã Thượng Thôn, tôi học Đạo ở Phú Đa và Kẻ Bèo, các linh mục nuôi tôi và Đức cha truyền chức cho tôi thì đã qua đời từ lâu. Vua cấm Đạo, tôi phải trốn ẩn nay đây mai đó, chỗ nào không chứa, tôi ẩn vào chùa nọ, đình kia. Quan bảo Cha khoá quá, rồi tha. Cha từ chối.

 * Lần thứ hai: Cố ép Cha khoá quá không được, các quan bảo rằng: "Cụ già thế này mà phải giam tù cực khổ, có khi phải án chết, cụ khoá quá đi để được sống". Cha nói: "Tôi già thế này mà còn tham sống, sợ chết ư? Lẽ nào tôi dám đạp lên ảnh Chúa tôi thờ. Quan thương tôi được nhờ, quan giết tôi, tôi bằng lòng không dám kêu ca phàn nàn.

Quan lại hỏi Cha rằng: "Vua cấm Đạo ngặt sao các ông cồn cố tình theo đạo ngoại quốc, bỏ đạo cha ông nên bị vua nghiêm phạt, truyền phải trảm quyết". Cha trả lời: "Tôi chẳng theo Chúa của nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa trời đất, Chúa của muôn dân thôi". Vua dạy sự phải, tôi xin vâng ngay, còn sự bỏ Chúa tôi thờ, thì thà chết chẳng thể phạm tội ấy. Tôi là Đạo trưởng mà quan lớn bảo tôi khoá quá sao được?"

Cha phải giam năm tháng, trong trại giam cha Loan chỉ bị gông cùm nhẹ, chỉ phải cùm hai ba đêm, vì các thầy giảng chạy tiền cho lính canh xin tháo cùm vì: "Cụ già quá rồi, có bảo trốn cũng chẳng đi được, mấy anh cùm lại làm chi ?". Lính thông cảm tuổi già nên không cùm cha một ngày nào nữa.

Một lần quan Tỉnh xuống trại giam gặp cha, dặn dò lính canh: "Cụ già tuổi tác cao, phải xử cho hẳn hoi, đừng cấm người ta vào thăm". Nhờ thế, trong những ngày tháng giam tù, cha Loan được rất nhiều người thăm nuôi tiếp tế. Quà biếu nhận được, cha chia sẻ cho lính và các bạn tù nên càng được họ quý mến.

Tuy không thiếu thốn vật chất, nhưng vì sức yếu tuổi già, lại phải ở nơi chật hẹp hôi hám, sau một tháng tù cha Loan trở bệnh nặng, chân phù, mặt sưng, cộng với căn bệnh suyễn kinh niên, làm cha kiệt quệ, nhiều lúc tưởng không hy vọng đi tới đích cuối cùng lãnh phúc tử đạo. Viên cai ngục thấy thế tội nghiệp, tâu trình và xin phép quan cho một bổn đạo họ Chuôn Trung ở luôn trong tù chăm sóc cho cha đến ngày xử tử. Hai ba giáo xứ nài nỉ cha làm tờ di chúc thi hài sau khi chết cho xứ mình. Cha chỉ cười và nói: "Xác tôi cũng là tro bụi, chết rồi cũng tanh hôi cho giòn bọ rúc rỉa, các ông xin làm chi?". Thế nhưng cha nhận lời ký giấy trao thi thể cho họ Chuôn Trung, xứ Kẻ Chuôn là xứ đạo của người giúp cha trong tù, được lo liệu mai táng khi cha khải hoàn về Thiên Quốc. Vinh phúc thiên thu.

Quan Tỉnh Hà Nội tuy quý trọng cha, nhưng lại sợ vua Minh Mạng, nên khi thấy cha cương quyết không bỏ đạo, ông đành làm án xử trảm quyết. Vua Minh Mạng châu phê và ra lệnh thi hành. Trước ngày xử, một bổn đạo tìm cách đưa cha Tuấn vào tù giải tội và trao Mình Thánh cho cha già.

Đúng ngày 05/6/1840, quân lính tình nguyện cáng cha già Loan ra pháp trường, nhưng cha cám ơn từ chối. Vì trời nắng gay gắt, cha chỉ chấp nhận cho hai tín hữu đi hai bên cầm lọng che nắng. Viên quan giám sát chủ trì phiên sử thấy cha đi bộ cũng bỏ ngựa, giao cho một người lính rồi cùng đi ra cửa ô Cầu Giấy là nơi thi hành bản án. Đến nơi, ông nói với cha: "Cụ muốn làm gì thì làm đi". Cha Loan qùi xuống cầu nguyện, rồi vui vẻ đưa tay cho lính cột trói vào cọc. Mười người lính được chỉ định chém cha Loan bỗng trốn đi đâu hết. Uy tín của cha qúa lớn, đến độ họ cứ sợ sau khi chết, hồn cha sẽ nhập vào họ trả thù chăng. Để giải quyết vấn đề, quan liền sai một người lính nam bộ, anh Minh, người lính bất đắc dĩ đó đã đến lạy cha Loan và biện bạch rằng: "Việc vua truyền chúng cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho, cháu sẽ giúp cụ chết êm ái. Khi về trời, cụ nhớ đến cháu nhé". Cha Loan gật đầu, rồi ra hiệu cho anh thi hành phận sự. chỉ một nhát chém, cha giã từ trần thế về Thiên Quốc. Các tín hữu xông vào cởi áo, thấm máu vị tử đạo như một chứng tích anh hùng của người cha tuy già yếu nhưng mạnh mẽ về niềm tin.

Được ân huệ trối trăng, xứ Kẻ Chuôn đem thi hài cha về chôn cất ở họ mình. Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn cha Luca Vũ Bá Loan lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900. Ngày 19/6/1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

2. Thánh Gioan Ven (St. Jean Théophane Vénard Ven) 

Thánh Gioan Ven (1829 - 1861), khi xưa người ẩn ở nhà dòng tại giáo xứ Bút Đông gần 03 năm. Đương thời ngài thường tuyên thệ với các vị chức sắc trong làng: Khi nào ngài được về trời, sẽ cầu xin Đức Chúa Trời phù hộ cách riêng cho giáo xứ Bút Đông. Được một thời gian sau ngài về xứ Kẻ Bèo ở ẩn và dâng lễ. Cũng tại đây ngài đã bị bắt và sát hại.


Thánh Gioan Ven
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo

(Ngày 19 tháng 6 năm 1988)


Thánh Gioan Thêôphan Vénard Ven chào đời ngày 21 tháng 11 năm 1829 tại ngôi làng nhỏ bé Saint Loup-sur-Thouet thuộc tỉnh Deux-Sèvres miền tây nước Pháp. Cha là cụ Gioan Vénard, giáo viên và mẹ là bà Maria Guéret. Ngay từ hồi nhỏ cậu Thêophan Vénard, thân hình nhỏ bé, khôi ngô, ưa thầm lặng suy tư và rất thích đọc sách. Lúc mới 08 tuổi, cậu đọc chuyện Chân Phước Carolô Cornay – Cha thánh Tân Tử đạo - Cậu Thêophan Vénard đã nói với mẹ: “Con cũng muốn đi Việt Nam và muốn tử đạo” Bà mẹ thấy cậu con trai mới 08 tuổi mà nói như thế thì cười, không nói gì. Mấy tuần lễ sau, cậu ngỏ ý với bố: ”Bố ơi! Con muốn đi tu làm linh mục”. Thấy con ngỏ ý muốn đi tu thì ông già vui mừng, nên đã gửi cậu vào học trường Giáo xứ Saint Loup để bắt đầu học La tinh, rồi năm 1841 lại được chuyển tới trường trung học Doué trong tỉnh Maine-et-Loire. Ngay từ nhỏ cậu đã được mọi người khen ngợi là người ngoan đạo, dễ thương, gia đình cậu thật hạnh phúc, đầm ấm..Nhờ bầu khí đạo đức thánh thiện của gia đình nên ngay từ nhỏ cậu đã tỏ ra rất hiền hoà, phong độ và đầy nghị lực, học hành giỏi giang , được các thầy cô và bạn bè thương mến. Dần dần khi khôn lớn và học về địa lý Á Châu, cậu mơ ước có ngày được đặt chân tới những vùng đất tốt đẹp này để loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Cứu Thế. Khi đọc những gương anh hùng tử đạo của các vị thánh, cậu ước ao được phúc tử đạo như các vị thánh anh hùng tử đạo vì đã loan truyền Tin Mừng của Chúa Kitô.
Được sống trong khung cảnh của một gia đình đạo đức sốt sắng như vậy, lòng đạo đức và tinh thần truyền giáo mỗi ngày triển nở thêm lên. Cậu quyết tâm được dâng mình cho Chúa để trọn đời phục vụ Chúa, mong làm sáng danh Chúa Cứu Thế rồi một hôm sau khi đã cầu nguyên sốt sắng với Chúa và như nghe được tiếng mời gọi của Chúa nên cậu đã mạnh dạn xin phép cha mẹ để đi tu. Cha mẹ biết lòng nhiệt thành và ý chí cậu muốn dâng mình cho Chúa, các ngài vô cùng sung sướng, vui mừng chấp thuận lời xin của cậu. Sau khi được cha mẹ chấp thuận, cậu hăng hái xin gia nhập tu viện Saint-Loup và theo Ban Thần Học tại Đại Chủng Viện Portiers.

Một đặc điểm nổi bật trong đời sống thiêng liêng của thầy Thêophan Vénard Ven là lòng sùng kính yêu mến Phép Thánh Thể. Đối với thầy, Thánh Thể chính là nguồn sinh lực giúp thầy can đảm lướt thắng mọi thử thách, lướt thắng mọi cám dỗ gian nan trong cuộc sống. Năm 1851, thầy gia nhập vào Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris và thụ phong linh mục năm 1852. Sau khi thụ phong linh mục, cha được lệnh Bề trên xuống tầu buôn Philotaxe của Hoà Lan ở Anvers sang Hồng Kông để học hỏi thêm về kiến thức và ngôn ngữ mong dễ dàng giao tiếp với dân bản xứ, sau hơn 04 tháng trời, tàu mới cập bến Singapore ở đây cha gặp bốn chủng sinh Việt Nam đang học tai chủng viện Pénăng do các linh mục Hội Thừa Sai Paris điều hành . Lần đầu tiên cha được tiếp xúc với người Việt Nam, cha có cảm tình và quí mến ngay những chủng sinh Việt Nam này.. Dừng chân ít ngày rồi lại tiếp tục đi Hồng Kông, tại đây cha đã phải vất vả học chữ Nho cho tới tháng 02 năm 1854, tức 02 năm sau cha mới được cử sang truyền giáo tại địa phận Tây Bắc Kỳ trong thời vua Tự Đức. Nói tới thời vua Tự Đức, chúng ta đều biết rằng đây là thời gian rất khó khăn cho các vị Thừa Sai, vì vua Tự Đức đã ra sắc lệnh cấm Đạo và truyền Đạo rồi. Tuy thế, cha Gioan Thêôphan Vénard Ven vẫn kiên trì bằng mọi cách để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ.
Tháng 8 năm 1854 cha tới Kẻ Đoan học tiếng Việt, nhưng vì đau yếu phải sang tạm trú tại chủng viện Hoàng Nguyên - Hà Nội. Lúc này cuộc bắt đạo đã bùng lên khắp nơi, chỉ trong một tuần lễ mà cha phải di chuyển tới bốn lần, cuối cùng phải lánh nạn tại xứ Bút Đông. Trong những ngày này cha phải khổ cực trốn lánh, phải lặn lội trong những ruộng lúa hay chui rúc trong các lùm cây trong đêm tối. Năm 1857 cha được bề trên trao phó coi sóc cả hạt Hoàng Nguyên, gồm 04 xứ đạo, dân số lên tới 12 ngàn người Công giáo. Công việc nặng nhất khi ấy là ngồi tòa giải tội. Nhiều ngày phải giải tội tới đêm khuya Thầy giảng Nguyễn Duy Khang thấy cha ốm yếu mà ngồi giải tội nhiều giờ quá như vậy thì khuyên cha giảm bớt giờ giải tội đi để nghỉ ngơi đôi chút thì cha nói: “Nếu được chết trong khi ngồi toà giải tội cho người ta thì thật là có phúc vô cùng”. Vua Tự Đức đã sẵn lòng ghét đạo, rất ác cảm với các giáo sĩ tây phương thì năm 1858 đoàn thủy thủ của quân đội Pháp lại ra vào cửa biển Đà Nẵng như muốn khiêu khích lòng ghen ghét của vua Tự Đức. Chính vì thế mà vua Tự Đức lại càng trở nên gay gắt và cuồng nhiệt trong việc diệt trừ đạo Gia Tô, vì vua nghĩ rằng đạo Gia Tô là chiêu bài của quân đội Pháp. Trước tình thế quá khó khăn và cực kỳ nguy hiểm này, cha Vénard Ven bỏ Hoàng Nguyên về xứ Bút Đông trốn trong nhà nguyện Dòng Mến Thánh Giá. Tại đây cha được các nữ tu và rất nhiều người trong đó có ông Tần là Chánh Tổng Phúc Châu giúp đỡ. Ông Chánh Tổng Tần không phải là người Công giáo nhưng lại rất thân và quí trọng cha nên đã nhiều lần ông muốn cứu thoát cha để khỏi bị bắt. Nhưng rồi tại xứ Bút Đông có một người biết nơi ẩn trốn của Cha, do muốn lập công nên đã đi tố cáo với nhà cầm quyền sở tại để lùng bắt Cha. Trong một bức thư gửi cho bạn, cha Gioan Vénard Ven đã viết: “Một lần tôi và Đức Cha Theurel Phan cùng ẩn núp trong bức tường bí mật giữa hai ngôi nhà trong Tu Viện Mến Thánh Giá - Bút Đông, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, chứng kiến cảnh quân đội xông vào Tu Viện trong suốt 04 tiếng đồng hồ, bắt trói các nữ tu, đánh đập họ để điều tra chỗ hai vị Thừa Sai ngoại quốc ấn núp. Trong khi đó nhóm khác đi sục sạo hết mọi nơi, mọi xó, tịch thu của cải. Núp đàng sau vách tường, chúng tôi nín hơi không dám thở, mãi cho đến sáng khi gà gáy một viên chức trong họ Đạo mời được họ về nhà ông để ăn sáng. Chúng tôi lén sang trọ nhà một bà cụ già suốt 03 tuần lễ, thu mình trong một căn phòng đen tối. Nhưng rồi một buổi sáng tinh sương nhà chúng tôi ẩn trú đã bị bao vây. Thì ra một người giáo gian đã chủ mưu, biết rõ chúng tôi đang ở trong họ Đạo nên đã đi tố cáo và dẫn quân lính về đạp đổ hết mọi đồ đạc trong nhà. Một bức tường xa chúng tôi chừng ba thước đã sụp đổ, nhưng Chúa đã che mắt họ không nhìn thấy chúng tôi…Chúng tôi phải ẩn trong 04 bức tường chật hẹp, đầu thì chạm mái nhà, chung quanh thì dụng phải màng nhện, phân chuột hôi hám. Bên ngoài thì nghe toàn những hung tín, linh mục bị bắt, bị hành quyết, các họ Đạo tan rã, người Công giáo bị phân tán vào trong các làng Lương, nhiều giáo dân chối đạo. Những người còn trung thành thì bị đầy lên rừng núi, chết chóc. Không biết rồi tình thế này còn kéo dài tới bao giờ! Thú thật, phải có ơn riêng, một ân sủng đặc biệt mới khỏi lâm vào cảnh khùng điên, thất vọng” (Xem Tiểu Sử 117 thánh Tử Đạo tr.233, của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ - Ngày 25.11.1985: Được ĐHY Trịnh Văn Căn giao cho làm Cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh 117 Vị Tử Đạo tại Việt Nam).
Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II tặng quà kim khánh cho Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, chén lễ bạc nạm vàng, trước sự chứng kiến của Đức TGM. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Sau sáu năm hăng say truyền giáo tại Việt Nam, ngày 30 tháng 11 năm 1860, đúng 09 giờ sáng một người tên là Sư Đối người làng Bút Đông cố tình dò xét chắc chắn rồi dẫn ông Tuần Đô, cựu chánh tổng tới vây bắt. Lúc ấy thầy Khang đang truyện trò với cha Gioan Vénard Ven, thì bà chủ nhà báo tin nhà bị quân lính bao vây. Hai cha con vội ẩn vào bức tường nhà. Ông Tuần Đô là người hiểm độc, ông ra lệnh cho quân lính vây kín chung quanh nhà rồi ông vào nhà gọi bà chủ nhà ra tra khảo:
Tôi biết chắc trong nhà bà có Tây dương Đạo trưởng đang ẩn trốn tại đây. Bà gọi họ ra đây thì bà sẽ nhẹ tội. Bà chủ nhà đáp:
  - Tôi thân phận góa bụa, làm gì có Tây dương Đạo trưởng ở trong nhà tôi? Sao ông nói gì lạ thế?
  - Tôi biết Tây dương Đạo trưởng này mới từ Kim Bảng về mà. Ông Tuần Đô nói quả quyết như thế.
Hai cha con nghe rõ câu chuyện nên biết chắc là có người tố cáo nên biết chắc thế nào cũng bị bắt. Ông Tuần Đô ra oai vì bà chủ nhà nhất định chối, ông ra lệnh đạp đổ cánh cửa và bắt đươc cha Gioan Vénard Ven và thầy giảng Nguyễn Duy Khang. Cha đã bị bắt, bị trói hai tay đưa về làng Lê Khoái, họ đòi nộp cho họ 100 nén bạc thì họ sẽ tha. Nhưng không có tiền nộp nên họ đem cha về huyện Lý Nhâm. Sau cùng họ nhốt cha trong cũi, rồi 08 tên lính phải thay nhau khiêng cha về thủ đô Hà Nội, còn thầy Nguyễn Duy Khang thì đeo gông, đi bộ theo sau. Trên đường đi, hai cha con thầm thĩ đọc kinh cầu nguyện xin Chúa giúp sức để luôn can đảm tuyên xưng Đức Tin. Về tới kinh đô, quan thẩm phán hỏi:
  - Ông từ nước nào tới đây?
  - Tôi từ nước Pháp thuộc Âu Châu tới
  - Ông tới Việt Nam để làm gì?
  - Tôi tới Việt Nam chỉ có một mục đích duy nhất là để rao giảng đạo Thiên Chúa cho những người chưa biết.
  - Năm nay ông bao nhiêu tuổi?
  - Năm nay tôi 31 tuổi.
Quan thẩm phán nhìn cha một cách thân thiện. Thấy cha ăn nói lịch thiệp, tư cách tỏ ra đức độ hiền lành thì thương, muốn tha cho cha. Nhìn cha một lát rồi quan nói với cha:
  - Ông còn trẻ quá! Đẹp trai lại ăn nói dễ thương quá! Vậy ai đã sai ông tới đây?
  - Tôi đã tình nguyện tới Việt Nam để giảng dạy giáo lý cho những người chưa biết đạo Thiên Chúa. Tôi dứt khoát thưa là tôi hoàn toàn không thừa lệnh vua quan nước Pháp
  - Thế ông có biết Giám mục Retord Liêu không?
  - Thưa, tôi biết
 - Tại sao Giám mục này lại viết thư giới thiệu với cấp chỉ huy phiến loạn để chiêu mộ lính người Công giáo?
  - Quan lớn có thể cho tôi biết quan lớn căn cứ vào đâu để nói như thế?
  - Chính quan Tổng đốc tỉnh Nam Định báo cáo về triều đình như thế.
  - Thưa quan lớn, tôi dám nói quả quyết, nguồn tin đó hoàn toàn sai lạc. Đúc Giám mục đã viết thư gửi các linh mục, nghiêm cấm rất ngặt các giáo sĩ và giáo dân không được theo quân phiến loạn để chống triều đình.
  - Vậy quân đội Pháp tới chiếm đóng Đà Nẵng, Saigòn là theo lệnh của ai. Họ có ý đồ gi khi tới gây chiến với chúng tôi?
  - Thưa quan lớn, tôi cũng nghe đồn là có chiến tranh. Nhưng không bao giờ tôi liên lạc với quân đội Pháp nên tôi không rõ.
  - Thôi, ông còn trẻ trung, kiến thức nhiều, nói năng lịch thiệp dễ thương. Tôi muốn tha cho ông vậy bây giờ ông bước qua Thập Giá để tôi tha cho ông về
  - Làm sao tôi có thể làm như thế được? Tôi rao giảng về cây Thánh Giá, sao quan lớn lại xúi tôi phản bội như vậy được? Tôi sẵn lòng chịu chết chứ không thế phản bội được.
  - A! nếu ông thích chết, tại sao ông lại ẩn lánh.
  - Thưa quan lớn, Chúa dạy không được cậy ở sức riêng mình. Khi bị truy nã thì mình phải trốn lánh. Nhưng nếu bị bắt thì là ý Chúa cho phép xẩy ra như vậy. Bởi vậy, tôi tin Chúa sẽ giúp sức cho tôi chịu mọi sự khổ vì Chúa.
Cuộc đối thoại chấm dứt, quan cho lệnh đưa cha trở về nhà giam. Trong suốt thời gian bị giam giữ trong ngục, cha đã bị đòn vọt, tra khảo, đánh đập đau đớn vô chừng. Nhưng vẫn một lòng kiên vững tuyên xưng Đức Tin, cậy trông nơi Chúa và sẵn sàng đón nhận sự chết vì Đức Tin, vì Chúa Kitô Sau bốn lần bị đối chất như thế, các quan đều thất bại vì không còn cách nào có thể để thuyết phục vị Thừa Sai truyền giáo trẻ trung này, nên các quan đã đồng tâm làm án xin vua ban lệnh trảm quyết. Được nhà vua chấp thuận và án lệnh được gửi về. Nhưng vì có những bất trắc xẩy đến nên án lệnh phải tạm thời đình hoãn một thời gian theo thông tư từ thượng cấp ban xuống.Chiều ngày 01 tháng 02 năm 1861, bản án tử hình cha Gioan Thêophan Vénard Ven đã được vua Tự Đức châu phê gửi về. Nguyên văn bản án như sau: “Đạo trưởng Tây phương Vénard 31 tuổi sinh quán tại Pháp quốc đã từ lâu thi hành tả đạo, đã đem giáo lý đó gieo rắc, lừa đảo dân chúng, và còn tập trung dân chúng để truyền giảng nữa. Nay đã bị bắt, bị xử thành án, bị trảm quyết: đầu sẽ bị treo lên cao trong ba ngày rồi buông sông. Đây là lệnh vua ban”. Sáng ngày 02 tháng 02 năm 1861, án lệnh mới được thi hành. Cha Gioan Vénard Ven ngay từ sáng sớm đã chỉnh tề áo quần tươm tất, lịch sự như ngày đại lễ.
Quan quân tới đọc bản án rồi áp giải cha ra pháp trường. Nghe đọc xong bản án, cha ứng khẩu nói một bài đại ý cha đến Việt nam với mục đích duy nhất là để truyền giảng đạo Chúa, nay vì thế mà bị bắt thì cha vui lòng chịu chết vì Chúa. Cha hẹn sẽ gặp mọi người trên Thiên Đàng, rồi từ giã các vị quan chức. Cha nói với các quan:
   - Trong tương lai chúng ta sẽ gặp nhau trước toà thẩm phán của Thiên Chúa.
Một vị quan nói:
  - Xin ông đừng về báo oán chúng tôi nhé
Cha đáp lại:
  - Tôi không báo oán, nhưng sẽ cầu nguyện cho các ông.
Đoàn quan quân đưa cha ra pháp trường hôm nay thật hùng hậu: gồm hai con voi mặc chiến phục, 200 binh sĩ dưới quyền quan giám sát chỉ huy. Cha Gioan Thêophan Vénard Ven ngồi trong cũi, nét mặt tươi vui, miệng đọc kinh rồi hát Thánh Vịnh. Số người theo sau rất đông nhưng lại bị ngăn cấm không được vào trong pháp trường. Tới nơi xử là pháp trường Cầu Giấy Hà Nội, lý hình bể gẫy xiềng xích tay chân cha rồi trói hai tay cha về đàng sau, buộc cả thân người vào cột tre đã chôn sẵn. Cha chỉ cúi đầu xuống, lý hình vung gươm lên chém một nhát là xong. Anh lý hình tên là Túc tới dụ cha cho tiền để anh chỉ chém cha một nhát cho đỡ đau nhưng cha nói “càng lâu càng tốt”. Anh ta bực mình khi chiêng trống nổi lên ra hiệu, anh này cố ý chém cha hai nhát bể cổ vai. Hai nhát sau vào cổ nhưng không đứt, anh lấy thanh gươm khác chém thêm một nhát nữa đầu cha mới rụng xuống đất. rồi anh cầm tai giơ cao, tung lên để các quan biết là đã xong cuộc hành quyết. Tên lý hình Túc này năm trước đã chém đầu bốn vị Thừa Sai tử đạo cũng tại pháp trường này rồi.. Thi hài vị Tử Đạo được chôn cất ngay tại pháp trường, còn đầu của cha bị ném xuống sông Hồng Hà, mãi tới ngày 15 tháng 02, ngư phủ mới tìm thấy vẫn còn tươi tốt, đem về nộp cho Đức Cha Theurel Đông. Năm 1864 Đức Cha Puginier Phước cải táng rước về. Đặt tại nhà thờ Kẻ Trù. Năm 1865 Đức Cha lại chuyển về Hồng Kông để rồi từ đó chuyển về đặt tại Nhà Nguyện Tử Đạo Hội Thừa Sai Paris cho tới ngày nay. Ngày 02 tháng 5 năm 1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã phong Chân Phước cho Ngài . Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988 trong một thánh lễ vô cùng long trọng tại quảng trường Thánh Phêrô, thủ đô của Giáo Hội Công Giáo.
GIẢI ĐÁP NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Một người do tình cờ đọc tờ báo công giáo và dân tộc (trang 54/số 1392 - 1393). Thấy xuất hiện dòng chữ Hội Đồng Giáo Hoàng, anh ta thắc mắc và hỏi?
Hội Đồng Giáo Hoàng đúng hay sai? Cơ cấu tổ chức Tòa Thánh bao gồm những cơ quan nào?
Chúng tôi đã đi hỏi các cha và các ông bà được học nhiều sách Thánh và có câu trả lời như sau:

Giáo Hội chúng ta luôn luôn chỉ có một vị Giáo Hoàng điều hành Giáo Hội toàn cầu mà thôi. Hiện nay tiếng quen thuộc trong các văn bản của Giáo Hội Việt Nam là Hội Đồng Tòa Thánh. Riêng về cụm từ “Hội Đồng Giáo Hoàng” xuất hiện nơi này hay nơi kia để sử dụng, tuy văn từ dung chưa được chính xác lắm. Nhưng cùng mang một ý nghĩa là Hội Đồng thuộc về Đức Giáo Hoàng chứ không phải là một hội đồng có nhiều Giáo Hoàng.
Điều hành Giáo Hội toàn cầu là Tòa Thánh Vatican đứng đầu là Đức Thánh Cha cùng với 03 cơ cấu chính trực thuộc:

- Thượng hội đồng Giám Mục và Hồng Y (Để giúp Đức Thánh Cha tham khảo)
- Phủ Quốc Vụ Khanh (Để giúp Đức Thánh Cha điều hành)
- Cơ quan trực thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, bao gồm: 
   09 Thánh Bộ - 12 Hội Đồng Tòa Thánh - 03 văn phòng - 03 tòa án.
Trong 12 Hội đồng Tòa Thánh có: Một Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình. Hội đồng này được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập năm 1973.
Nhằm nghiên cứu những vấn đề Linh đạo - Luân lý - Xã hội của gia đình. Hội đồng này có một chủ tịch đoàn bao gồm:
   09 Hồng Y, 08 Giám Mục, các thành viên hội đồng là 19 Đức Ông.
Các hội đồng Tòa Thánh khác cũng có một cơ cấu nhân sự như vậy, cơ cấu của các Thánh Bộ thường chỉ có: 01 Bộ trưởng - 01 phó và 01 thư ký.
NHỮNG VẦN THƠ HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG BÚT ĐÔNG
TRƯỜNG THI TỬ VÌ ĐẠO - THÁNH LUCA VŨ BÁ LOAN
Vũ Bá Loan sinh năm Bính Tý (1756)
Tại Bút Quai, giáo xứ Bút Ðông
Thiếu thời tin kính cậy trông...
Dâng mình nhà Chúa ngài không ước gì
Qua nhiều năm thực thi chủng viện
Ở Kẻ Bèo đối diện Phú Ða
Thụ phong linh mục tài ba
Nam Xang giúp xứ khoảng là nửa năm
Sau về giúp siêng chăm xứ mới
Cha già Liêm tiến tới Kẻ Vôi
Xứ này lại được chia đôi
Kêu là Kẻ Sở giao rồi Cha Loan
Cha sống thọ Chúa ban tám bốn
Tóc bạc phơ nơi chốn nhà giam
Quan quân hội ý họp bàn
Ðều kêu bằng cụ, bỏ đàng tấn tra
Ngày hành quyết cáng ra để xử
Phòng lý hình đề cử mười ông
Tất cả mười trả lời không
Biết rằng bị phạt mười ông chối từ
Ðao phủ mười một như ngần ngại
Cầm gươm dài tiến lại bên Cha
Cho tôi xin lỗi thứ tha
Thi hành phận sự chẳng là ý tôi
Liền sau đó một hồi chiêng trống
Cha nguyện cầu tay chống gậy quỳ
Nhát gươm tiễn biệt Ngài đi
Hồng ân tử đạo đón đi Nước Trời
Phúc tử đạo sáng ngời Canh Tý (1840)
Sáu mươi năm giáo lý loan truyền
Hồng ân Canh Tý (1900) ưu tiên
Suy tôn Chân Phước ở miền Bút Ðông
Theo di chúc chôn ông xứng đáng
Xứ Kẻ Chuôn an táng thi hài
Máu đào rạng rỡ tương lai
Cha Loan gương mẫu của Ngài kiên trung.
(sưu tầm)
TRƯỜNG THI TỬ VÌ ĐẠO - THÁNH TÊPHANÔ VEN
Têphanô Ven thừa sai linh mục
Sinh Kỷ Sửu (1829) quê thực Paris
Vâng lời Chúa tự nguyện đi
Viễn Ðông truyền giáo ngại gì khó khăn
Việt Nam lúc chủ chăn đang thiếu
Ðặt ngài vào công hiệu mới cao
Khó khăn đường đến làm sao
Bốn tháng trôi nổi dạt vào Hồng Kông
Ở đây đợi đường thông thuận tiện
Sẽ rước ngài thực hiện bài sai
Giáp Dần (1854) Cửa Cấm đón ngài
Ðưa về địa phận đàng ngoài tiếp thu
Ðức Cha Liệu công du kinh lý
Cần có người thư ký tháp tùng
Gặp quan tri huyện đi lùng
Cha con phải trốn tới vùng nhà quê
Xứ Kẻ Bèo đường đi hẻo lánh
Cha về đây tạm tránh cho qua
Ngờ đâu có kẻ tinh ma
Báo quan cha ở trong nhà vách đôi
Quan cai đội một hồi tìm kiếm
Bắt trói ngài kinh nghiệm càng cao
Củi cùm xiềng xích nhốt ào
Cả đoàn dẫn giải ngài vào Thăng Long
Quan Tổng đốc tinh thông lịch sử
Tra hỏi người trình tự qua loa
Cho người thay củi rộng ra
Xích xiềng thì cũng nhưng là nhẹ tênh
Ðường đi những gập ghềnh gai góc
Bọn tham quan muốn móc ngài vào
Thực dân giặc Pháp ra sao?
Bắt ra thể ấy buộc vào thế kia
Tôi đâu có mang hia đội mũ
Mà vào đây do chủ thiên sai
Giảng đạo nhân nghĩa của Ngài
Công bằng, bác ái, thương người neo đơn
Quan án sát muốn hơn một bước
Ép ngài vào mực thước nhà vua
Thập giá ông hãy bước qua
Tha ngay đưa gấp ngài ra khỏi tù
Tôi đâu phải kẻ ngu người dại
Mà quan bày thiệt hại hồn tôi
Một lòng theo Chúa trọn đời
Thà rằng chịu chết tôi thời vẫn vui
Bị trảm quyết tháng hai Tân Dậu (1861)
Hồn người con trung hậu về trời
Một lòng tận hiến tuyệt vời
Kỷ Dậu (1909) phong thánh đời đời ghi công.
(sưu tầm)
TƯỞNG NHỚ ĐỨC HY. GIUSE-MARIA TRỊNH VĂN CĂN 
(Một khách hành hương gửi bài thơ về quê hương)
Bút Đông xứ lớn hữu tình
Trường làng đường cái lượn hình con Long
Ngọn tre cao vút trên không
Nhà thờ hai tháp, cánh đồng tươi xanh
Lại thêm vinh dự vẻ vang
Quê hương bốn đấng, chăn chiên nhân lành
Đức Cha địa phận Hải Phòng
Hai Đức Mê Thuột, Đức Hồng chúng ta
Danh tiếng đồn khắp gần xa
Đức Tổng Giám mục chánh tòa thủ đô
Đời người đẹp tựa như thơ ca
Cao xa hòa với đơn sơ khiêm nhường
Uy quyền ướp đượm yêu thương
Hương lan tỏa vui mừng bình an
Nguy nan, Người vẫn lạc quan
Cậy trông - tin tưởng - khôn ngoan ai bì
Đức Hồng y đã ra đi
Nhưng bao sự nghiệp còn ghi muôn đời
Ba ngôi sao sáng chói ngời
Lung linh rực rỡ trên trời nước Nam
Điển trang tổ quốc huy hoàng
Việt Nam Giáo Hội vững vàng ngàn thu.
(Sưu tầm)
MỘT KHÁCH HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ BÚT ĐÔNG
(Để lại bài thơ)
Hỏi thăm xứ Bút ở nơi nao
Rằng phúc - rằng duyên - dạo gót vào
Nhà thờ hai tháp xinh đẹp nhỉ
Đường nét hoa văn lạ kỳ sao
Bao đời cha xứ còn ghi ấn
Dạy dỗ đoàn chiên công lớn lao
Danh thơm còn mãi tranh khôn vẽ
Hương ngát uy nghi tiếng mãi reo
Bên đàng hàng nhãn cây chen chúc
Trước mặt là hồ nước trong veo
Bồng hồ lãng uyển * đây chăng tá
Du khách ngỡ ngàng gió cuốn theo.
(2001)
* Bồng hồ lãng uyển.
“Hán văn” có nghĩa là: du ngọa quanh hồ có bồn hoa
BÂNG KHUÂNG
(Một người ở xa tổ quốc về thăm quê để lại bài thơ)
Mơ hồ đường rắc đầy sương
Vòng vo phải hỏi, độ đường tìm quê
Bến sông nửa níu tôi về
Nửa như hờ hửng câu thề bấy nay
Phẳng phiu đường ngõ, hương cây
Trĩu cành quả chín, đường đầy bóng râm
Cây vương bao nỗi nhớ thầm
Lòng tôi phút bỗng ướt đầm yêu thương
Trời sao trời khéo giăng sương
Đất sao đất khéo uốn đường quanh co
Để tôi muôn nỗi ngẩn ngơ
Nửa như thực - nửa như mơ nỗi niềm.
(Sưu tầm)
NHỚ QUÊ
(Hội đồng hương TP. Hồ Chí Minh)
Bao năm xa cách dân làng
Nhớ thương, thương nhớ cứ đan vào lòng
Đất nhà liệu có còn không?
Cây gạo còng ấy, chết rồi hay chưa?
Nhà thờ kỷ niệm tuổi thơ
Bạn bè thân hữu bây giờ ở đâu?
Vườn trầu - vườn nhãn - hàng cau
Cây đa - giếng nước - chiếc cầu chênh vênh
Chợ quê - quán cũ - ngôi đình
Với tôi là nghĩa là tình chân quê
Ngày đi đã nặng lời thề
Mong sao có dịp trở về thăm quê.
CHIỀU THU QUÊ HƯƠNG
Tôi dạo bước chiều thu trong xóm nhỏ
Bóng dáng người quen, vương đọng mơ màng
Ngôi trường cũ, sân chơi màu gạch đỏ
Đất mẹ ơi! Rạo rực Đông Thu sang
Nếu ai đó một thời xa vắng
Mới nặng tình sâu, nỗi nhớ quê mình
Những ai có một thời yêu say đắm
Mới bâng khuâng rạo rực trước bình minh
Xuân sắp đến nhưng trong tôi lỡ hẹn
Để cho ai nỗi nhớ rối bời
Xuân rộng mở, có chi đâu vẫn thế
Giọt thời gian rơi, mật đắng giữa trời.
Lỡ đã đi xa, nay tìm về tổ ấm
Quê mẹ ngãi tình sâu nặng vành nôi
Mưa bụi trắng hoa cau, hoa mận
Hương nhãn ngọt ngào theo suốt cuộc đời tôi.
TẾT NHỚ QUÊ
Làm sao tôi quên được quê nhà
Nơi cho thơ những điều diêu lạ
Tĩnh lặng chiều buông ngồi suy ngẫm
Nhớ cháy lòng những lúc đi xa
Nhớ chất mặn mắm cà dân dã
Nhớ ngọt ngào chất giọng quê ta
Chân đã bám con đường đất đỏ.
Nhớ nhà thờ, chuông đổ chiều xa
Còn lận đận áo cơm xuôi ngược
Làm sao ai biết trước chuyện đời
Cứ Tết đến lòng tôi xao xuyến
Để tâm tình có lúc đầy vơi
Đêm giao thừa khói sương bến đợi
Con trầm tư lần chuỗi Chúa ơi
Đành xa quê không về ăn tết
Để được nhìn mặt nước giếng thơi
(3/2003)
TIẾNG GÁY CHIM CU
(Hội đồng hương Hà Nội)
Nhớ ngày sống ở làng quê
Sáng nghe chim gáy say mê gọi đàn
Nắng hồng trời đất mênh mang
Cúc cù cu, hót dịu dàng chân quê
Ra đồng tỉa đỗ, trồng ngô
Thấy đàn chim gáy, đậu bờ nương xanh
Cúc cù cu, gọi bạn tình
Có trời xanh, có đất lành bao la
Trưa hè vừa chợp giấc mơ
Giật mình nghe tiếng chuông trưa ngọt ngào
Chiều thu gió nhẹ mây cao
Nhìn đàn chim gáy lượn chào trời xanh
Tôi vui có cảnh thanh bình
Tôi yêu, tôi quý, nghĩa tình làng quê
Chiều buông, xong lễ ra về
Nấu cơm giúp mẹ, thầm thì nịnh em
Lại nghe thánh thót tiếng chim
Cúc cù, cu cúc, êm đềm ngân nga
Bây giờ sống giữ phồn hoa
Nuôi con chim gáy để bao la tình
Để lòng thanh thản bình sinh
Để yêu để nhớ quê mình thân thương.
(1/2003)

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO

GIÁO XỨ BÚT ĐÔNG
Nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời (tước hiệu)
Giáo xứ Bút Đông - Giáo hạt Hà Nam - Tổng giáo phận Hà Nội (hình năm 2015)
Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Tổng giáo phận Hà Nội
Đang chia sẻ lời Chúa trong Thánh lễ Cung hiến nhà thờ GX Bút Đông
 CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ BÚT ĐÔNG
ÔNG GIUSE TRỊNH QUÝ SƠN - PHÁT BIỂU CÁM ƠN SAU THÁNH LỄ

Video hình ảnh về ngày Thánh lễ Cung hiến nhà thờ giáo xứ Bút Đông (05/11/2015)

 Video clips: Về ngày Thánh lễ Cung hiến nhà thờ giáo xứ Bút Đông (05/11/2015)
 BỨC THƯ NGỎ
KÊU GỌI LÒNG HẢO TÂM - TRỢ GIÚP XÂY DỰNG
NHÀ THỜ ĐỨC TRINH NỮ MARIA NỮ VƯƠNG
GIÁO HỌ HÒA TRẦN - GIÁO XỨ BÚT ĐÔNG

HOẠT ĐỘNG HỘI ĐỒNG HƯƠNG BÚT ĐÔNG - SÀI GÒN

Thánh lễ giỗ 03 năm - Đức cố Gm. Giuse-Maria Nguyễn Tích Đức
Tại Nguyện đường Bác Ái Thánh Tâm
Số 100A/3 khu phố Bình Đường 3 - An Bình - Dĩ An - Bình Dương
Đại diện Hội đồng hương tham dự Thánh lễ giỗ 03 năm
Đức cố Gm. Giuse-Maria Nguyễn Tích Đức
Ngày 15 tháng 5 năm 2014
Nhà thờ đá Giáo xứ Vĩnh Hòa - Hạt Phú Thọ - Tổng Giáo phận Sài Gòn
Đại diện Hội đồng hương tham dự Thánh lễ giỗ 01 năm.
Cha cố Giuse Trần Văn Nghị. Tại nhà thờ Vĩnh Hòa, hạt Phú Thọ
86/75 Ông Ích Khiêm - Phường 5 - Quận 11 - TP.HCM
Ngày 30 tháng 8 năm 2014
Lm. Giuse Nguyễn Mạnh Đạt (SDB) và dân làng trong Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn
Tham dự Thánh lễ Tạ ơn. Tại Cộng thể Đa-minh Savio.
Thuộc giáo xứ Tân Thịnh - Giáo hạt Hóc Môn - TGP. Sài Gòn
Ngày 21 tháng 6 năm 201
Ban đại diện Hội đồng hương Bút Đông TP.HCM giao lưu gặp gỡ đồng hương
Cha An-Tôn Nguyễn Văn Trung, quê tại Kẻ Bèo - Tiên Ngoại - Duy Tiên - Hà Nam.
Ngày 31 tháng 10 năm 2014
 Chuyện tích xưa về xứ Kẻ Bèo và vùng đất đồng chiêm, trũng của tỉnh Hà Nam:
 Vùng đất đồng chiêm, trũng* của Hà Nam ngày xưa có một làng, cứ gặt lúa Chiêm** xong là nước nổi. Theo làng ấy đứng từ đường cái quan nhìn vào như một ốc đảo. Ốc đảo ấy nổi phập phờ trên nước như cái chảo lớn úp ngược. Những đám bèo tây bị sóng đồng chiêm đánh tạt vào bụi tre ven làng suốt mùa nước nổi cứ thế ken dày. Làng bị bao vây bốn mặt là bèo. Từ đấy người ta thuận miệng gọi tên thành Làng Bèo. Khi người Pháp sang đô hộ. Khi khảo sát địa danh hành chính, họ không thể phát âm nổi tiếng “Bèo” nên gọi thành “Bào” vả lại tên hành chính là “Đồng Bào”. Tên này tồn tại một thời gian và cuối cùng thì tên Làng Bèo do các cụ đặt vẫn là địa danh không thể mất. Làng bây giờ thuộc xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam . Đây là một làng theo đạo Công giáo toàn tòng với số dân khoảng 700 nhân khẩu. Làng có nhà thờ xứ và con chiên các làng đạo Công Giáo vẫn thường gọi là Nhà thờ xứ Kẻ Bèo (trích đoạn: theo Lược sử Giáo xứ Đồng Bào của tác giả Lưu Quốc Hòa).
Chú thích:
* Vùng đất đồng chiêm, trũng: là vùng đồng ruộng trũng, có thành phần đất sét nhiều, chủ yếu cấy lúa chiêm (Vụ lúa chiêm thường được gieo cấy vào cuối năm âm lịch và thu hoạch vào hè năm sau). Đầu vụ thường gặp rét, từ giữa vụ nóng dần lên và có mưa rào. Lúa chiêm kỳ làm đòng rất cần các yếu tố dưỡng chất thiên nhiên, trong đó có chất được tạo nên nhờ tác nhân sấm chớp cơn giông.
Vì thế, dân gian có câu:
“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ
Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên!"
** Lúa chiêm có xuất xứ từ đất Chiêm Thành hay còn gọi Chăm-Pa, là miền đất chạy dài từ nam Đèo Ngang (Quảng Bình) đến Biên Hòa (Đồng Nai). Ngày xưa, Bắc Bộ chỉ có giống lúa cần nhiều nước nên hàng năm gieo cấy mỗi một vụ lúa vào mùa mưa nhiều (Hè Thu), gọi là vụ mùa. Vụ chiêm xuất hiện khi có giống lúa có nguồn gốc từ Chiêm Thành quen chịu khí hậu khô của Trung Bộ, được đưa ra Bắc gieo cấy vào mùa ít mưa (Đông Xuân) rất thích hợp. Thành ngữ “Chiêm Nam mùa Bắc” có ý là vậy.

Đại diện Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn

Hoạt động từ thiện bác ái và phân ưu cùng tang quyến.

Ban đại diện HĐHBĐ-SG thăm hỏi ông Đường - Bút Đông
Ngày 27 tháng 10 năm 2014
Đại diện Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn
Thăm viếng đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Anna Nguyễn Thị Nhường, vừa qua đời
Ngày 28 tháng 6 năm 2014
Ngày 05 tháng 8 năm 2014. Đại diện Hội đồng hương thăm viếng đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Giuse Nguyễn Văn Đoàn vừa mới qua đời (thân phụ của Lm. Nguyễn Ý Định).
Đại diện Hội đồng hương Bút Đông, tổ chức thăm viếng đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Maria Vũ Thị Lành, vừa mới qua đời ngày 05/11/2014. Tại giáo xứ Bến Cát, hạt Gò Vấp, TGP. Sài Gòn.

Thánh lễ tại gia, do cha linh hướng HĐHBĐ-SG, Giuse Nguyễn Ý Định chủ tế.
Tại giáo xứ Thánh Giuse, hạt Gò Vấp, tổng giáo phận Sài Gòn.
Đại diện Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn đã đến thăm viếng và dự Thánh lễ tại gia. Đọc kinh cầu nguyện cho hai linh hồn: Giuse và Anna.
1. Cụ ông Giuse Trịnh Quang Ngữ. Sinh năm 1929 tại Bút Đông - Trác Bút - Duy Tiên - Hà Nam. Đã được Chúa gọi về lúc 19g30 ngày 08/11/2014 tại giáo xứ Thánh Giuse, giáo hạt Gò Vấp, tổng giáo phận Sài Gòn.
2. Cụ bà Anna Trịnh Thị Sách sinh năm 1933 tại Bút Kênh - Trác Bút - Duy Tiên - Hà Nam. Đã được Chúa gọi về lúc 13g30 ngày 10/11/2014 tại giáo xứ Bút Đông, hạt Hà Nam, giáo phận TGP. Hà Nội.
Đại diện Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn, đồng hành cùng Lm. An-tôn Nguyễn Văn Trung (xứ Đồng Bào, Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam), đã đến thăm viếng gia đình tang quyến, bà cố Maria Đỗ Thị Tựa (bà cố Đoàn) vừa mới qua đời, ngày 13 tháng 11 năm 2014, chia sẻ lời nguyện cầu xin Chúa đoái thương sớm cho linh hồn bà cố Maria được hưởng tôn nhan Chúa nơi Thiên Quốc.
XIN CẦU NGUYỆN CHO HAI LINH HỒN ANNA VỪA MỚI QUA ĐỜI

1. Cụ bà Anna Vũ Thị Huệ sinh năm 1927 tại Bút Kênh - Trác Bút - Duy Tiên - Hà Nam. Đã được Chúa gọi về lúc 17g05' ngày 30/12/2014 tại giáo xứ Hà  Nội, hạt Xóm Mới, Tổng giáo phận ài Gòn.
2. Cụ bà Anna Lê Ngọc Bảo. Sinh năm 1931 tại Bút Kênh - Trác Bút - Duy Tiên - Hà Nam. Đã được Chúa gọi về lúc 4g00 ngày 31/12/2014 tại giáo xứ Các Thánh Tử Vì Đạo (Vườn Xoài cũ) , hạt Tân Định, Tổng giáo phận Sài Gòn.

Vào lúc 17 giờ 30, ngày 25 tháng 02 năm 2015. Tại số nhà 115 Lô F Cư xá Thanh Đa - Bình Quới - Phường 27 - Bình Thạnh. Linh mục Gioan La-San Nguyễn Văn Hạnh chủ tế hiệp dâng Thánh lễ tại gia cầu nguyện cho linh hồn Phêrô Trịnh Ngọc Tiến (là cháu ruột ĐGM. Trịnh Chính Trực - Giáo phận Ban Mê Thuột) vừa qua đời, sớm được hưởng tôn nhan Chúa trên nước trời.
Chụp hình lưu niệm buổi thăm viếng đám tang Phêrô Trịnh Ngọc Tiến.
Tại cư xá Thanh Đa cạnh bờ sông Sài Gòn.

Đại diện Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn & Đại diện Hội đồng hương Kẻ Bèo và Mang Sơn tham dự Thánh lễ đồng tế Mừng kính Thánh tử vì đạo Têphanô Ven thừa sai linh mục (click vào để xem hình). Bổn mạng Hội đồng hương Kẻ Bèo. Tại Giáo xứ Mông Triệu - Giáo hạt Gia Định - TGP.Sài Gòn , số 78 Nguyễn Cửu Vân - Phường 17 - Quận Bình Thạnh - TP. HCM.
Ngày 01 tháng 02 năm 2015.

Đại diện Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn
Đến thăm viếng các cụ trên 80 tuổi trước Tết Ất Mùi. 

Ngày 12/2/2015

       Ban đại diện HĐHBĐ-SG thăm viếng gia đình ông Phanxico Savie Nguyễn Đức Phúc.
Ban đại diện HĐHBĐ-SG thăm viếng gia đình bà Nhẫn (người thôn Đông Nội - Bút Đông).
Ban đại diện HĐHBĐ-SG thăm viếng gia đình bà Tưng (người thôn Đông Nội - Bút Đông).
 Ban đại diện HĐHBĐ-SG thăm viếng gia đình bà Thống (người Bút Thượng).
Ban đại diện HĐHBĐ-SG thăm viếng gia đình bà Sơn (người thôn Đông Nội - Bút Đông

Đại diện Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn

Thăm chúc Tết quý Cha và các ông bà cố thuộc HĐHBĐ-SG.

Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn thăm viếng chúc Tết Lm. Giuse Nguyễn Ý Định
 (Lm. linh hướng của hội)
Cha linh hướng chụp hình lưu niệm cùng Ban đại diện Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn.
Buổi gặp mặt thân mật vui Xuân Ất Mùi cùng cha Gioan La-San Nguyễn Văn Hạnh, linh tông của GM. Nguyễn Tích Đức (Giáo phận Ban Mê Thuột)
Cha Gioan La-San chụp hình lưu niệm cùng BĐD. Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn.
Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn thăm viếng chúc Tết Lm. An-ton Nguyễn Văn Trung
(Đan viện Cát Minh. Tại hẻm 38, số nhà 38/90 phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức).

Ban đại diện HĐHBĐ-SG thăm viếng gia đình Lm. GioaKim Nguyễn Thanh Tùng.

Ban đại diện HĐHBĐ-SG thăm viếng gia ông bà ngoại của Lm. GioaKim Nguyễn Thanh Tùng (người Bút Thượng).
Đại diện Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn
Đến thăm bà cố Caterina di Siena Nguyễn Thị Tập (Mạo).

VỀ THĂM LÀNG QUAN ĐẠO
GIÁO XỨ BÚT ĐÔNG

(11/8/2014)

Thăm cha chính xứ Bút Đông - Giuse Vũ Ngọc Ruẫn  (8/2014)

Về thăm Làng Quan Đạo Bút Đông - Quê Ta (2014)


NĂM 2014 

Vào dịp ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, ngày mùng 07 tháng 10 hàng năm. Bổn mạng của Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn, được qui lại gồm các ông bà, anh chị em, giáo dân có cùng quê hương, gặp mặt lại họp thành một lễ hội, xin Thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã khuất, cầu bình an cho dân làng, cho quê hương tổ quốc. Các thành viên tham gia, không phân biệt già, trẻ, gái trai. Trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, với phương châm tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Khi ốm đau, hoạn nạn, đến thăm hỏi ủi an giúp đỡ khi chia ly, được tổ chức đến phân ưu, phúng viếng, đọc kinh dâng lời cầu nguyện.Vào dịp các ngày Lễ - Tết, cùng nhau hội tụ lại chúc Tết, nhắc nhở ôn lại kỷ niệm về quê cha, đất tổ, cũng như tổ chức đi thăm viếng các quí cha cùng quê hương.
Theo nhiều người nhận xét, thì năm 2014 là hơn các năm trước. Đặc biệt là giới trẻ tham gia đông và nhiệt huyết. Thánh lễ Mừng kính Đức Mẹ Mân Côi được tổ chức tại Giáo xứ Bến Cát - Giáo hạt Gò Vấp - TGP. SG
Ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Hỷ
Trưởng ban đại diện HĐHBĐ đang giới thiệu hình ảnh xưa và nay, thông tin về làng quê Bút Đông, trước giờ Thánh lễ đồng tế, năm 2014.
Thánh lễ đồng tế Mừng kính Đức Mẹ Mân Côi - Quan thầy của HĐHBĐ - SG
Được tổ chức tại Giáo xứ Bến Cát - Gò Vấp - TP. Hồ Chí Minh - Năm 2014
Vào lúc 09g30 ngày 05/10/2014, đông đảo bà con đồng hương Bút Đông đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh - Hố Nai, đã quy tụ về giáo xứ Bến Cát, giáo hạt Gò Vấp đề mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng dân làng.
Trước Thánh lễ, qua slide hình ảnh làng Bút Đông xưa và nay, ông Vinh Sơn Vũ Văn Hỷ đã giúp những người lớn tuổi hồi ức về quá khứ qua bao hình ảnh được tái hiện. Đồng thời, người trẻ cũng phần nào hình dung được quê hương của mình, dẫu chưa một lần trở về thăm quê.
Đúng 10g00, Thánh lễ trọng thể mừng kính Đức Mẹ Mân Côi do cha Giuse Nguyễn Ý Định chủ tế. Đồng tế cùng với ngài còn có quý cha Dòng Salêdiêng Don Bosco - Bến Cát - Gò Vấp gồm có: Cha Marcô Nguyễn Đức Huỳnh (SDB), nguyên chính xứ Giáo xứ Bến Cát, cha giáo Giuse Nguyễn Tiến Mỹ (SDB) và cha Gioakim Nguyễn Thanh Tùng (SDB) cũng là người thuộc làng quê Bút Đông.
Chia sẻ Lời Chúa, cha Giuse Nguyễn Ý Định nêu bật vai trò của Đức Mẹ Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa:
- Xưa kia, A-dong và E-va đưa chúng ta vào vòng tội lỗi, nhưng Mẹ Maria vì “tin” đã nói lời “xin vâng” và Ngài cộng tác với Chúa Giêsu, vì thế lịch sử của nhân loại đã sang một trang mới, chúng ta được thoát khỏi tội lỗi và trở nên con của Thiên Chúa. Để rồi, khi Chúa Giêsu chịu chết và Phục Sinh, Mẹ Maria đã trở thành tâm điểm để quy tụ các tông đồ lại siêng năng cầu nguyện, chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự đến.
- Ngày nay, khi con người tiếp tục phạm tội và gặp bao cám dỗ, chính Mẹ Maria trở thành gạch nối đưa ta trở lại với Chúa bằng lời khuyên hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Và rồi khi suy gẫm các sự kiện trong bốn sự Vui, Sáng, Thương và Mừng sẽ giúp ta hiểu biết rõ hơn về mầu nhiệm Chúa Kitô và ơn cứu chuộc của Ngài, như Thánh Louis - Marie Grignion de Montfort đã sâu xa cảm nghiệm: “Chúa đã muốn đến với chúng ta nhờ Mẹ Maria, thì Người cũng muốn chúng ta đến với Người nhờ Mẹ Maria”.
Kết luận, cha chủ tế mời gọi cộng đoàn không chỉ đọc nhưng hãy gẫm suy từng lời kinh Mân Côi, để biến đổi cuộc đời chúng ta, sống mật thiết với Chúa và yêu thương tha nhân, hầu xoá đi những cám dỗ của cuộc đời và luôn hướng về trời cao. Đặc biệt, đối với đồng hương Bút Đông,
chúng ta hãy luôn tôn thờ Thiên Chúa, tôn kính Mẹ Maria và siêng năng lần chuỗi Mân Côi để giáo dục đời sống Đức tin cho con cái, duy trì truyền thống tốt đẹp của dân làng đã có nhiều linh mục, tu sĩ dâng mình cho Thiên Chúa.
Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Vinh Sơn Vũ Văn Hỷ đã thay mặt dân làng cám ơn quý cha, quý đồng hương, quý ân nhân, cha chánh xứ và cộng đoàn giáo xứ Bến Cát đã dành nhiều sự ưu ái, để dân làng mừng lễ bổn mạng thật trang trọng.
Đáp từ, thay mặt dân làng, cha Giuse Nguyễn Ý Định cảm ơn quý cha dòng Don Bosco, Hội đồng Mục vụ và các ban ngành, đoàn thể giáo xứ Bến Cát đã dành cho dân làng những tình cảm thật trân quý. Ngoài ra, anh Giuse Phạm Thuỷ Hồ cũng thông báo kế hoạch và mời gọi mọi người cộng tác để thực hiện cuốn Kỷ yếu cho dân làng vào tháng 10 năm 2015.
Cuối lễ, tân Ban Đại diện đồng hương đã ra mắt và chụp hình lưu niệm với quý cha đồng tế và sau kết thúc Thánh lễ, bà con quy tụ lại tại hoa viên giáo xứ Bến Cát để hàn huyên tâm sự trong bữa cơm gia đình. Nhân dịp này, Ban Đại diện đã báo cáo quỹ, các tin tức, sinh hoạt của đồng hương, cũng như các vị phụ trách liên lạc từng vùng.
Được biết, hằng năm, nhân dịp lễ Đức Mẹ Mân Côi, đông đảo bà con đồng hương ở Thành phố HCM, Hố Nai, thường luân phiên quy tụ về Gò Vấp, Xóm Mới, Thủ Đức để mừng lễ bổn mạng. Sau Thánh lễ, bà con ngồi lại với nhau dùng bữa cơm gia đình, hàn huyên tâm sự, và Ban Đại diện sẽ thông báo các tin tức, sinh hoạt của đồng hương. Công việc tổ chức luôn được sự hướng dẫn và giúp đỡ của cha Linh hướng. Ngoài ra, một nhóm khác ở Đà Lạt cũng thường xuyên tổ chức mừng bổn mạng vào cùng thời điểm.
(Phêrô Nguyễn Văn Chiến)

BAN ĐẠI DIỆN HỘI ĐỒNG HƯƠNG BÚT ĐÔNG - SÀI GÒN
NĂM 2014

Ca đoàn Hội đồng hương Bút Đông
Phục vụ trong buổi Thánh lễ Mừng kính Đức Mẹ Mân Côi - Năm 2014

NHẠC & THƠ

VỀ LÀNG QUAN ĐẠO BÚT ĐÔNG - QUÊ TA

 Phanxico Savie Trịnh Nhất Định (hình trên) tác giả bài hát Bút Đông Nguyện Cầu.

Bút Đông Nguyện Cầu.

1. Chúa ơi! Quê con là những cánh đồng. Nhãn xanh mát đẹp vây quanh Thánh Đường. Tình người bao la ngút ngàn, một lòng tin yêu Thiên Chúa luôn, quê con sớm hôm không quên chuỗi kinh Mân Côi, không quên chuỗi kinh Mân Côi.
2. Chúa thương quê con nhiều Đức Giám mục, Nữ tu, Linh mục hiến dâng cho đời. Người người cần lao sớm chiều, đồng lòng đồng tâm luôn lắng lo, sao cho Phúc Âm mau mau lớn lên trong lòng ai, mau mau lớn lên trong lòng ai.
3. Chúa ơi! Nay quê con còn thiếu Linh Mục. Sớm hôm, chia sẻ nỗi vui nỗi buồn. Đồng hành đồng tâm với làng, để lòng vững tin Thiên Chúa hơn, quê con sớm hôm không quên Thánh Giuse, không quên Thánh Giuse.
4. Chúa ơi! Nay quê con còn lắm ưu phiền. Ốm đau lao nhọc suốt cả cuộc đời. Một đời lao đao sớm chiều, tựa dòng sông sâu bao khổ đau, ai ơi sướng vui không quên những anh em khổ đau, không quên những anh em khổ đau
ĐK: Ơn trên Chúa ban con nào đền đáp chi cho bằng. Ai ơi! Chớ quên, Bút Đông là dòng máu trong thân này. Nay xin Chúa thương ban nhiều hồng phúc cho quê nhà. Bao năm dưỡng nuôi lao nhọc thành lộc Chúa ban trên trời
THƠ VỀ HỘI ĐỒNG HƯƠNG BÚT ĐÔNG
Dẫu gì cũng có một khúc quê
Thánh đường chung hát, lối về chung quen
Xứ người qua mấy truân chuyên
Ngó nhau tìm chút mùa biền biệt xa
Nắng vàng chi mấy cỏ hòa
Có con mắt nhớ quê nhà tình thương
Mây bay qua phố qua phường
Tôi - anh chung một thánh đường đọc kinh
Ngồi mơ ngày khoác áo tơi ”áo tơi lá ở quê”
Kéo cày giữa ruộng đọc lời thơ say
Còn ly rượu tỏa hơi cay
Men nồng song sánh ướp đầy hương quê
Tình đa đoan - phố bộn bề
Không cùng nỗi nhớ, dễ gì nhớ nhau
Biết đâu - ừ nhỉ! biết đâu
Gặp nhau bởi khoác áo màu cố hương
Quay về ký ức tuổi thơ
Vịn vào câu hát ầu ơ của bà
Thương hoài câu hát mượt mà
Cho con lớn giữa thiết tha ruộng đồng
Quay về chạm phải mênh mông
Rạ rơm mùa cũ khói nồng hương đưa
Cánh diều ướt những chiều mưa
Chao nghiệp giấc ngủ cho vừa nhớ thương
Giấc mơ là những thiên đường
Cho con chuồn ớt bên nương gần nhà
Có con cò lả bay qua
Có lời ca cũ ngân nga tháng ngày
Con về gặp những mê say
Khi không lại thây cay cay mắt nhìn
Khói sương mờ ảo quanh mình
Khói sương mờ ảo bóng hình bà xưa
Mùa này chiều lắm cơn mưa
Trời đang thấp xuống cho vừa yêu thương.

GIÁO XỨ BÚT ĐÔNG TRONG MÙA VỌNG CHUẨN BỊ

ĐÓN MỪNG KỶ NIỆM CHÚA GIÁNG TRẦN

NĂM 2014

 Thánh đường Giáo xứ Bút Đông lung linh ánh sáng mầu vào ban đêm
Hang đá trong khuôn viên nhà xứ Bút Đông
Ngày 19 tháng 12 năm 2014
Năm 2015 
Vào lúc 09g30 ngày 04/10/2015, đông đảo bà con đồng hương Bút Đông đang sinh sống tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Hố Nai đã quy tu về nguyện đường Đaminh Bắc Ninh - Số 26/18, đường Nguyễn Viết Xuân, khu phố Bình Đường 03, xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Để mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng dân làng. Trước Thánh lễ mừng bổn mạng của đồng hương năm 2015. Cha Giuse Nguyễn Ý Định - Linh hướng đồng hương Bút Đông có lời mời gọi: “Hiệp dâng Thánh lễ mừng bổn mạng, ngoài việc tưởng nhớ và tự hào khi các bậc tiền nhân làng Bút Đông đã hiến dâng cho Giáo hội Việt Nam 01 Hồng y, 03 Giám mục và trên 70 Linh mục. Chúng ta còn có bổn phận và trách nhiệm cầu nguyện cho ơn gọi trong làng Bút Đông ngày càng phát triển về lượng cũng như về phẩm…”
Ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Hỷ cố vấn HĐHBĐ-SG
Đang giới thiệu về thiệp mời của GX. Bút Đông đến bà con đồng hương
Trước Thánh lễ, ông Phêrô Nguyễn Văn Chiến đã báo cáo với quý cha và bà con các sinh hoạt và quỹ trong năm 2015, cũng như định hướng cho các sinh hoạt trong năm 2016. Đặc biệt, ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Hỷ đã kêu gọi bà con thu xếp công việc về thăm quê hương, nhân dịp vào ngày 05/11/2015, tại quê hương thôn Đông Nội, xã Trác Bút, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, sẽ tiến hành tổ chức Thánh lễ Cung hiến nhà thờ giáo xứ Bút Đông, do Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Tổng giáo phận Hà Nội chủ sự, sau khi ngôi thánh đường cũ đã được trùng tu tốt đẹp.
Thánh lễ đồng tế Mừng kính Đức Mẹ Mân Côi bổn mạng HĐHBĐ-SG, do cha Giuse Nguyễn Ý Định chủ tế được cử hành lúc 10g00. Đồng tế với ngài có hai cha đồng hương, gồm cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Hạnh - Linh hướng Tu viện Đaminh Bắc Ninh và cha Giuse Nguyễn Mạnh Đạt, SDB. Đến hiệp dâng Thánh lễ, ngoài bà con đồng hương còn có quý soeur và đệ tử Dòng Đaminh Bắc Ninh.
Chia sẻ Tin Mừng, cha Giuse Nguyễn Mạnh Đạt mời gọi mọi người suy niệm về vai trò của Đức Mẹ trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Ngài diễn giảng:
- Tràng hạt Mân Côi có trung tâm là ảnh Đức Mẹ, nhưng ảnh Đức Mẹ lại hướng tới Thập Giá của Đức Kitô. Thật vậy, Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng, phác họa lại cho chúng ta toàn bộ cuộc đời của Đức Kitô, từ lúc được hoài thai trong cung lòng Đức Mẹ, cho đến cuộc Thương Khó, chết trên Thập Giá, và sau đó sống lại và lên trời.
- Người Kitô không chỉ siêng năng lần hạt Mân Côi, nhưng hãy suy niệm để xin Chúa giúp chúng ta biết sống và kết hiệp với mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta sẽ tín thác cuộc đời của chúng ta cho Thiên Chúa, dẫu rằng có những lúc chúng ta không thể hiểu “Việc đó xảy đến thế nào được!” để sẵn sàng đáp lời “Xin Vâng” như Đức Mẹ Maria.
- Đồng hương Bút Đông nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng, vậy chúng ta hãy sống hiệp nhất với nhau qua việc lần chuỗi Mân Côi, bởi lẽ mỗi lời kinh Mân Côi là một đóa hoa hồng dâng lên Đức Mẹ với lòng cảm mến và yêu thương của người con thảo.
Kết luận: ngài ước mong mọi người hãy noi gương Đức Mẹ Maria, sống khiêm nhường, đơn sơ, nhỏ bé và chấp nhận lẫn nhau, vâng theo thánh ý của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, như Thánh Phaolô đã dạy: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl2,20).
Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Giuse Phạm Thủy Hồ đã thay mặt dân làng cảm ơn quý cha đồng hương, cha linh hướng và quý soeur Tu viện Đaminh Bắc Ninh, quý đồng hương, quý ân nhân đã dành nhiều sự ưu ái, để dân làng mừng lễ bổn mạng thật sốt sắng và trang trọng. Sau Thánh lễ, trong bữa cơm thân mật tại nhà cơm Tu viện Đaminh Bắc Ninh, Ban Đại diện đã thông báo chương trình và kinh phí để bà con đăng ký về quê hương tham dự Thánh lễ tạ ơn, ngày 05.11.2015. Được biết, hằng năm, nhân dịp lễ Đức Mẹ Mân Côi, đông đảo bà con đồng hương ở Thành phố HCM, Hố Nai thường luân phiên quy tụ về Gò Vấp, Xóm Mới, Thủ Đức để mừng lễ bổn mạng. Ngoài ra, một số bà con ở Đà Lạt cũng thường xuyên tổ chức mừng bổn mạng vào cùng thời điểm.
Bài viết: Phêrô Nguyễn Văn Chiến& Ảnh: Văn Minh - Nguyễn Đức
LỜI NGUYỆN CẢM TẠ VÀ TRI ÂN
Kính thưa ! Quý cha, quý sơ và toàn thể ông bà, anh chị em đồng hương.
* Đây tất cả là hồng ân! Chúng con Hội đồng hương Bút Đông thuộc địa phận Sài Gòn, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Cảm tạ Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn hồng ân cho hội đồng hương được mọi sự an bình.
* Mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng của hội. Hôm nay chúng ta ghi nhớ công đức các đấng tiền nhân trong muôn vàn khó khăn thử thách đón nhận Tin mừng lập nên xứ đạo Bút Đông, quê hương thân yêu này.

* Mừng lễ bổn mạng của hội, chúng ta ghi nhớ công đức các Thánh Tử Đạo, quý Giám mục, linh mục và các quý tu sỹ nam nữ đã lướt thắng mọi trở ngại, trong gian lao thử thách đem Tin mừng đến cho tổ tiên chúng ta.

* Và mừng lễ bổn mạng của hội hôm nay. Chúng ta cũng luôn ghi nhớ công đức các quý tu sĩ nam, nữ là con cháu dân làng Bút và các vị ân nhân xa gần là thân hào, nghĩa sỹ đã giúp đỡ xứ đạo Bút Đông tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin mừng. Đã dày công dựng xây Hội đồng hương Bút Đông được trường tồn và phát triển suốt chiều dài lịch sử từ năm di cư đến nay.

* Đồng lúc chúng ta không quên ơn sự có mặt của các quý cha và cộng đoàn nữ tu Đa Minh – Bắc Ninh, đã nâng đỡ về mặt tinh thần cũng như điều kiện vật chất, đã góp phần trong việc mừng bổn mạng, điểm tô thêm sắc màu, làm cho ngày mừng bổn mạng của hội thêm phần phong phú và sống động hơn!

- Kính thưa quý cha và quý vị!

Nhân dịp quý giá này, chúng con xin trình lên Cha linh hướng HĐHBĐ và cộng đoàn. Được chuyển 100 thiệp mời của Giáo xứ Bút Đông đến quý cha, quý tu sĩ và dân làng. Cố gắng thu xếp thời gian và công việc, trở về quê hương tham dự Thánh lễ Cung hiến nhà thờ giáo xứ Bút Đông tại thôn Đông Nội, xã Châu Giang (xưa là Trác Bút), huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Được tổ chức vào lúc 9giờ30, ngày 05 tháng 11 năm 2015. Do Đức Hồng y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn – Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội chủ sự.
Một sự kiện mà chúng ta bao đời nay chúng ta mong muốn. Đây cũng là dịp cần thiết để trở về quê hương tham dự Thánh lễ cầu nguyện và tham quan tìm hiểu cội nguồn quê hương Bút Đông. Nơi tổ tiên đã dày công gìn giữ xây dựng phát triển.

- Thưa quý Cha và quý vị!

Đại diện HĐHBĐ chúng con còn có một thỉnh nguyện và ước mong được có các tư liệu nói về làng quê Bút Đông. Để nối tiếp bổ xung về tiểu sử xứ đạo Bút Đông ngày càng đầy đủ phong phú hơn.
Theo sử liệu tóm tắt về Giáo xứ Bút Đông của hai ông Phêrô Nguyễn Ngọc Ánh và Giuse Phạm Tuấn Ngoạn sưu tầm đã bàn giao lại cho ban đại HĐHBĐ. Là những câu chuyện kể được truyền tai hoặc các tư liệu còn chắp vá, nhiều thiếu xót mai một. Nội dung chưa được rõ ràng và những minh chứng chưa hoàn thiện.

- Kính thưa Cha linh hướng.

Được có qui củ tổ chức, để tỏ tường các sự kiện trên. Xin cha linh hướng chuẩn y có chủ trương và chỉ đạo, cùng sự hưởng ứng của cộng đoàn Bút Đông. Sự cộng tác của các học giả, nhà viết sử và của quý Tu sĩ. Để từ đây, năm 2015 này, chúng ta tiến hành các bước chuẩn bị tổ chức thu thập các tư liệu còn ẩn tích. Hy vọng trong tương lai gần, dân làng có được một cuốn Kỷ yếu Bút Đông ngày càng ý nghĩa và hoàn thiện hơn. Kính mong cha Chủ nhiệm xem xét, chân thành cảm ơn Cha.

- Kính thưa quý cha, quý sơ, cùng cộng đoàn ĐHBĐ - Sài Gòn. 

Lễ mừng bổn mạng hôm nay, ngoài tâm tình cảm tạ tri ân Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria và lòng yêu thương vô biên Trái Tim Chúa Giêsu. Tri ân các bậc tiền nhân, cũng như quý Hồng y, giám mục, linh mục đã ươm trồng và rao giảng Tin mừng. Một lần nữa chúng con không quên cảm tạ tri ân quý ân nhân xa gần, đã tạo mọi điều kiện thuận tiện cho việc tổ chức ngày Lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi bổn mạng của HĐHBĐ.

Chúng con đồng kính cảm tạ và tri ân.
TP.HCM, ngày 04 tháng 10 năm 2015    
                TM. Hội đồng hương Bút Đông – Sài Gòn 

NHẬN XÉT CHUNG: 
Bài viết về lược sử Làng Quan Đạo Bút Đông - Quê Tôi, còn đang trong thời kỳ sơ khai. Thời gian và bạn đọc là những giám khảo nghiêm khắc, công minh nhất. Vì vậy, rất mong được sự đóng góp bổ sung thêm, những chứng tích của quê hương, nhất là tiểu sử của một số nhà thờ họ, cũng như tên họ, tên thánh một số vị linh mục mà chúng tôi chưa làm được.
Riêng phần Sơ lược tiểu sử của Đức cố Hồng y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn do trích dẫn nguồn từ: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia nên còn nhiều thiếu sót, nhất là trong cách xưng hô chưa thỏa mãn quí độc giả mong quí vị thông cảm. Hội đồng hương Bút Đông - Sài Gòn còn thiếu thông tin, khoảng 20 linh mục tản mạn khắp nơi trong nước và hải ngoại.chưa thể liệt kê được. Chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật trong thời gian gần nhất.
Xin chân thành cảm ơn!
Nguồn:
* Tham khảo tài liệu:
- Tiểu sử đôi nét làng quê Bút Đông: do ông Phêrô Nguyễn Ngọc Ánh và Giuse Phạm Tuấn Ngoạn sưu tầm.
- Website: Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam, dòng Mến Thánh Giá Hà Nội và dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp.
- Tiểu sử 118 vị Tử Vì Đạo Việt Nam.
- Tiểu sử Giuse Maria Trịnh Văn Căn (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
- Về hình ảnh: với sự giúp đỡ của cha chính xứ Bút Đông Giuse Vũ Ngọc Ruẫn, Ma-soeur Maria Trần Thị Hương (chị cả Cộng Đoàn Mến Thánh Giá - Bút Đông) và một số bà con dân làng cho scan lại tư liệu.
* Biên soạn chỉnh sửa và bổ túc thêm:
- Biên soạn chỉnh sửa với sự tham gia đóng góp gồm các ông bà: 1. Giuse Phạm Tuấn Ngoạn 2. Phêrô Trịnh Văn Đền 3. Luca Đỗ Văn Quang 4. Giuse Trịnh Quý Sơn (Hội trưởng HĐGX. Bút Đông) 5. Ma-soeur Maria Trần Thị Hương (chị cả Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Bút Đông) 6. Maria Lê Thị Lý 7. Maria Nguyễn Thị Kim Ngân 8. Maria Đỗ Thị Kim Oanh 9. Phaolô Bùi Đoàn Trọng, cùng các ông bà trong HĐHBĐ góp ý.
Gò Vấp, ngày 10 tháng 10 năm 2014
HĐHBĐ
Chủ biên tập
Giuse Phạm Thủy Hồ
Mail: phamthuyho@gmail.com
thuyho@live.com
Sđt: 0865259699



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét